Băng huyết sau sinh được xác định là tình trạng mất máu tích lũy 1.000 ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ trên thế giới.
Băng huyết sau sinh là gì?
Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy quá nhiều máu sau khi chuyển dạ, có thể dẫn tới tử vong ở người mẹ. Nếu mất từ 500ml máu sau sinh đường âm đạo hoặc từ 1000ml máu sau mổ lấy thai trở lên, ảnh hưởng tới tổng trạng hoặc Haematocrit giảm trên 10% so với trước sinh thì tức là sản phụ đã bị băng huyết.
Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh
Sau sinh, tử cung thường co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài. Khi nhau thai được lấy ra, sản phụ thường có những cơn co thắt này giúp gây áp lực lên mạch máu để hạn chế chảy máu sau sinh. Tuy nhiên, nếu tử cung không co bóp đủ mạnh thì các mạch máu này sẽ chảy máu tự do. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết sau sinh.
Ngoài ra, một số nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh gồm:
- Cơ tử cung yếu do sinh nhiều lần, u xơ tử cung, tử cung bị dị dạng.
- Tử cung căng giãn quá mức do đa thai, đa ối,…
- Chuyển dạ kéo dài, nhiễm khuẩn ối.
- Sót rau trong buồng tử cung.
- Sản phụ suy nhược, thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén.
- Tiền sử sảy thai, nạo hút thai nhiều lần.
- Từng bị sót rau viêm niêm mạc tử cung.
- Sau đẻ non, xử lý thai lưu, đẻ nhanh, đặc biệt ở tư thế đứng.
- Dây rau ngắn, quấn cổ nhiều vòng.
- Lấy rau không đúng quy cách.
- Đỡ đẻ không đúng cách.
Các yếu tố nguy cơ của băng huyết sau khi sinh
- Tuổi tác, tuổi càng cao nguy cơ càng lớn.
- Tử cung căng giãn bất thường.
- Nhau thai bong ra sớm trước khi chuyển dạ.
- Béo phì có thể gia tăng biến chứng chảy máu trong và sau sinh.
- Phẫu thuật trên tử cung, như sinh mổ, bóc tách u xơ tử cung.
- Bị đái tháo đường.
- Sản phụ gặp số bệnh lý liên quan như hội chứng Marfan, Ehlers-danlos.
- Trong qua trình chuyển dạ bị kéo dài, dùng thuốc tăng co, tiền sản giật…

Triệu chứng băng huyết sau sinh
Các triệu chứng thường bao gồm:
- Chảy máu nhiều từ âm đạo, rỉ ra liên tục, không ngừng theo thời gian.
- Nhịp tim tăng lên, cảm thấy yếu ớt khi đứng và tăng nhịp hô hấp.
- Khi mất nhiều máu hơn, thai phụ có thể cảm thấy lạnh, huyết áp giảm và có thể bất tỉnh.
- Sản phụ cũng có thể bị sốc tuần hoàn với các triệu chứng như nhìn mờ, da lạnh và sần sùi, lú lẫn và cảm thấy buồn ngủ.
Biến chứng của băng huyết sau sinh
Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không, băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau như choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy đa cơ quan và tử vong. Băng huyết sau sinh cũng là yếu tố thuận lợi của nhiễm trùng hậu sản.
Biến chứng lâu dài của băng huyết sau sinh gồm thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh), không thể có thêm con trong trường hợp phải cắt tử cung.
Xử trí băng huyết sau sinh
Việc xử trí bao gồm hồi sức tích cực, co hồi tử cung và xử trí nguyên nhân. Cụ thể:
- Xử trí ban đầu: Xoa đáy tử cung, thiết lập đường truyền tĩnh mạch kim lớn, xét nghiệm công thức máu, đông máu, nhóm máu,…
- Sử dụng thuốc co hồi tử cung: Oxytocin, Ergometrine,….
- Khâu vết rách cổ tử cung âm đạo: Kiểm tra kỹ vì có thể có nhiều vị trí chảy máu, cần tránh khâu vào cùng đồ.
- Soát lòng tử cung: Lấy phần nhau thai – thai – màng nhau còn sót ra; đảm bảo sự toàn vẹn của tử cung.
- Chèn tử cung: Sử dụng bóng chèn hiệu quả ở các trường hợp bị băng huyết do đờ tử cung và chảy máu từ đoạn dưới đường sinh dục.
- Tắc mạch: Cho kết quả thành công ở 95% bệnh nhân băng huyết sau sinh; bệnh nhân có huyết động ổn định.
- Phẫu thuật.
Khi có sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ này, bác sĩ sẽ thận trọng theo dõi mẹ để xử trí kịp thời băng huyết. Tuy nhiên, băng huyết có thể xảy ra ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ, hay không có bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo trước đó.

Cách phòng ngừa băng huyết sau sinh
“Nguyên tắc chung để phòng tránh băng huyết sau đẻ cũng như các biến chứng thai kỳ là cần theo dõi thai kỳ tốt, nhằm sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và có hướng xử trí kịp thời. Vì thế, thai phụ cần chọn cơ sở uy tín có trang thiết bị hiện đại, quy trình chăm sóc thai sản an toàn… để theo dõi thai kỳ và sinh son”.
Để phòng ngừa băng huyết sau sanh con, thai phụ cần lưu ý:
- Thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ, đặc biệt là 3 lần trong thai kỳ vào giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
- Thực hiện các kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai và bất thường nếu có.
- Cần bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu.
- Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng.
- Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, thai máy yếu, đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
đột ngột nguy hiểm cho sản phụ.
Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng của sản phụ. Thông thường, băng huyết sẽ xảy ra ngay sau khi sinh. Các chị em mẹ bầu sau khi sinh cần phải lưu tâm và chăm sóc cận thận nhằm tránh những nguy hiểm. Mẹ nên chuẩn bị tinh thần và đầy đủ kiến thức sẽ giúp mẹ trải qua cuộc vượt cạn nhẹ nhàng nhất để cùng người thân tận hưởng trọn vẹn niềm vui đón thành viên mới chào đời.