Sự co cứng cơ thông thường sẽ không gây nguy hại đến tính mạng người bệnh, nhưng co cứng cơ toàn thân có thể làm cho các cơ bị tác động tiêu cực tạm thời và không thể cử động được nên ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Co cứng cơ là gì?
Co cứng cơ là sự tăng độ cứng của cơ không theo ý muốn. Triệu chứng co cứng cơ có thể từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng và thay đổi theo thời gian. Triệu chứng co cứng cơ có thể gây khó chịu, nhưng trong một số trường hợp co cứng cợ lại có lợi như khi người bệnh bị yếu chân nhiều, sự co cứng cơ giúp di chuyển chân từ giường sang ghế và thậm chí giúp di chuyển lúc đi.
Nguyên nhân khiến cơ bị co cứng
Sử dụng cơ quá mức, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản là giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài có thể gây ra sự co cứng cơ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không biết rõ nguyên nhân gây ra co cứng cơ.
Mặc dù hầu hết sự co cứng cơ đều không gây hại, một số có thể liên quan đến tình trạng bệnh nền, chẳng hạn như:
- Không cung cấp máu đầy đủ: Hẹp các động mạch đưa máu đến chân (xơ cứng động mạch ở các chi) có thể gây ra đau như kiểu chuột rút ở chân và bàn chân khi bạn đang tập thể dục. Những sự co cứng cơ này thường biến mất ngay sau khi bạn ngừng tập thể dục.
- Chèn ép dây thần kinh: Chèn ép các dây thần kinh trong cột sống của bạn (hẹp ống sống thắt lưng) cũng có thể gây ra đau như kiểu chuột rút ở chân. Thường đi bộ càng nhiều, đau càng tăng. Đi bộ với tư thế hơi cong về phía trước- chẳng hạn như bạn vừa đi vừa đẩy giỏ hàng như khi đi siêu thị – có thể cải thiện hoặc trì hoãn sự xuất hiện các triệu chứng.
- Thiếu các chất khoáng: Quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống của bạn có thể góp phần gây co cứng cơ. Thuốc lợi tiểu – thuốc thường được kê toa khi bị tăng huyết áp – cũng có thể làm giảm hấp thu các khoáng chất này.
Yếu tố nguy cơ gây co cứng cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị co cứng cơ bao gồm:
- Độ tuổi: Những người cao tuổi bị mất một lượng cơ nhất định, do đó phần cơ còn lại có thể phải tăng hoạt động quá mức.
- Mất nước: Các vận động viên trở nên mệt mỏi và mất nước khi thường xuyên tham gia tập luyện các môn thể thao trong khí hậu nóng bức sẽ dễ phát triển chứng co cứng cơ.
- Mang thai: Sự co cứng cơ cũng rất phổ biến khi đang trong thai kỳ.
- Tình trạng y tế: Bạn có thể có nguy cơ cao bị co cứng cơ nếu bạn có các bệnh đái tháo đường, hoặc có rối loạn thần kinh, gan hoặc tuyến giáp.

Dấu hiệu nhận biết cơ co cứng
Hầu hết sự co cứng cơ phát triển ở cơ chân, đặc biệt là ở bắp chân. Ngoài ra còn có một số biểu hiện nhận biết khi bị co cứng cơ như:
- Đau đột ngột.
- Đau nhói.
- Co thắt cơ.
- Yếu cơ và giật cơ.
- Cảm thấy cơ của họ cứng, nặng và khó cử động.
- Cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối u cứng của các mô cơ gồ lên bên dưới da bạn.
Các di chứng cơ căng cứng
Cứng khớp
Các khớp thường được cố định ở trạng thái cơ bị co cứng, dẫn đến những thay đổi trong mô liên kế, giảm chiều dài của cơ và gân liên kết. Sự cố định kéo dài tạo điều kiện cho sự phát triển các sợi mô liên kết vùng khớp. Chính vì vậy, khớp bị cố định do cơ bị co kéo trong thời gian dài dẫn đến sự hình thành xơ liên kết, tiêu sợi cơ, và mất khả năng phát triển của khớp.
Co cứng cơ
Nếu co cứng không được điều trị, các co cứng khác có thể xảy ra. Cơ thể mất cân bằng kiểm soát co cơ, dẫn đến co thắt cơ liên tục, càng làm giảm sự kiểm soát của cơ thể lên cơ bị co cứng. Khớp sẽ ở trạng thái uốn cong theo tình trạng co cơ, dẫn đến những mẫu co cứng.
Yếu cơ
Sự mất cân bằng giữa cơ chủ vận và cơ đối vận có thể xảy ra do rối loạn thần kinh, tổn thương tủy sống, và do thói quen lâu ngày. Sự sụt giảm khối lượng cơ dần dẫn đến mất lực cơ và cuối cùng là teo cơ. Sự co thắt liên tục của cơ chủ vận với sức đề kháng tối thiểu của cơ đối vận càng làm cho nhóm cơ này yếu đi.

Biện pháp điều trị cơ co cứng
Kéo dãn thụ động
Thông thường kéo dãn nhóm cơ co cứng bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu, việc kéo dãn thụ động là một biện pháp phòng ngừa có lợi hơn là dụng cụ trợ giúp để duy trì tầm vận động khớp (ROM). Kỹ thuật này rất quan trọng để cơ liên tục được vận động trên toàn bộ tầm vận động của chi thể.
Nẹp
Một thiết bị điều chỉnh co cứng cơ (contracture corrective device: CCD) là dụng cụ hỗ trợ, vận động thay hoạt động chủ động của cơ, giúp duy trì tầm vận động khớp. Hiện tại, đây là kỹ thuật hỗ trợ được đánh giá là tốt, nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn. Nẹp được sử dụng trong điều trị lâu dài, cùng với cơ đối vận, giúp kéo dài nhóm cơ chủ vận.
Kích thích điện
Kích thích điện giúp cải thiện phạm vi hoạt động thụ động, nhưng chỉ là tạm thời. Sau khi điều trị, thời gian điều trị cần được giảm dần. Phương pháp kích thích điện còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngừa teo cơ.
Thuốc
Một số nhóm thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương giúp làm mềm cơ. Ngoài ra, khi co cứng cơ, có thể sử dụng thuốc tiêm tại chỗ như botulinum toxin
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp để giảm rút ngắn cơ nhưng lại có nhiều biến chứng phát sinh. Sau khi phẫu thuật kéo dài nhóm cơ co rút, lực cơ và tầm vận động thường giảm đi, dẫn đến việc xơ hóa và tiêu các sợi cơ. Lúc này, việc co rút cơ lại có thể tái diễn. Vì vậy, tập luyện sau khi phẫu thuật là rất cần thiết.