Bệnh gai xương cổ tay thuộc một dạng của hội chứng ống cổ tay do sự phát triển của các gai xương. Gai xương cổ tay gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vận động, gây đau nhức và có khả năng để lại các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Gai xương cổ tay là gì?
Gai xương là những mỏm xương thừa, hình thành do hệ quả của bệnh viêm khớp và thoái hóa xương khớp. Khi sụn khớp bị phá vỡ, hư hại và tổn thương, để khắc phục tình trạng này, cơ thể sẽ làm lắng đọng, tích tụ canxi tại những vị trí đó. Lâu ngày hiện tượng này gây phát triển thành các gai xương. Tùy vào vị trí mọc gai xương mà người ta sẽ gọi bằng những cái tên khác nhau. Khi gai xương mọc ở khớp cổ tay thì sẽ gọi là gai xương cổ tay.
Nguyên nhân gây gai xương cổ tay
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gai xương cổ tay nhưng chủ yếu là do một số tác động sau:
- Lão hóa tự nhiên: Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng gai xương cổ tay. Bởi vì đây là tình trạng thoái hóa tự nhiên của xương khớp và làm cho các đầu sụn bị tổn thương.
- Chấn thương: Tai nạn, té ngã, chơi thể thao hoặc lao động không đúng cách cũng khiến cho chứng thoái hóa phát triển nhanh, hình thành nên các gai xương.
- Thoái hóa khớp mãn tính: Gây cản trở hoạt động trao đổi chất, chèn ép các dây thần kinh và kích thích triệu chứng đau nhức. Lúc này, cơ thể tự sản sinh dưỡng chất quá mức và dần dẫn đến tình trạng gai xương.
- Môi trường làm việc: Tính chất công việc thường xuyên vận động cổ tay như bác sĩ, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng,… Thường xuyên vận động làm cho các đầu khớp nhanh chóng bị lão hóa.
- Mắc các dị tật bẩm sinh: Người có tiền sử mắc bệnh xương khớp hoặc bị dị tật bẩm sinh cũng có nguy cơ bị gai xương cổ tay rất cao.

Triệu chứng thường gặp của bệnh gai xương cổ tay
Theo các chuyên gia, tùy theo nguyên nhân và mức độ thoái hóa khớp và các rễ thần kinh bị kích thích bởi chồi xương, gai xương mà biểu hiện bệnh ở mỗi người là khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết gai xương cổ tay:
- Hiện tượng cổ tay bị đau nhức khó chịu khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, cầm nắm.
- Các cơn đau nhức này sẽ càng dữ dội hơn khi người bệnh hoạt động, lao động mà không có ý định nghỉ ngơi.
- Các cơn đau này sẽ lây lan sang những bộ phận khác như bàn tay, ngón tay, cánh tay.
- Hiện tượng cứng khớp cổ tay khiến vận động khó khăn cũng bắt đầu hình thành.
- Nếu bệnh để lâu còn có triệu chứng tê bì, khó kiểm soát.
- Người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động, cầm nắm nếu không chữa trị.
Chẩn đoán bệnh gai xương cổ tay
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang sẽ phản ánh được mức độ gai xương hoặc một số vấn đề đang gặp phải trong cổ tay như gãy xương hoặc viêm khớp.
- Điện cơ đồ: Được áp dụng khi chưa quan sát các vấn đề trên cổ tay bệnh nhân. Thử nghiệm này được thực hiện bằng việc đo các phóng điện nhỏ được tạo ra trong cơ bắp bệnh nhân. Phương pháp này được thực hiện để loại trừ thiệt hại cơ bắp và một số tác nhân gây bệnh không liên quan.
Biện pháp điều trị bệnh
Bệnh gai xương cổ tay ảnh hưởng trầm trọng đến sinh hoạt hằng ngày của con người, gây ra các cơn đau nhức khó chịu và thậm chí có thể dẫn đến bại liệt. Khi được chẩn đoán bị gai xương, bạn cần lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để tránh bệnh tiến triển trầm trọng hơn, gây ra những biến chứng nặng nề cho sức khỏe.
Tùy thuộc vào tình trạng gai xương khớp cổ tay mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cụ thể. Nhìn chung các phương pháp bao gồm: Dùng thuốc tây, bài thuốc đông y, vật lý trị liệu, phẫu thuật.
Chữa trị bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp sử dụng những tác nhân vật lý tác động lên vùng xương khớp đang bị tổn thương hoặc luyện tập các bài tập hoạt động cổ tay khiến cho các cơ linh hoạt hơn. Một số phương pháp vật lý trị liệu dùng để chữa gai xương cổ tay là:
- Chườm nhiệt: Chườm nóng có công dụng trị đau hiệu quả bằng việc làm tê liệt dây thần kinh cảm giác khiến bệnh nhân không còn thấy đau.
- Nẹp cổ tay: Trong nhiều trường hợp, việc cố định cổ tay sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị và hạn chế tổn thương nặng hơn. Nẹp cố định cổ tay khi ngủ sẽ giúp giảm đau, tê nhức vào ban đêm.
- Tập các bài tập: Thực hiện các bài tập cổ tay thường xuyên, nhẹ nhàng và đều đặn như cử động gập duỗi, nghiêng trụ, nghiêng quay khớp cổ tay, gập duỗi các ngón tay, kéo căng cổ tay, xoay cổ tay, xoay vai,… sẽ giúp các khớp tay được rèn luyện, dần dần sẽ trở nên dẻo dai hơn.
- Massage: Massage vùng cổ tay cũng là một phương pháp hữu hiệu tăng lượng máu lưu thông, làm các cơ được thư giãn, nghỉ ngơi, giúp giảm các cơn đau và khớp cổ tay dần hồi phục.
- Sử dụng các dụng cụ, máy móc, thiết bị hiện đại: Hiện nay, các cơ sở vật lý trị liệu đã được trang bị nhiều thiết bị tân tiến để có thể đẩy nhanh quá trình điều trị gai xương.
Phẫu thuật gai xương cổ tay
Phương pháp giúp loại bỏ gai xương, giảm cọ xát giữa các gai ở đầu xương, ngăn gai xương chèn ép dây thần kinh. Hiện có 2 phương pháp phẫu thuật là mổ mở và nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, giảm đau đớn và nhanh lành vết thương hơn phẫu thuật truyền thống.

Cách phòng ngừa gai xương cổ tay
Để phòng tránh căn bệnh này, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện. Cụ thể là:
- Hạn chế bê vác vật nặng, lao động quá sức khiến cổ tay bị mỏi, tổn thương. Không bẻ cổ tay, không dùng tay để gối đầu khi đi ngủ.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cổ tay được thư giãn.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tuy nhiên, cần hạn chế chơi những môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… với cường độ cao.
- Xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung canxi, rau quả. Hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, bia rượu.
- Tránh xa các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường, bia rượu, thức uống có cafein,…
- Thăm khám ngay khi có cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Gai xương cổ tay là hiện tượng thường xảy ra nhưng gây ra không ít phiền toái cho người bệnh nên cần có những biện pháp ngăn cản kịp thời. Ngay sau khi có những triệu chứng của bệnh hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Leave a reply