Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Những triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.
Bệnh bạch hầu (Diptheria) là gì?
Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.
Bất cứ đối tượng nào mà chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bạch hầu khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu
Tác nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Sưng các tuyến ở cổ.
- Ho ông ổng.
- Viêm họng, sưng họng.
- Da xanh tái.
- Chảy nước dãi.
- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
- Khó thở hoặc khó nuốt.
- Thay đổi thị lực.
- Nói lắp.
- Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể dẫn đến những biến chứng sau nếu không được điều trị:
- Vấn đề về thở: Độc tố của vi khuẩn gây bệnh bạch cầu có thể gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức, phổ biến là mũi và cổ họng. Nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám tại vị trí đó gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác cản trở hô hấp.
- Đau tim: Độc tố bạch hầu có thể làm tổn thương các mô khác trong cơ thể khi lây lan qua dòng máu, chẳng hạn như cơ tim, dẫn đến biến chứng viêm cơ tim…Biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng là dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
- Tổn thương thần kinh: Độc tố bạch hầu cũng có thể khiến thần kinh bị tổn thương, cụ thể là dây thần kinh ở cổ họng khiến khó nuốt, ở cánh tay và chân sẽ gây viêm, yếu cơ.
Trường hợp độc tố Corynebacterium diphtheriae gây tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.
Đường lây truyền của bệnh
- Nguồn bệnh duy nhất là ở người, bao gồm những người đang bị bệnh, người mới khỏi bệnh còn thải vi khuẩn ra môi trường và ngay cả ở những người lành mang vi khuẩn.
- Bệnh chủ yếu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh nói, ho, hắt hơi, và người bệnh sẽ bị nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc gần và hít phải.
- Qua đồ dùng của người bệnh, thức ăn mang vi khuẩn, bệnh cũng có thể lây, đây là con đường lây bệnh gián tiếp. Ngoài ra, vi khuẩn cũng lây qua các tổn thương trên da như vết thương, nốt đốt côn trùng,… dẫn đến bạch hầu da.
Điều trị bệnh của bệnh bạch hầu
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh bạch hầu, việc điều trị cần bắt đầu ngay lập tức không cần phải chờ có kết quả xét nghiệm vi khuẩn vì điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do bạch hầu gây ra. Điều trị bao gồm: kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu.
Trẻ em và người lớn mắc bệnh bạch hầu phải được nhập viện để điều trị. Cần cách ly và điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt vì bệnh bạch hầu có thể lây lan dễ dàng cho bất kỳ ai không được tiêm phòng vaccine.

Cách phòng ngừa bệnh
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Leave a reply