Đi tiểu là hình thức bài xuất chất thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi bị bí tiểu, người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới đời sống, công việc, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Bí tiểu là hiện tượng gì?
Bí tiểu, hay bí đái, là tình trạng bàng quang không rỗng hoàn toàn, thậm chí bàng quang chứa đầy nước tiểu và bạn thường cảm thấy cần đi tiểu.
Bí tiểu được chia làm 2 loại, bao gồm:
- Bí tiểu mãn tính: Bí tiểu diễn ra trong một thời gian dài. Người bệnh đi tiểu được nhưng bàng quang không hết nước tiểu. Bí tiểu mãn tính không có biểu hiện rõ ràng trong thời kỳ ban đầu, nhiều người bệnh không để ý sẽ không phát hiện tình trạng bất thường. Bí tiểu mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Bí tiểu cấp tính: Tình trạng bí tiểu diễn ra đột ngột. Người bệnh muốn đi tiểu nhưng không thể đi được. Bí tiểu cấp tính gây tức bụng, đau bụng dưới. Người bệnh không được giải phóng nước tiểu kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng, cần đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây bí tiểu
- Nguyên nhân do chèn ép đường tiểu: Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang, khối u chèn ép, hẹp niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt.
- Nguyên nhân không do chèn ép đường tiểu: Chấn thương vùng chậu, sau sinh tự nhiên, bệnh thần kinh, cơ bắp hoặc chức năng thần kinh bị suy giảm.
- Theo lý luận y học cổ truyền bí tiểu gồm 2 nguyên nhân là hư chứng và thực chứng:
- Thực chứng: Do thấp nhiệt, hỏa uất ở trung tiêu dồn xuống bàng quang làm cho cơ khí ở bàng quang bị ngăn trở gây ra bí tiểu.
- Hư chứng: Do thận khí hư suy, tinh huyết hao tổn, mệnh môn hỏa suy làm cho bàng quang khí hóa không thông. Hoặc do sang chấn, chấn thương sau mổ, gây tê tủy sống, sau sinh đẻ làm khí cơ của bàng quang bị tổn thương gây bí tiểu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bí tiểu
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bí tiểu cấp tính như:
- Nam giới lớn tuổi và sự gia tăng của u xơ tiền liệt tuyến lành tính.
- Nam giới lớn tuổi với tuyến tiền liệt to.
- Sỏi đường tiết niệu có thể tìm thấy ở thận, niệu quản hoặc trong bàng quang.
- Sự hiện diện của sa bàng quang ở nữ giới: Sa bàng quang là tình trạng phồng lên của bàng quang đè lên âm đạo.
- Sự hiện diện của sa trực tràng ở nữ giới: Sa trực tràng là tình trạng phồng lên của trực tràng đè lên âm đạo.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể gây ra tình trạng hẹp niệu đạo.
- Tiểu đường.
- Chấn thương tủy sống.
Triệu chứng khi bị bí tiểu
Bí tiểu mãn tính thời gian đầu thường không có biểu hiện cụ thể. Đến khi tình trạng bệnh nặng người bệnh mới phát hiện ra.
Triệu chứng phổ biến của người bị bí tiểu bao gồm:
- Đau tức bụng dưới, bàng quang, vùng trước xương mu.
- Khó chịu kéo dài, bứt rứt.
- Thường xuyên muốn đi tiểu nhưng không tiểu được.
Như đã nói ở trên, bí tiểu được chia làm 2 loại. Đó là bí tiểu mãn tính và bí tiểu cấp tính. Triệu chứng gặp phải ở 2 loại này về cơ bản tương tự nhau, cụ thể là:
- Đau tức bụng dưới, vùng trước mu, bàng quang căng.
- Cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
- Thường xuyên mắc tiểu, nhưng lại không tiểu được hoặc tiểu rất ít.
- Dòng chảy nước tiểu yếu ớt, vừa mới bắt đầu đã bị ngắt quãng, không thể đi tiếp được.
- Mất kiểm soát tiểu tiện, nước tiểu rò rỉ cả ngày.
- Cần đi tiểu gấp khi có cảm giác mắc tiểu, không có khả năng nhịn tiểu…

Những nguy hiểm bệnh bí tiểu mang lại
Tuy không phải là một căn bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên bí tiểu thường mang đến những ảnh hưởng khó khăn nhất định cho những ai chẳng may mắc phải căn bệnh này. Đứng ngồi không yên, tâm trí bất ổn định. Công việc bị ngắt quãng do phải đi tiểu nhiều lần. Không những vậy, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ về đêm dễ gây ra stress nếu bệnh kéo dài lâu ngày.
Người mắc bệnh bí tiểu, nếu chủ quan không điều trị sớm hoặc điều trị không dứt điểm có thể để lại một số biến chứng như:
- Viêm đường tiết niệu: Nước tiểu ứ đọng lâu ngày không được đào thải ra ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển gây viêm.
- Suy giảm chức năng thận: Việc bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu có thể làm nước tiểu chảy ngược lại vào thận, gây tổn thương thận không hồi phục.
- Tổn thương bàng quang: Mất khả năng co bóp là tình trạng có thể xảy ra nếu hiện tượng bí tiểu kéo dài. Bởi bàng quang càng chứa nhiều nước không thể thoát ra làm cho bàng quang căng hơn.
Chẩn đoán bí tiểu
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bí tiểu chỉ bằng cách thu thập bệnh sử chi tiết, gồm các triệu chứng và thực hiện khám thực thể bộ phận sinh dục và trực tràng.
Khi bác sĩ cần thêm thông tin, họ có thể sử dụng một trong các xét nghiệm hoặc thủ thuật sau đây:
- Mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu.
- Đo lượng nước tiểu còn sót lại sau khi đi tiểu (PVR).
- Soi bàng quang.
- Siêu âm và chụp CT.
- Xét nghiệm niệu động học.
- Điện cơ đồ.
Cách xử trí khi bị bí tiểu
- Bí tiểu cấp: Đay là tình trạng cấp cứu, bác sĩ sẽ nhanh chóng đặt ống thông tiểu vào bàng quang để giúp bệnh nhân thải nước tiểu ra ngoài.
- Bí tiểu mãn tính: Bệnh nhân sẽ được điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc các biến chứng về đường tiết niệu.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Thông tiểu: Ống thông tiểu cần được đặt đẻ giải thoát nước tiểu ra khỏi bàng quang nếu không giải quyết ngay được nguyên nhân gây bí tiểu.
- Nong niệu đạo: Thủ thuật này được sử dụng để nong rộng nơi hẹp niệu đạo, giúp lưu thông nước tiểu dễ dàng hơn. Loại ống được sử dụng thường có đường kính tăng dần hoặc loại ống có bóng được đưa vào niệu đạo, sau đó bơm căng bóng bóng dẫn.
- Nội soi bàng quang: Ống nội soi bàng qunag mềm được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Bác sĩ có thể tìm và lấy sỏi hoặc các vật thể lạ ra khỏi bàng quang, cổ bàng quang hoặc niệu đạo.
- Thuốc: Một số loại thuốc cải thinej tình trạng bí tiểu có thể được sử dụng dưới sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Phòng tránh bí tiểu
Để tránh những bất tiện, thậm chí là biến chứng có thể xảy ra, tất cả mọi người đều cần có ý thức phòng tránh các bệnh rối loạn tiểu tiện, trong đó có tiểu bí. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất:
- Thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao để nâng cao sức khỏe.
- Có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.
- Không nên nhịn tiểu trong trường hợp không cần thiết.
- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là vùng kín để tránh nguy cơ viêm nhiễm.
- Không nên ngồi quá lâu 1 chỗ vì đó cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu bí, ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh nếu có. Bệnh nếu được phát hiện sớm sẽ càng tránh được nguy cơ tiểu bí.
- Nhiều người nghĩ uống ít nước đi sẽ không gây bí tiểu nhưng việc bổ sung đầy đủ nước hoặc các loại trái cây sẽ góp phần phòng ngừa các bệnh lý đường tiểu.
Với bệnh lý này, người bệnh không nên chủ quan. Cần được thăm khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng.