Adenovirus – loại virus phổ biến trên thế giới có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng và hoang mang. Dưới đây là những thông tin quan trọng về Adenovirus mà bố mẹ nên nắm rõ để bảo vệ sức khỏe trẻ.
Adenovirus ở trẻ em gây bệnh gì?
Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chủng virus phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy, hầu hết trẻ bị nhiễm Adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi.
Chủng virus Adeno không xảy ra theo mùa như các loại virus khác (ví dụ như virus cúm…), mà có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa.
Adenovirus được chia thành 7 nhóm có ký hiệu từ A đến G dựa trên các đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Trong đó, có hơn 50 type gây bệnh ở người và là mầm mống gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Adrnovirus gây ra những bệnh gì ở trẻ em?
Bệnh lý phổ biến nhất khi nhiễm Adenovirus ở trẻ em là sốt và một số bệnh khác như là:
- Cảm lạnh.
- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc).
- Viêm thanh khí phế quản.
- Viêm tiểu phế quản.
- Viêm phổi.
- Viêm dạ dày ruột.
- Nhiễm trùng bàng quang.
- Viêm màng não và viêm não.
Hầu hết các nhiễm trùng đều khá nhẹ, tuy nhiên nhiễm trùng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và những trẻ có hệ miễn dịch kém. Một số loại virus có thể liên quan đến những bệnh lý nặng nề hơn.

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị nhiễm Adenovirus
Virus Adeno có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh phổi mạn tính: Mặc dù hiếm gặp nhưng trẻ bị viêm phổi do Adenovirus có thể phát triển thành bệnh phổi mạn tính.
- Tình trạng nhiễm trùng nặng: Trẻ nhỏ có vấn đề ở hệ thống miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn khi nhiễm Adenovirus.
- Lồng ruột: Là bệnh lý nghiêm trọng ở đường ruột gồm ruột non và ruột già, trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới gây tắc nghẽn sự lưu thông của đường ruột. Khi đoạn ruột phía trên chui vào kéo theo các mạch máu, khiến các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử dẫn đến thủng ruột, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng trẻ.
Đường lây truyền Adenovirus
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Biện pháp điều trị Adenovirus ở trẻ em
Điều trị triệu chứng ở trẻ bằng cách:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước.
- Uống Acetaminophen nếu triệu chứng sốt làm trẻ khó chịu.
- Vệ sinh mũi thường xuyên, có thể sử dụng máy tạo ẩm, phun sương hoặc thuốc nhỏ mũi nước muối để cải thiện triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy không thể uống đủ chất lỏng, cần tiến hành điều trị mất nước.
- Đối với trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ mới sinh và trẻ sinh non), trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ bị nhiễm Adenovirus nặng có thể cần hỗ trợ hô hấp, như thở oxy hoặc thở máy, dùng kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm viêm phổi.
Điều trị các triệu chứng bằng cách: Hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).

Những lưu ý cha mẹ cần biết để phòng tránh cho trẻ
- Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.
- Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng.
- Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.
- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
- Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Việc phát hiện sớm Adenovirus ở trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong can thiệp điều trị, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, cũng như kiểm soát tốt nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo lắng nào.
Bệnh do adenovirus rất dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp, nên cũng dễ bùng phát thành dịch chính vì vậy khi phát hiện bản thân hay những người xung quanh mình nhiễm Adenovirus cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý, tránh bệnh bùng phát thành dịch.