Người bệnh cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và những dưỡng chất cần thiết khác cho hoạt động sống của cơ thể. Đồng thời tránh ăn những món có khả năng tăng cholesterol xấu, tích tụ xơ vữa thành động mạch dẫn đến nguy cơ đột quỵ nguy hiểm tính mạng.
Đột quỵ là bệnh gì?
Đột quỵ còn có tên gọi khác là tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não đột ngột bị giảm đi hoặc bị gián đoạn khiến não bộ tổn thương. Khi đó, não sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng để nuôi các tế bào não. Việc này dẫn đến các tế bào não bị chết trong vài phút.
Đột quỵ sẽ khiến người bệnh bị tê liệt, yếu một phần cơ thể, khó cử động, khó nuốt, thị giác kém,… Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn cảm xúc, khó giao tiếp hoặc trầm cảm. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị tử vong hoặc sống thực vật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh
Nguyên tắc chính trong ăn uống giúp bạn phòng ngừa đột quỵ được chuyên gia đề cập đến như:
- Cân bằng dinh dưỡng, ăn đa dạng món ăn, sắp xếp thực đơn phù hợp. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều trong một ngày, cần ăn với lượng calo phù hợp với thể trạng.
- Bổ sung vào chế độ dinh dưỡng các loại trái cây, rau củ quả tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Ăn thực phẩm với đa dạng màu sắc.
- Hạn chế nạp nhiều chất béo xấu, cholesterol khiến mỡ máu tăng cao, có nguy cơ hình thành nhanh các mảng xơ vữa gây tắc mạch.
- Ngoài ra bạn nên hạn chế nạp đường tinh chế vào cơ thể, kiểm soát thói quen ăn bánh kẹo ngọt. Có thể dùng đường phèn, mật ong tạo độ ngọt cho món ăn.
- Ăn đầy đủ các chất, không bỏ qua chất xơ, đây là chất cần thiết cho hệ tiêu hóa, đồng thời còn giúp phòng ngừa tích tụ xơ vữa động mạch. Bổ sung đủ lượng kali cần thiết, uống đủ nước mỗi ngày.
Xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, sống lành mạnh phòng tránh đột quỵ và các vấn đề gây hại sức khỏe khác. Đây là yếu tố giúp bạn nâng cao chất lượng đời sống thể chất lẫn tinh thần, ngăn ngừa rủi ro không mong muốn.

Ăn gì phòng ngừa đột quỵ?
Sức khỏe tim mạch, cân nặng và đột quỵ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, những thực phẩm có khả năng giúp chúng ta duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường,… có thể giúp hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Nếu bạn chưa biết nên ăn gì phòng ngừa đột quỵ, dưới đây là những thực phẩm bạn nên tham khảo:
Cá hồi
Cá hồi có hàm lượng axit béo omega-3 cao, giúp kiểm soát huyết áp và giảm cholesterol xấu bên trong cơ thể. Thường xuyên ăn cá hồi có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh cá hồi, bạn có thể dùng thêm một số loại cá béo lành tính khác như cá trích, cá ngừ, cá thu,…
Các loại rau màu xanh đậm
Thực phẩm đầu tiên, phải kể đến các loại rau xanh giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Ăn rau màu xanh đậm sẽ giúp kiểm soát được cân nặng của cơ thể. Ngoài ra, rau xanh còn giữ cho huyết áp ở mức ổn định. Một số loại rau được kể đến như: rau muống, rau ngót, rau đay, súp lơ, rau cải, bông cải xanh,…
Tỏi
Tỏi – loại gia vị giúp tăng thêm hương vị cho món ăn của bạn, có khả năng hạ huyết áp và cholesterol, giảm độ cứng động mạch, làm chậm tốc độ vôi hóa động mạch vành. Từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ.
Bưởi
Nếu bạn đang quan tâm đến câu hỏi trái cây nào tốt cho người đột quỵ, đừng bỏ qua bưởi. Trong các loại trái cây thì bưởi được biết đến như một loại trái cây rất giàu hoạt chất chống oxy hóa naringin, có khả năng loại bỏ mỡ dư thừa trong cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chuối
Chuối có tốt cho bệnh đột quỵ không? Bạn hãy thử ngay chuối và các món ăn từ chuối bởi chuối xanh có khả năng cải thiện độ nhạy của insulin, giảm huyết áp, duy trì đường huyết ở mức ổn định, hỗ trợ lưu thông máu, phòng ngừa đột quỵ.
Các loại hạt
Hạt óc chó, hạnh nhân, đậu nành, hạt chia, ngũ cốc… là nhóm thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, đặc biệt là omega-3 tốt cho tim mạch và giúp cân bằng chỉ số huyết áp.
Cam, chanh
Rất tốt cho sức khỏe tim mạch và trong cam chanh có các hoạt chất giúp giảm được các yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Khoai lang
Khoai lang chứa nguồn chất xơ dồi dào và các chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn việc hình thành tích tụ mảng bám động mạch, từ đó giảm thiếu nguy cơ đột quỵ.

Thực phẩm nào cần hạn chế?
Ngoài câu hỏi ăn gì chống đột quỵ, nhiều người còn thắc mắc đến nhóm thực phẩm và món ăn không nên ăn để bảo vệ sức khỏe. Việc chủ động loại bỏ các món ăn không lành mạnh giúp bạn phòng tránh được nhiều biến chứng, bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng.
Hãy lưu ý và hạn chế sử dụng những thực phẩm dưới đây:
- Người có nguy cơ cao cần điều chỉnh thói quen ăn uống, không nên ăn quá mặn, quá ngọt, không ăn nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật để phòng biến chứng đột quỵ.
- Tránh ăn nhiều bơ, thịt đỏ, thay vào đó bạn nên bổ sung những loại thịt trắng lành tính hơn. Tuy nhiên không hẳn là kiêng ăn hoàn toàn, bạn vẫn có thể ăn nhưng chỉ nên dùng với lượng vừa đủ, không ăn nhiều.
- Hạn chế ăn bánh kẹo ngọt, đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ, chất phụ gia, chất bảo quản.
- Ngoài ra, về thức uống bạn cũng nên kiêng sử dụng rượu bia quá nhiều, không lạm dụng thức uống chứa chất kích thích, đồ uống đóng chai.
Bổ sung thực phẩm phù hợp, kiêng một số món ăn, thức uống không lành mạnh giúp bạn cải thiện sức khỏe, nạp năng lượng đúng cách tăng đề kháng và hệ miễn dịch. Đây là yếu tố chính giúp bạn phòng chống đột quỵ, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.