Chàm tổ đỉa hay bệnh tổ đỉa là một vấn đề da liễu tương đối thường gặp trong cộng đồng. Tuy không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tổng thể nhưng bệnh chàm tổ đỉa khiến nhiều người trở nên kém tự tin hơn rất nhiều.
Bệnh tổ đỉa là gì?
Bệnh tổ đỉa là một loại viêm da được đặc trưng bởi các mụn nước ngứa trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước thường có kích thước khoảng 1–2 mm và lành sau hơn 3 tuần. Đỏ da ít khi xuất hiện nhưng thường tái phát. Tình trạng bệnh này xuất hiện lặp đi lặp lại có thể gây ra những vết nứt và dày da.
Các loại bệnh tổ đỉa
Người ta phân loại bệnh tổ đỉa thành các dạng như sau:
- Bệnh tổ đỉa thể giản đơn: Trên da xuất hiện nốt mụn nhỏ và gây ngứa, lan rộng dần ra xung quanh. Thường xuất hiện ở lòng bàn tay đầu tiên.
- Bệnh tổ đỉa thể nhiễm khuẩn: Là tình trạng bệnh nặng hơn, nốt mụn to và có mủ.
- Bệnh tổ đỉa thể bọng nước: Thường gặp ở những trường hợp dị ứng với hóa chất. Nốt mụn to bằng hạt đậu hoặc to hơn, bọng nước, chứa dịch ở bên trong, có thể vỡ và chảy dịch.
- Bệnh tổ đỉa thể khô: Mụn xuất hiện thành đám, là dạng mụn khô, không có nước nhưng gây ngứa nhiều, tróc vảy.
Nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa
- Di truyền: Trong gia đình có người bị viêm da cơ địa, mề đay thì nguy cơ bị tổ đỉa càng lớn hơn.
- Cơ địa: Tổ đỉa có thể là bệnh thứ phát ở những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, bệnh gan, thận…
- Do nhiễm khuẩn: Tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất, nước bị ô nhiễm có thể khiến bạn bị chàm tổ đỉa.
- Dị ứng hóa chất: bao gồm xà phòng, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nước hoa, kim loại….
- Đổ nhiều mồ hôi: Bệnh có thể xuất hiện ở những người đổ nhiều mồ hôi tay chân do rối loạn thần kinh giao cảm hoặc làm việc trong môi trường nóng ẩm kéo dài.
- Dùng thuốc: Một số thuốc, đặc biệt là kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ là bệnh eczema tổ đỉa.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa?
Yếu tố nguy cơ bệnh tổ đỉa bao gồm:
- Căng thẳng: Bệnh xuất hiện nhiều hơn nếu bạn bị căng thẳng thể chất và tinh thần.
- Tiếp xúc với kim loại: Chúng bao gồm coban và niken, thường là trong môi trường công nghiệp.
- Da nhạy cảm: Những người bị phát ban sau khi tiếp xúc với một số chất kích thích có nhiều khả năng bị tổ đỉa ở tay .
- Chàm cơ địa: Một số người bị chàm cơ địa có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.

Triệu chứng của bệnh chàm tổ đỉa
Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh chàm tổ đỉa bao gồm:
- Xuất hiện mụn nước.
- Hình thành bóng nước.
- Nhiễm khuẩn mụn nước.
- Da ngứa và bong vảy.
- Ngứa da, nóng rát, phồng rộp.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Biến dạng móng tay, móng chân.
Biến chứng của bệnh chàm tổ đỉa
Các biến chứng thường gặp liên quan đến bệnh chàm bao gồm:
- Giảm chất lượng cuộc sống: Bệnh chắc chắn sẽ gây cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Nếu chàm tổ đỉa xảy ra ở chân, bệnh còn khiến người bệnh gặp khó khăn khi hoạt động và đi lại.
- Chàm tổ đỉa bội nhiễm: Vì lý do nào đó như việc cào gãi mạnh khiến các mụn nước vỡ ra, chảy dịch thì tình trạng bội nhiễm rất dễ xảy ra. Bội nhiễm khiến vùng da bị tổn thương sưng đau, tấy đỏ kèm theo sốt cao. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng phức tạp, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Biến dạng móng: Móng tay, móng chân có thể biến dạng nếu chàm tổ đỉa không được điều trị theo thời gian.
- Ảnh hưởng tâm lý: Tâm lý tự ti, mặc cảm là điều khó tránh khỏi vì bệnh diễn ra ở vùng da hở (tay, chân) gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Bệnh tổ đỉa có lây không?
Tổ đỉa là bệnh về cơ địa của mỗi người. Bệnh sẽ lan rộng ngay trên da của người bệnh. Khi giao tiếp thông thường, tổ đỉa không lây sang người khác. Chỉ có bản thân người bệnh cảm giác khó chịu và mất tự tin.

Biện pháp điều trị bệnh tổ đỉa
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng triệu chứng phương pháp điều trị, cách trị tổ đỉa có thể bao gồm:
- Liệu pháp ánh sáng: Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên bạn áp dụng liệu pháp ánh sáng đặc biệt kết hợp tiếp xúc tia cực tím với các loại thuốc giúp cho làn da tiếp nhận tốt hơn các lợi ích từ loại ánh sáng này.
- Thuốc mỡ ức chế miễn dịch: Các loại thuốc như tacrolimus và pimecrolimus có thể giúp ích cho những người không muốn dùng steroid. Tuy nhiên, các thuốc này có một tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
- Tiêm botulinum toxin: Một số bác sĩ có thể xem xét sử dụng thuốc botulinum toxin để điều trị các trường hợp bệnh nghiêm trọng.
Điều trị tại chỗ bệnh chàm tổ đỉa
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
Chườm ẩm, lạnh có thể giúp làm giảm sự khó chịu liên quan đến ngứa da. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc mỡ sau khi chườm. Kem dưỡng ẩm có thể cũng giúp da bớt khô và làm giảm ngứa tốt.
Những loại kem dưỡng ẩm có thể bao gồm:
- Mỡ bôi trơn như vaseline.
- Các loại kem như Lubriderm hoặc Eucerin.
- Dầu khoáng.
- Ngâm với nước cây phỉ.
Bệnh tổ đỉa không quá nguy hiểm nếu như bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do vậy, để phòng tránh bệnh tổ đỉa “ghé thăm” trở lại thì tốt nhất người bệnh cần phải tránh xa những yếu tố gây bệnh. Đồng thời cải thiện chế độ ăn uống giàu vitamin để tăng sức đề kháng, phòng tránh các loại bệnh tật.