Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng lại thường gây khó chịu cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt, học tập và công tác hàng ngày. Một số trường hợp bệnh nhân bị bàng quang tăng hoạt có thể ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là những người bệnh trẻ.
Bàng quang tăng hoạt là bệnh gì?
Bàng quang tăng hoạt hay bàng quang hoạt động quá mức là tình trạng co bóp không đúng lúc của bàng quang, gây ra cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát. Người bị bàng quang tăng hoạt có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm và cũng có thể bị tiểu gấp. Do đó, nếu có tổng số lần đi tiểu trên 8 lần/ngày hoặc trên 2 lần vào ban đêm, bạn nên nghĩ đến chứng bàng quang tăng hoạt.
Tình trạng bàng quang hoạt động quá mức không gây nguy hiểm, nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy tự ti, ảnh hưởng đến công việc và gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày. May mắn là bàng quang tăng hoạt có thể được chẩn đoán nhanh chóng và điều trị hiệu quả, trả lại sự tự tin cho người bệnh.
Nguyên nhân bệnh bàng quang tăng hoạt
Bệnh bàng quang tăng hoạt xảy ra do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này gây co thắt cơ bàng quang quá mức và mất phối hợp hoạt động giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo như:
- Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường,…
- Những bất thường trong bàng quang như các khối u hoặc sỏi bàng quang.
- Các yếu tố gây cản trở dòng chảy từ bàng quang như u xơ tuyến tiền liệt hoặc các tác động điều trị vùng tiểu khung.
- Uống cà phê hoặc rượu quá mức.
- Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:
- Lớn tuổi.
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Bệnh lý thần kinh: Parkinson, đột quỵ, …
- Bệnh lý đường tiết niệu: Sỏi bàng quang, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, …
- Mang thai nhiều lần.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt sẽ gây ra một nhóm các biểu hiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Các triệu chứng này bao gồm:
- Tăng số lần đi tiểu: Một người sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Tiểu đêm: Tiểu đêm thường xuyên.
- Tiểu gấp: Có cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và không kiểm soát được.
- Tiểu không tự chủ: Tiểu rắt, són tiểu khi cảm thấy muốn đi tiểu.
Biến chứng bàng quang tăng hoạt
Tình trạng tiểu không kiểm soát tuy không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể, khi không được điều trị đúng cách người bệnh phải đối mặt với các vấn đề sau:
- Thường xuyên viêm nhiễm đường tiết niệu, các phần phụ.
- Cảm thấy tự ti, bất an, thậm chí là trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ và chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn.
- Gặp nhiều vấn đề liên quan đến tình dục.
Chẩn đoán bàng quang tăng hoạt
Chẩn đoán hội chứng bàng quang tăng hoạt
Ngoài các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng như tiểu gấp, tiểu són, không thể nhịn tiểu và thường tiểu nhiều lần trong đêm thì hội chứng bàng quang tăng hoạt được chẩn đoán chính xác thông qua các kỹ thuật y tế sau đây:
- Xét nghiệm nước tiểu: Khi người bệnh có dấu hiệu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của hội chứng bàng quang tăng hoạt thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Việc xét nghiệm phân tích mẫu nước tiểu sẽ hỗ trợ giúp bác sĩ có thể xác định được cả các bệnh lý về đường tiết niệu, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác cho người bệnh nhằm điều trị bàng quang tăng hoạt đúng phương pháp.
- Siêu âm bàng quang: Siêu âm bàng quang là một phương pháp giúp đo lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang, từ đó hỗ trợ xác định tình trạng ứ đọng nước tiểu cùng các rối loạn tiểu tiện nếu có.
- Xét nghiệm Urodynamic: Phương pháp xét nghiệm này nhằm đánh giá khả năng lưu giữ nước tiểu của bàng quang, từ đó có phương pháp can thiệp bệnh phù hợp nhất cho người bệnh.
- Nội soi bàng quang: Đây được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác dấu hiệu bất thường khiến cho bàng quang bị co bóp bất thường. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết bàng quang khi nội soi để có kết luận chính xác nhất.

Phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bàng quang tăng hoạt mà các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, tuân thủ nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp và có thể riêng lẻ hoặc phối hợp nhiều liệu pháp cùng một lúc. Cụ thể như sau:
Thay đổi lối sống
Để điều trị bàng quang tăng hoạt, trước tiên các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh thay đổi lối sống. Những thay đổi này cũng có thể được gọi là liệu pháp hành vi nhằm mang đến những chuyển biến tích cực cho sức khỏe. Theo đó, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên:
- Hạn chế thức ăn và đồ uống tác động lên bàng quang: Có một số loại thực phẩm và đồ uống được biết là có thể gây kích thích bàng quang, tạo nhiều nước tiểu như cà phê, trà, rượu bia, soda và đồ uống có gas, một số trái cây họ cam quýt, cà chua, sô cô la đen, thức ăn cay… Người bệnh nên thử loại bỏ một số loại thực phẩm không phù hợp ra khỏi chế độ ăn uống để cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời bổ sung thêm chất xơ như yến mạch, rau xanh… vào chế độ ăn để cải thiện tiêu hóa.
- Ghi nhật ký bàng quang: Viết ra giấy số lần đi vệ sinh trong một ngày, thực hiện liên tục 1 tuần có thể giúp bạn hiểu cơ thể mình hơn. Nhật ký này cũng có thể giúp người bệnh mối liên hệ giữa thực phẩm, thuốc điều trị với tình trạng xấu đi của các triệu chứng.
- Tiểu sạch 2 lần: Điều này có thể hữu ích cho những người gặp khó khăn trong việc làm rỗng hoàn toàn bàng quang. Để thực hiện biện pháp này, sau khi đi vệ sinh, bạn đợi vài giây rồi thử lại một lần nữa để tống sạch nước tiểu ra ngoài.
- Tập trì hoãn đi tiểu: Để chữa bằng liệu pháp hành vi này, người bệnh nên tập đợi trước khi vào nhà vệ sinh khoảng 1-2 phút rồi dần dần tăng lên, nhằm làm tăng khả năng trữ nước của bàng quang.
- Đi tiểu đúng giờ: Người bệnh cần tuân theo lịch đi vệ sinh hàng ngày, thay vì đi khi muốn với mục đích ngăn chặn cảm giác khẩn cấp và giành lại quyền kiểm soát bàng quang. Muốn làm được điều này, người bệnh cần phải trao đổi với các bác sĩ để được sắp xếp lịch trình hợp lý.
- Tập các bài tập giúp thư giãn và làm khỏe cơ bàng quang: Bài tập Kegel là một lựa chọn phù hợp, giúp thắt chặt các cơ vùng chậu nhằm tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.
Phòng ngừa bàng quang tăng hoạt
Lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và đường tiết niệu nói riêng. Do đó, tình trạng bàng quang tăng hoạt có thể được ngăn ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên.
- Hạn chế sử dụng cà phê, rượu bia…
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm soát chặt các bệnh mạn tính.
- Thực hiện bài tập Kegel để làm săn chắc cơ vùng chậu.
Bàng quang tăng hoạt là một trong những bệnh lý phổ biến, nhất là ở nữ giới cao tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, mỗi người nên có ý thức chăm sóc sức khỏe, đến bệnh viện chuyên khoa ngay khi có dấu hiệu bất thường để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Leave a reply