Sau sinh, các bà mẹ thường được khuyên hạn chế vận động. Tuy nhiên, một số mẹ lại cho rằng càng ít vận động càng tốt nên nằm lì trên giường. Điều này có thể gây ra tình trạng bế sản dịch rất nguy hiểm.
Bế sản dịch là gì?
Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch sau sinh mổ hoặc thường không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Bế (tắc) sản dịch nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sản dịch, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm… cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.
Dù là sinh thường hay sinh mổ, bạn cũng sẽ tiết sản dịch sau khi sinh. Sản dịch bao gồm máu, nước ối còn sót lại, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, dịch tiết cổ tử cung, tất cả sẽ chảy ra ngoài qua đường âm đạo. Quá trình tiết sản dịch kéo dài bao lâu tùy thuộc vào cơ địa từng người, trung bình 2 – 6 tuần.
Nguyên nhân gây bế sản dịch sau khi sinh
Một số nguyên nhân sau đây dễ dẫn tới nguy cơ phát hiện tắc sản dịch sau khi đẻ:
Sinh mổ
Sinh mổ khiến sản phụ mất nhiều máu hơn so với sinh thường. Tử cung lại co bóp kém nên sản dịch khó được đẩy ra hết, ách tắc lại trong tử cung.
Mất máu nhiều trong lúc sinh
Mất máu là hiện tượng bình thường khi sinh nở, nhưng nếu bị mất máu quá nhiều, tử cung sẽ co bóp kém, thậm chí mất hẳn khả năng co bóp để đẩy sản dịch. Đây chính là nguyên nhân phổ biến của tình trạng tắc sản dịch sau sinh.
Biến chứng sau sinh
Các biến chứng xảy ra trong và sau khi sinh như thai to, đa thai, đa ối, quá trình chuyển dạ kéo dài… sẽ dễ khiến sản phụ bị bế tắc sản dịch.
Chế độ hậu sản không tốt
Phụ nữ có sức khỏe yếu sau sinh khiến phải nằm một chỗ, ít vận động đi lại, hoặc vệ sinh vùng kín không sạch dẫn đến nhiễm trùng… góp phần làm tăng nguy cơ bế sản dịch sau sinh mổ/thường.
Nguyên nhân khách quan
Khi trương lực cơ tử cung của sản phụ kém, cổ tử cung bị đóng kín, sức khỏe sản phụ suy kiệt… sẽ làm cho sản dịch không thể thoát ra ngoài.

Triệu chứng của bế sản dịch
Thời gian thoát sản dịch sau sinh ở mỗi sản phụ có thể khác nhau. Sản phụ cần theo dõi màu sắc, lượng sản dịch và các dấu hiệu khác để tự theo dõi về tình trạng bế sản dịch. Sau đây là một số triệu chứng mà sản phụ có thể theo dõi sau sinh:
- Sản dịch có mùi hôi, tanh khó chịu.
- Sản dịch vẫn có màu đỏ tươi, không nhạt màu ở những ngày sau.
- Sờ bụng có khối cứng.
- Sốt.
- Căng tức và đau vùng hạ vị.
Nếu nghi ngờ bế sản dịch, sản phụ cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Khi phát hiện bế sản dịch, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên khoa để lấy hết phần dịch còn ứ đọng bên trong tử cung ra ngoài.
Biến chứng nguy hiểm bế sản dịch sau sinh
Hiện tượng bế sản dịch sau sinh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ, cụ thể như: Nhiễm khuẩn máu, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, trong trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ tử cung.
Vì thế, khi thấy quá trình ra sản dịch sau sinh kéo dài quá lâu kèm theo những dấu hiểm cảnh báo thì sản phụ không được chủ quan mà phải đi khám ngay để có hướng xử trí đúng cách.
Điều trị bế sản dịch sau sinh
Ứ sản dịch sau sinh không thể điều trị khỏi tại nhà mà phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa đưa ra phương pháp hiệu quả nhất. Các phương pháp thường được áp dụng là:
- Hút dịch tử cung: Bác sĩ sẽ sử dụng ống hút để hút hết sản dịch còn ứ đọng bên trong tử cung. Ống hút này phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối để tránh gây viêm nhiễm cũng như những nguy hiểm khác cho sản phụ.
- Nong cổ tử cung: Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên khoa để nong cổ tử cung, giúp lấy hết phần sản dịch đang ứ đọng ra ngoài. Thủ thuật này cần được thực hiện ở cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh để tránh biến chứng.
- Sử dụng thuốc: Nhiều trường hợp ứ sản dịch sau sinh do tử cung co bóp kém, đóng kín nên bác sĩ sẽ chỉ định thuốc gây co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài.

Biện pháp phòng ngừa bế sản dịch
Bế sản dịch sau sinh ảnh hưởng sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Chính vì thế, chị em cần phải chú ý những vấn đề sau để phòng tránh tình trạng này:
- Nằm nghỉ ngơi trong ngày đầu tiên, sau đó đứng dậy tập đi lại, vận động nhẹ nhàng để giúp cho dạ con co lại nhanh chóng đồng thời giúp cho sản dịch bị đẩy nhanh ra ngoài, hoàn thành xong quá trình hậu sản.
- Sản phụ cần vệ sinh vùng kín đúng cách, thay băng vệ sinh 3- 4 tiếng một lần, hoặc khi thấy sản dịch đã ra nhiều.
- Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt kích thích tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài.
- Phụ nữ sau sinh ăn nhiều rau ngót, rau dền, ngải cứu… chúng có tác dụng lợi sữa, đồng thời hỗ trợ quá trình co hồi của tử cung giúp sản dịch được đẩy ra nhanh chóng.
- Không nên dùng gen bụng quá sớm ảnh hưởng đến việc thoát sản dịch ra ngoài. Đợi đến khi sạch sản dịch thì có thể dùng gen bụng.
- Nên đi vệ sinh nhiều dù cho không buồn tiểu, việc này sẽ giúp tử cung dễ co bóp hơn, sản dịch được đẩy ra ngoài nhiều hơn.
Bế sản dịch sau sinh là hiện tượng rủi ro nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nguy hiểm tới tính mạng của mẹ. Vậy nên, khi phát hiện các dấu hiệu cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh để lâu dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Để quá trình hậu sản được an toàn và khỏe mạnh sản phụ cần thận trọng hơn trong việc chăm sóc và kiêng cử đúng cách ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.