Chagas là một loại bệnh gây ra do loài ký sinh trùng Trypanosoma cruzi. Loài ký sinh trùng này lây truyền sang các động vật và người do các vector côn trùng, các vector này chỉ được tìm thấy chủ yếu từ các vùng nông thôn của châu Mỹ.
Bệnh Chagas là gì?
Chagas là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng được tìm thấy trong phân của bọ có cánh triatominae (reduviid) gây ra. Bệnh Chagas phổ biến ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico. Trong vài trường hợp hiếm hoi, bệnh Chagas đã được phát hiện ở miền nam Hoa Kỳ.
Bệnh Chagas còn được gọi là bệnh trypanosomiasis Mỹ. Bệnh Chagas có thể lây nhiễm bất cứ ai và thường được phát hiện ở trẻ em. Nếu không điều trị, bệnh Chagas sau này có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và tiêu hóa trầm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh Chagas
Nguyên nhân do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi (T.cruzi) gây ra. Ký sinh trùng được truyền cho người từ vết cắn của bọ cánh cứng Triatominae. Sau đó ký sinh trùng xâm nhập cơ thể qua mắt, miệng, vết trầy xước hoặc vết thương từ vết cắn của côn trùng. Gãi hoặc chà xát chỗ bị cắn sẽ giúp ký sinh trùng xâm nhập nhanh hơn. Một khi vào trong cơ thể, ký sinh trùng sẽ sinh sôi và lây lan.
Nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Chagas:
- Sống trong khu vực nông thôn nghèo tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và Mexico.
- Sống trong nhà có bọ triatominae.
- Nhận truyền máu hay ghép tạng từ người bị nhiễm bệnh.
- Sống trong các căn nhà làm từ gạch, bùn hoặc tranh.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Triệu chứng bệnh Chagas
Bệnh Chagas có thể cấp tính hoặc mạn tính. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, mặc dù nhiều người không có triệu chứng gì cho đến giai đoạn mạn tính.
Giai đoạn cấp tính
Giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và khó chẩn đoán trong vài ngày đầu tiên. Khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, chúng thường nhẹ và có thể bao gồm:
- Sưng ở các nơi bị nhiễm trùng.
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Phát ban.
- Đau nhức cơ thể.
- Sưng mí mắt.
- Nhức đầu.
- Chán ăn.
- Buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
- Hạch sưng.
- Gan lách to.
Dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn cấp tính thường tự biến mất. Nếu tình trạng này không được điều trị, nhiễm trùng sẽ vẫn tồn tại và trong một số trường hợp sẽ diễn tiến sang giai đoạn mạn tính.
Giai đoạn mạn tính
Các dấu hiệu và triệu chứng của giai đoạn mạn tính của bệnh Chagas có thể xảy ra 10-20 năm sau khi nhiễm bệnh lần đầu tiên hoặc có thể không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, dấu hiệu và triệu chứng bệnh Chagas có thể bao gồm:
- Tim đập thất thường.
- Suy tim.
- Choáng tim.
- Khó nuốt do giãn thực quản.
- Đau bụng hoặc táo bón do phình đại tràng.
Con đường lây truyền của bệnh Chagas
Bạn có thể bị nhiễm theo một số con đường khác:
- Ăn các thực phẩm chưa nấu chín. Trong thực phẩm có dính phân của bọ xít nhiễm bệnh.
- Truyền bệnh từ phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai sang con.
- Lây truyền qua đường máu.
- Trong quá trình ghép tạng và cơ quan khác.
- Phơi nhiễm tình cờ với các chế phẩm dính mầm bệnh tại phòng thí nghiệm.
- Tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh.
- Nếu là mẹ đang trong thời kỳ cho con bú bị nhiễm bệnh Chagas, người mẹ nên bơm và chữa lành núm vú trước khi tiến hành cho bú trực tiếp.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Chagas
Nếu bệnh Chagas tiến triển sang giai đoạn mãn tính, các biến chứng nghiêm trọng về tim hoặc tiêu hóa có thể xảy ra, bao gồm:
- Suy tim: Tim trở nên yếu hoặc cứng đến mức không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Giãn thực quản: Gây khó nuốt và tiêu hóa.
- Phình đại tràng: Gây đau dạ dày, sưng tấy và táo bón nghiêm trọng.

Chẩn đoán bệnh Chagas
Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Điện tâm đồ: Phương pháp này ghi lại hoạt động điện của tim.
- Siêu âm tim: Bác sĩ sẽ sử dụng sóng âm để chụp hình ảnh chuyển động của trái tim, cho phép nhìn thấy bất kỳ thay đổi nào về hình dạng và chức năng của tim.
- X-quang bụng: Bác sĩ sẽ dùng tia X để xem hình ảnh của dạ dày, ruột non và ruột già.
- Nội soi thực quản: Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi mềm để xem hình ảnh của thực quản trên màn hình.
- Chụp X-quang: Bác sĩ sẽ xem tim có to ra hay không.
Biện pháp điều trị bệnh Chagas
Điều trị bệnh Chagas tập trung vào tiêu diệt ký sinh trùng và kiểm soát các triệu chứng. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc như benznidazole và nifurtimox. Cả hai loại thuốc có sẵn ở các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh Chagas nhưng tại Hoa Kỳ, các loại thuốc này chỉ có ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh. Một khi bệnh Chagas đến giai đoạn mạn tính, thuốc không thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cung cấp các thuốc này cho những người dưới 50 tuổi để làm chậm sự tiến triển của bệnh và các biến chứng nghiêm trọng.
Điều trị bổ sung phụ thuộc vào các triệu chứng cụ thể như sau:
- Biến chứng liên quan đến tim: Điều trị bao gồm thuốc, máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị khác để điều chỉnh nhịp tim, phẫu thuật hoặc thậm chí ghép tim.
- Biến chứng liên quan đến tiêu hóa: Điều trị có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn, thuốc, corticosteroid hoặc trong trường hợp nặng thì phẫu thuật.
Thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Chagas
Bạn có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Phun thuốc diệt côn trùng quanh nhà ở và các khu vực xung quanh.
- Cải thiện nhà ở.
- Dùng lưới ngăn côn trùng.
- Thực hiện vệ sinh tốt trong quy trình chuẩn bị, vận tải, bảo quản và tiêu thụ thực phẩm.
- Kiểm tra máu được hiến.
- Kiểm tra các cơ quan, mô hoặc tế bào của người cho và người nhận trong ghép tạng.
- Kiểm tra trẻ sơ sinh và trẻ em được sinh từ các bà mẹ bị nhiễm bệnh để chẩn đoán và điều trị sớm.
Leave a reply