Đau đầu vận mạch tuy không mấy nguy hiểm, nhưng nếu kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến tinh thần, công việc và sức khỏe thể chất…
Đau đầu vận mạch là bệnh gì?
Đau đầu vận mạch là tình trạng liên quan tới sự thay đổi “giãn nở” các mạch máu ở khu vực đầu hoặc cổ. Cụ thể khi các mạch máu ở đầu bị căng, nới rộng và bị viêm sẽ làm thay đổi nhịp đập bình thường của mạch và dẫn tới các cơn đau nhói. Nếu lúc này người bệnh có hoạt động thể chất thì càng khiến cơn đau đầu thêm trầm trọng.
Đây là một bệnh thường gặp, mỗi người đều có thể mắc phải ít nhất một lần trong đời. Tuy không mấy nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng đến tinh thần, công việc và cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân đau đầu vận mạch
Có nhiều nguyên nhân có thể khởi phát cơn đau đầu vận mạch, thường gặp nhất bao gồm:
- Bia rượu, các đồ uống có cồn.
- Căng thẳng, lo lắng quá độ.
- Thay đổi thời tiết dẫn tới thay đổi áp suất không khí.
- Thay đổi nhịp sinh học (thức hoặc ngủ quá nhiều), vận động với cường độ bất thường.
- Thay đổi hormone ở nữ giới trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh.
- Các thực phẩm như thức ăn nhanh, socola, đồ ăn chứa nhiều chất phụ gia,…
- Sử dụng thuốc.

Dấu hiệu của bệnh đau đầu vận mạch
Trước cơn đau đầu một số người bệnh có thể có các biểu hiện (hay còn gọi là tiền triệu) như sau :
- Các bất thường về thị giác: Nhìn thấy tia chớp sáng, zích zắc. Đôi khi có thể mất thị lực.
- Các bất thường về cảm giác, về vận động, về phát âm.
Các triệu chứng này thường kéo dài từ 20 đến 60 phút.
Trong cơn đau người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Đau dữ dội từ vùng thái dương và vùng trước trán.
- Buồn nôn, nôn mửa, hoặc chóng mặt.
- Đau giật thon thót theo nhịp đập của mạch.
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng, sợ ánh sáng.
- Nhạy cảm với tiếng ồn, sợ tiếng ồn.
- Đau đầu tăng lên khi vận động đi lại.
Cơn đau có thể kéo dài từ 4h – 72 h nếu không được điều trị.
Đau đầu rối loạn vận mạch có nguy hiểm không?
Cơn đau đầu vận mạch không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường gây ra những cơn đau dữ dội, vượt quá sức chịu đựng của người bệnh và thường phải sử dụng đến thuốc giảm đau. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, mất khả năng tập trung để học tập và làm việc.
Nếu không được điều trị sớm, bệnh có gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn như mệt mỏi, suy nhược cơ thể, trầm cảm, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung…
Ngoài ra, nếu người bệnh phả dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc nhóm NSAIDs thường xuyên, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại với gan, thận và dạ dày…
Chẩn đoán bệnh đau đầu vận mạch
Dựa theo triệu chứng, tiền sử gia đình và phản ứng với một số loại thuốc mà bác sĩ sẽ có nhận định cụ thể về bệnh đau đầu vận mạch. “Tiêu chuẩn” chẩn đoán có thể khác nhau tùy theo loại đau đầu mà người bệnh gặp phải.
- Đau nửa đầu: Tìm hiểu tiền sử bệnh và có thể thực hiện các kiểm tra thể chất/ thần kinh.
- Đau đầu do căng thẳng: Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng.
- Đau đầu từng cụm: Tuy không có xét nghiệm nào dùng để chẩn đoán đau đầu từng cụm nhưng tùy theo kiểu đau của từng người mà bác sĩ sẽ đưa ra kết luận.
- Liên quan tới bệnh lý khác: Dựa theo tình trạng bệnh hiện tại.
Cách điều trị đau đầu vận mạch
Tùy theo các dạng bệnh đau đầu vận mạch mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Bạn có thể giảm bớt mức độ và tần suất xuất hiện các cơn đau đầu bằng các cách như uống nhiều nước, dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng thư giãn/ giảm stress, dùng các thuốc không kê đơn/ kê đơn chẳng hạn như acetaminophen hay ibuprofen, ergotamines, triptan, gepants,…
Ngoài việc dùng thuốc, trong trường hợp đau đầu nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng, người bệnh cũng có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như liệu pháp oxy, vật lý trị liệu, kích thích dây thần kinh hoặc phẫu thuật để giảm bớt tình trạng bệnh.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh đau đầu vận mạch cũng nên kiêng rượu, ăn uống đủ bữa, ngủ sớm, chườm mát, giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử,…

Phòng ngừa bệnh đau đầu vận mạch
Bên cạnh việc điều trị, cắt cơn bằng thuốc giảm đau, bạn cũng nên có những thay đổi trong lối sống, chế độ ăn đề phòng ngừa những cơn đau đầu vận mạch:
- Ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm các loại vi chất như kẽm, sắt, magie, vitamin K, B6 …
- Không nên ăn các đồ ăn, đồ uống có chất kích thích, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá và tuyệt đối không hút thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc, giấc ngủ kéo dài từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, bi quan, stress hoặc hạn chế kích thích gây căng thẳng về thần kinh.
- Hạn chế làm những công việc buộc phải suy nghĩ hay động não quá mức, tránh lao động quá sức về thể lực.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày …
Đau đầu vận mạch nói riêng là vấn đề sức khỏe không nên chủ quan bỏ qua, nhất là khi bệnh có cường độ đau nhói dữ dội hoặc tái phát nhiều lần. Để phòng ngừa ảnh hưởng xấu tới thần kinh, tốt nhất khi bị đau đầu kéo dài thì bạn nên đi gặp bác sĩ sớm để có chẩn đoán và hướng điều trị kịp thời.
Leave a reply