Bạch biến không phải là căn bệnh hiếm gặp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy rằng bệnh không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe thế nhưng lại mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân tự ti trước mọi người. Hiện nay đã có nhiều biện pháp chữa trị bệnh này nếu như điều trị sớm, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Bạch biến là bệnh gì?
Bệnh bạch biến là một bệnh giảm sắc tố ở da, biểu hiện bằng những vùng da nhạt màu hơn so với những vùng còn lại của cơ thể. Tại những khu vực da bị bạch biến, lông và tóc có thể bạc màu theo. Tuy nhiên người bệnh vẫn còn cảm giác như các vùng da lành.
Bạch biến là bệnh lý lành tính. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó 25-30% khởi phát bệnh trước 12 tuổi. Nam và nữ đều có tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Theo quan sát thấy được rằng bệnh xuất hiện nhiều hơn ở những nước nhiệt đới và trên những người da màu.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nguyên nhân khiến các tế bào sắc tố da bị suy giảm số lượng và chất lượng vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên có một vài giả thiết như sau:
- Do yếu tố di truyền: tỷ lệ những người bị bạch biến do di truyền từ người thân trong gia đình mắc căn bệnh này lên đến 20%.
- Miễn dịch: có những trường hợp bị mắc những bệnh về tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến sinh dục hoặc bệnh về gan tụy thì trong cơ thể sẽ xuất hiện một loại kháng thể có khả năng tiêu diệt những tế bào sắc tố da. Vì vậy, bệnh nhân bị bạch biến có thể mắc thêm những bệnh lý nêu trên.
Các nguyên nhân khác:
- Do tác dụng phụ của những loại thuốc ức chế miễn dịch như nivolumab, pembrolizumab,…
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại như Thiol, Phenol,… gây tác động lên các tế bào sắc tố.
- Bệnh nhân bị mắc những bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi.

Triệu chứng của bệnh bạch biến
Biểu hiện của bệnh bạch biến rất dễ nhận biết nhờ vào các đặc điểm sau:
- Trên da người bệnh xuất hiện những mảng có màu trắng, hơi hồng, có giới hạn rõ và nhạt màu hơn hẳn so với vùng da xung quanh.
- Da vùng bị bạch biến không có vảy, không đau, ngứa và vẫn có cảm giác bình thường giống như vùng da lành.
- Trên các mảng nhạt màu này, lông và tóc cũng có thể bị bạc màu.
- Các mảng nhạt màu này rất nhạy cảm với tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Nếu không che chắn kỹ, tại các vị trí bạch biến sẽ bị bỏng nắng và có một vài trường hợp sau khi bị bỏng nắng lại khởi phát bệnh.
Điều trị bệnh bạch biến
Tùy vị trí, diện tích da bệnh, tuổi tác, điều kiện kinh tế và mức độ ảnh hưởng trên tâm lý người bệnh mà bác sĩ sẽ :
- Kê toa cho bệnh nhân thoa một số thuốc thuộc nhóm corticoid, thuốc ức chế calcineurin, thuốc dẫn xuất từ vitamine D hoặc một số thuốc khác.
- Kê toa thuốc uống.
- Chiếu tia cực tím, chiếu ánh sáng đơn sắc hoặc chiếu laser.
- Phẫu thuật cấy mụn nước, cấy ghép tế bào sắc tố.
- Tẩy trắng vùng da còn sắc tố bình thường bên ngoài.

Cách phòng ngừa bệnh
Nguyên nhân chính gây bệnh bạch biến là do sự suy giảm số lượng và chất lượng các tế bào sắc tố da. Tuy nhiên, nguyên nhân nào khiến cho số lượng và chất lượng của tế bào sắc tố bị suy giảm thì vẫn chưa được giải đáp.
Vì thế, hiện tại không có biện pháp nào được xem là hiệu quả để phòng ngừa bạch biến.
Bệnh bạch biến là một bệnh lý da lành tính, không lây và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng quát của người bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ nên vẫn còn nhiều khó khăn trong điều trị, đòi hỏi sự kiên trì và hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Do đó để thu được kết quả tốt, người bệnh cần lạc quan, giữ vững tâm lý trong điều trị.