Ngoài vấn đề còi xương do thiếu Vitamin D bởi nguồn cung không đủ, bệnh còi xương còn do rối loạn chuyển hóa Vitamin D, khiến không đủ Vitamin D3 là loại tham gia vào quá trình chuyển hóa tạo xương.
Bệnh còi xương là bệnh gì?
Còi xương là tình trạng rối loạn gây giảm khoáng hóa của đĩa sụn tăng trưởng, giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhỏ, trẻ em, thanh thiếu niên đang lớn do thiếu vitamin D hoặc khiếm khuyết về chuyển hóa và chức năng của nó, thiếu canxi hoặc phosphat hoặc giảm hoạt động của phosphataza kiềm.
Có 3 dạng còi xương: Còi xương dinh dưỡng; còi xương do rối loạn chuyển hóa vitamin D hoặc giảm hoạt động của vitamin D (còi xương phụ thuộc vitamin D/còi xương kháng vitamin D); Còi xương do rối loạn tái hấp thu phospho ở ống thận (Còi xương phosphopenic di truyền). Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến còi xương dinh dưỡng.
Còi xương dinh dưỡng là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu canxi và phospho trong quá trình tạo xương. Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh hay gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các hậu quả không mong muốn cho trẻ như biến dạng ở xương, răng, ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc.
Nguyên nhân bệnh Còi xương
Nguyên nhân chủ đạo gây ra bệnh còi xương là thiếu Vitamin D. Vitamin D được cung cấp từ hai nguồn: ngoại sinh và nội sinh.
- Ngoại sinh là từ thức ăn, sữa mẹ, nguồn này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vitamin D tan trong dầu nên nếu thức ăn của trẻ không có dầu mỡ dẫn đến giảm hấp thu Vitamin D.
- Nội sinh là từ một tiền chất dưới da, dưới tác động của ánh sáng mặt trời chuyển hóa thành Vitamin D3, đây là nguồn chủ đạo để tham gia vào chuyển hóa tạo xương của trẻ. Do đó còi xương hay gặp ở trẻ em là bệnh còi xương do thiếu Vitamin D.
Một nguyên nhân khác hiếm gặp hơn là thiếu Vitamin K2, một protein vận chuyển canxi tạo xương hay thiếu một số khoáng chất canxi, photpho, kẽm, magie là những thành phần của xương.

Triệu chứng của còi xương
Thường sẽ thấy các dấu hiệu trên cơ xương của bệnh nhân như:
- Đau hoặc yếu ở xương cánh tay, chân, xương chậu và cột sống.
- Giảm trương lực cơ, yếu cơ và tình trạng này sẽ tệ hơn nếu không điều trị.
- Biến dạng răng, chậm mọc răng ở trẻ, khiếm khuyết trong cấu trúc răng, có lỗ trên men răng, dễ bị sâu răng.
- Trẻ tăng trưởng kém, chậm lớn.
- Dễ gãy xương.
- Thường bị chuột rút.
- Tầm vóc thấp (người lớn cao dưới 1,52m).
- Các dị tật về xương như hộp sọ có hình dạng kỳ lạ, chân vòng kiềng, có chuỗi hạt sườn còi xương, xương ức bị đẩy về phía trước, dị dạng xương chậu và dị dạng cột sống (cột sống cong bất thường, cong vẹo cột sống).
Các biến chứng của bệnh còi xương
Nếu không điều trị, bệnh còi xương có thể dẫn đến:
- Chậm phát triển.
- Cột sống cong bất thường.
- Dị tật xương.
- Khiếm khuyết nha khoa.
- Động kinh.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Còi xương
- Chủ yếu dựa trên các thăm khám lâm sàng và chụp X-quang xương để phát hiện các biểu hiện bệnh ở xương cũng như các triệu chứng thần kinh đi kèm.
- Ngoài ra có thể xét nghiệm máu để đo các chỉ số Vitamin D, Canxi, Photpho đánh giá sự thiếu hụt để định hướng điều trị cho phù hợp.

Phòng và điều trị còi xương
Còi xương là một bệnh có thể phòng tránh được và ít tốn kém vì nước ta quanh năm đều có ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau:
- Ngay từ khi mang thai người mẹ nên thường xuyên tắm nắng để tiếp nhận đủ vitamin D.
- Thai phụ nên tăng cường vitamin D từ thức ăn: thêm gan cá, cua, trứng, sữa, bơ,… vào chế độ ăn vì những thực phẩm này rất giàu vitamin D.
- Bà bầu cần làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị sinh non.
- Trẻ sau sinh cần được bú ngay, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc để hình thành hooc môn tăng trưởng.
- Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm khi mới 3 – 4 tháng tuổi.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đủ chất Bữa ăn của trẻ nên có dầu ăn hoặc mỡ để tăng hấp thu vitamin D.
- Cho trẻ phơi nắng đều đặn khi trời nắng đẹp: khi da được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì 7-dehydro cholesterol trong da sẽ chuyển đổi thành vitamin D3. Thời gian tắm nắng thích hợp là 10 – 15 phút mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều.
- Trong một số trường hợp uống quá liều vitamin D kéo dài sẽ làm tăng canxi máu và vôi hóa mạch máu gây sỏi thận.
- Trẻ còi xương do thiếu vitamin D thường thiếu cả canxi, cần cho trẻ uống thêm canxi 0,5 – 1g/ngày.
- Ngoài ra, cũng cần cho trẻ tắm nắng kết hợp với chế độ ăn đủ protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả điều trị còi xương.
Leave a reply