Áp xe vú sau sinh là một nhiễm trùng ở vú do vi khuẩn gây ra, bệnh thường gặp đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú, tuy nhiên, có nhiều trường hợp xảy ra với cả phụ nữ không cho con bú.
Áp xe vú sau sinh là gì?
Áp xe vú là tình trạng viêm sưng, nóng, đỏ, đau do tình trạng tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn gây ra. Thường gặp nhất là tụ cầu, liên cầu và một số vi khuẩn khác như: trực khuẩn, phế cầu, vi khuẩn kị khí…
Ổ áp xe vú có thể hình thành ở trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Tiến triển một ổ áp xe thường trải qua ba giai đoạn: viêm, tạo thành áp xe, hoại tử. Vì vậy nếu thấy dấu hiệu của áp xe vú sau sinh cần phải đi khám ngay để tránh biến chứng nặng nề.
Nguyên nhân xảy ra hiện tưởng áp xe vú
Không chỉ phụ nữ sau sinh bị áp-xe vú do tắc tia sữa mà còn có rất nhiều nguyên nhân gây áp-xe vú ở phụ nữ trẻ hoặc trong độ tuổi sinh đẻ, bao gồm:
- Áp-xe tuyến vú là hậu quả của bệnh viêm tuyến vú kéo dài, không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách.
- Nứt núm vú, trầy xước vú khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp từ da vào tuyến vú, qua các ống dẫn sữa… gây viêm và hình thành ổ áp xe. Thường gặp nhất là tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn kị khí…
- Phụ nữ bị suy giảm hệ miễn dịch cũng là đối tượng dễ bị áp-xe vú.

Dấu hiệu nhận biết áp xe vú sau sinh
Dấu hiệu áp xe vú phụ thuộc vào vị trí bị áp xe, giai đoạn bệnh và nhiều yếu tố khác. Phần lớn trường hợp, người bệnh sẽ có những biểu hiện của áp xe vú như sau:
- Đau nhức sâu bên trong tuyến vú.
- Da đỏ và sưng tấy nếu ổ viêm nằm ngay bề mặt tuyến vú.
- Vùng da trên ổ áp xe sưng đỏ, nóng và căng.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Buồn nôn và nôn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Biến chứng của bệnh áp xe vú sau sinh
Áp xe vú có 2 giai đoạn: khởi phát và tạo thành áp xe. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể khiến đau nhức trong tuyến vú, sau đó lan sang bả vai, cánh tay, cơ thể mệt mỏi. Khi bệnh chuyển biến nặng, sang giai đoạn tạo thành áp xe:
- Vùng da áp xe sẽ căng nóng, sưng tím, núm vú tụt, bắt đầu nổi viêm hạch, gây đau nhức, khó chịu.
- Ảnh hưởng đến sữa cho con khi núm vú chảy mủ, có mùi hôi xuất hiện ở sữa hoặc gây mất sữa khi áp xe vú tự vỡ.
- Cơ thể người bệnh trở nên mệt mỏi, sụt cân nhanh, gầy yếu.
- Hệ thần kinh bị ảnh hưởng do liên tục bị đau đầu, sống trong tâm trạng lo lắng.
- Gặp các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, suy thận, hoại tử các chi khi các nhiễm trùng từ ổ áp xe vú lan sang các mạch máu dẫn đi khắp cơ thể.
Những phương pháp dùng để điều trị áp xe vú
Nếu áp xe vú được phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa lành bằng kháng sinh và chọc hút mủ qua hướng dẫn của siêu âm mà không cần phẫu thuật. Khi ổ áp xe lớn hơn, bạn cần được gây tê và phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe.
Bác sĩ sẽ đặt một gạc hoặc ống dẫn lưu vào ổ áp xe để dẫn lưu mủ những ngày sau phẫu thuật. Tuy vậy, phương pháp này có thể vẫn không ngăn được sự hình thành các ổ áp xe mới và hình thành đường rò từ ổ áp xe ra da.
Sau phẫu thuật, bạn sẽ được kê toa kháng sinh và giảm đau. Bạn phải được điều trị kháng sinh cho đủ liệu trình mà không được tự ý ngưng thuốc khi cảm thấy bớt đau.

Biện pháp phòng áp xe vú
Bệnh áp xe vú chủ yếu xảy ra ở phụ nữ sau sinh và cho con bú. Để phòng bệnh áp xe vú, mẹ đang cho con bú cần chú ý một số điều sau:
- Sau khi sinh con mẹ nên mát xa nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoát và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và bú đúng tư thế.
- Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
- Tập cho trẻ bú no, bú hết từng bên vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp xe.
- Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, phải điều trị kịp thời để thông ống dẫn sữa. Để tránh bị tắc tia sữa, bạn có thể xoa bóp bằng tay, chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc hút sữa bằng máy…
- Tránh làm nứt hoặc xước núm vú vì đây là điều kiện tốt để vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa.
- Không cai sữa sớm, khi cai sữa, nên giảm dần số lượng và số cữ bú từ từ.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh thức khuya, lao động vừa sức.
Áp xe vú là một bệnh không nghiêm trọng nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Tuy nhiên nếu bệnh tiến triển nhanh và không được chữa trị hợp lý có thể đem lại nhiều hậu quả nặng nề, là cơ sở của Ung thư hóa tuyến vú dẫn đến phải đoạn nhũ. Vậy nên, các mẹ hãy thận trọng hơn trong việc điều tiết lượng sữa của mình, chăm sóc và vệ sinh nhũ hoa sạch sẽ tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ.