Bệnh lý liên quan tới hệ tiêu hóa là vấn đề chúng ta không thể chủ quan, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sức khỏe của bạn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Một trong những vấn đề thường gặp hiện nay là barrett thực quản.
Barrett thực quản là gì?
Barrett thực quản là tình trạng tế bào thực quản bị biến đổi thành tế bào giống như tế bào ruột non. Bệnh thường được chẩn đoán ở bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản lâu năm. Ở bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) lâu ngày, đoạn cuối thực quản thường xuyên bị kích thích bởi dịch dạ dày. Nếu kích thích này kéo dài và liên tục, lớp tế bào này bị biến đổi bởi dịch dạ dày, đây là tình trạng Barrett thực quản.
Chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản diễn tiến thành Barrett. Và cũng chỉ một phần nhỏ bệnh nhân Barret thực quản tiến triển thành ung thư thực quản. Tuy vậy, người bệnh cần phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên các tế bào bất thường này, vì chúng cần được điều trị sớm trước khi hóa thành tế bào ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính xác của Barrett thực quản vẫn chưa được biết đến. Trong khi nhiều người bị Barrett thực quản bị GERD từ lâu, nhiều người không có triệu chứng trào ngược, một tình trạng thường được gọi là “trào ngược thầm lặng”.
Cho dù trào ngược axit này có kèm theo các triệu chứng GERD hay không, axit dạ dày và hóa chất sẽ rửa ngược trở lại thực quản, làm hỏng mô thực quản và gây ra những thay đổi đối với niêm mạc của ống nuốt, gây ra Barrett thực quản.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến Barrett thực quản
- Tuổi: Bệnh thường được chẩn đoán ở người trung niên và người cao tuổi, độ tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 55 tuổi. Trẻ em có thể có Barrett thực quản, nhưng hiếm khi trước 5 tuổi.
- Giới tính: Đàn ông thường được chẩn đoán bị Barrett thực quản nhiều hơn phụ nữ.
- Dân tộc: Thực quản Barrett phổ biến trong các quần thể da trắng và gốc Tây Ban Nha, ít phổ biến trong các quần thể da đen và châu Á.
- Lối sống: Hút thuốc lá thường được chẩn đoán bị Barrett thực quản nhiều hơn người không hút thuốc.

Triệu chứng của Barrett thực quản
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh tương đối giống với trào ngược dạ dày – thực quản. Đều có các triệu chứng điển hình như:
- Thường xuyên ợ nóng, ợ chua khó chịu.
- Khó nuốt thức ăn, cảm giác bị nghẹn.
- Đau tức ngực, khó thở.
- Đi ngoài ra phân đen, phân nát.
- Ho ra máu.
- Sụt cân nhanh.
- Suy kiệt.
- Nổi hạch ở cổ.
- Thậm chí nếu bị nặng, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc chất lỏng có màu cà phê.
Tuy nhiên cũng không ít người không thấy có triệu chứng gì cho đến khi đi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện ra.
Barret thực quản có nguy hiểm không?
Những người mắc Barrett thực quản tăng nguy cơ với ung thư thực quản. Tỷ lệ này thì nhỏ, ngay cả với những người có tế bào tiền ung thư. Hầu hết những người bệnh được điều trị đúng thời điểm không diễn tiến thành ung thư.
Tuy vậy, ung thư thực quản thường khó phát hiện, nếu được chẩn đoán trễ thì tiên lượng là xấu. Do đó, cần thiết phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên để được điều trị ngay khi có thể.
Điều trị barret thực quản
Mục tiêu điều trị ở những bệnh nhân bị Barrett thực quản là để kiểm soát các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, phát hiện và điều trị chuyển sản, ung thư. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản tích cực có thể có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư so với điều trị khi có triệu chứng trào ngược. Hầu hết bệnh nhân nên tránh các loại thực phẩm và hành vi làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Các biện pháp chung
- Nâng cao đầu giường (15 cm) và tránh nằm ngay sau khi ăn.
- Tránh cúi đầu thấp, tránh mặc quần áo quá chật.
- Nên giảm cân khi thừa cân.
- Bỏ thuốc lá, cà phê, trà.
- Tránh uống rượu bia, nước ép có tính acide như cam hoặc nước ép cà chua, đồ uống có ga.
- Tránh ăn socola, chất béo.
- Tránh dùng các thuốc gây giãn cơ thắt thực quản dưới (như các thuốc kháng cholinergic, thuốc ức chế kênh calcium).

Biện pháp phòng ngừa bệnh
Hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp hạn chế mắc chứng Barrett thực quản như sau:
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tái khám đúng lịch hẹn để có thể theo dõi được sự tiến triển của bệnh. Khi sử dụng thuốc phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Do cân nặng chính là một trong những yếu tố gây chứng Barrett thực quản; người bệnh nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hạn chế tình trạng ợ nóng, ợ hơi.
- Hạn chế ăn các đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Sau khi ăn không nên nằm ngay, mà đợi ít nhất 3 tiếng sau thì mới được nằm xuống, Đối với những người bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi ngủ nên kê cao gối để hạn chế trào axit và thức ăn lên thực quản.
- Thường xuyên tập thể thao và đều đặn.
- Chế độ ăn hợp lý và bồi bổ cơ thể từ đó nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh tật.
Barrett thực quản là vấn đề sức khỏe đáng bận tâm, có khả năng tái phát, mọi người cần tích cực theo dõi và điều trị, ngăn ngừa những biến chứng xấu xảy ra. Tốt nhất chúng ta nên chủ động tìm hiểu về cách phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân. Chú ý đến bữa ăn, chế độ ăn và không hút thuốc lá cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh!