Gan nhiễm mỡ là bệnh rất phổ biến hiện nay, bệnh có thể gây ra viêm gan, xơ gan, thậm chí dẫn tới ung thư gan nếu bệnh không được chữa trị trong suốt thời gian dài.
Gan là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể người. Gan xử lý hầu như tất cả những gì chúng ta ăn hoặc uống vào, đồng thời lọc các chất độc có trong máu. Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng nếu gan chứa quá nhiều mỡ. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan.
Gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan.
Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Hàm lượng chất béo trong gan cao hơn bình thường có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Hầu hết trường hợp, bệnh thường không gây hại. Tuy nhiên, nếu không sớm được can thiệp kịp thời, vấn đề sức khỏe này có khả năng làm suy giảm chức năng gan, thậm chí kéo theo xơ gan xảy ra.
Các cấp độ của gan nhiễm mỡ
Các chuyên gia phân loại tình trạng sức khỏe này thành 3 cấp độ khác nhau, bao gồm:
Gan nhiễm mỡ độ 1
- Xảy ra khi hàm lượng chất béo chỉ chiếm 5-10% tổng trọng lượng của gan. Đây là giai đoạn đầu của bệnh, vì vậy thường nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe. Để điều trị gan nhiễm mỡ độ 1, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động và kết hợp với điều trị của bác sĩ.
Gan nhiễm mỡ độ 2
- Lượng chất béo chiếm 10-25% trọng lượng của gan sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ độ 2. Lúc này, các triệu chứng vẫn chưa rõ ràng nên ít người phát hiện bản thân mình mắc bệnh.
Gan nhiễm mỡ độ 3
- Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh lý này. Khi đã tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng gan nhiễm mỡ rất khó điều trị và phục hồi. Không những thế, bệnh còn dễ dẫn đến các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan và thậm chí gây tử vong.
Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu. Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.
Ngoài rượu, còn một số nguyên nhân thường gặp khác như:
- Béo phì.
- Mỡ máu cao.
- Tiểu đường.
- Gene di truyền.
- Sút cân quá nhanh.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Aspirin, Steroids, Tamoxifen hay Tetracycline.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Gan nhiễm mỡ ít khi có các triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bạn hơi to ra một chút. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Lúc đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.
Gan nhiễm mỡ là bệnh rất thường gặp, ai cũng có thể mắc. Đặc biệt là những người uống nhiều rượu bia, béo phì, đái tháo đường, suy giáp, suy tuyến yên, hội chứng buồng trứng đa nang…
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu và dấu hiệu gan nhiễm mỡ như mệt mỏi, đau hay khó chịu ở vùng bụng kéo dài dai dẳng. Trong trường hợp bạn bị sụt cân đột ngột cũng có thể là dấu hiệu bạn đang có các vấn đề về gan, hãy gặp bác sĩ ngay.
Chẩn đoán bệnh
Gan nhiễm mỡ là một bệnh ít biểu hiện triệu chứng nên gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh. Bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau đây để chẩn đoán bệnh:
- Tiền sử bệnh: Người đến khám sẽ được hỏi chi tiết về tiền sử uống rượu bia (mức độ, hàm lượng, thời gian sử dụng). Thông tin này sẽ giúp ích cho bác sĩ trong việc phân biệt gan nhiễm mỡ do rượu (ALD) và gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Ngoài ra, người khám còn được hỏi về tiền sử sử dụng thuốc, thói quen ăn uống, và các thông tin khác liên quan đến bệnh. Vậy nên, việc trả lời thành thật sẽ giúp chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn.
- Khám sức khỏe: Người khám sẽ được kiểm tra các vấn đề về gan như gan to hay vàng da.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm chức năng gan giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe của gan. Chức năng gan được cho là giảm xuống khi có men gan cao thể hiện qua 2 chỉ số alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST).
- Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý về gan. Cụ thể, thông qua các hình ảnh được chụp có thể cho thấy tồn tại hay không chất béo ứ đọng tại gan, và còn giúp phân loại gan nhiễm mỡ đơn thuần với viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
- Sinh thiết gan: Bác sĩ chỉ đề nghị sinh thiết nếu nghi ngờ hoặc có kết quả xét nghiệm cho thấy người khám có nguy cơ mắc NASH. Sinh thiết có thể được thực hiện tại bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật ngoại trú. Trước khi làm thủ thuật, thuốc gây tê và giảm đau sẽ được tiêm vào cơ thể để kiểm soát cơn đau. Tiếp đến, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ và sử dụng kim đặc biệt để lấy một mảnh mô nhỏ từ gan rồi gửi đến khoa giải phẫu bệnh. Sinh thiết gan là cách duy nhất để chẩn đoán NASH.

Điều trị gan nhiễm mỡ
Không có loại thuốc đặc hiệu, tất cả các loại thuốc đang lưu hành chỉ có hiệu quả tương đối. Nếu người bệnh xuất hiện biến chứng như xơ gan hoặc suy gan thì khả năng cao phải ghép gan. Nhìn chung, những người bị bệnh được ghép gan sẽ hồi phục sức khỏe rất nhanh.
Bỏ rượu, bia
Bỏ rượu là cách duy nhất giữ cho tổn thương gan không trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể hồi phục các tế bào gan đã bị tổn thương trong gan nhiễm mỡ do rượu (ALD). Ngoài ra, người bệnh còn được tư vấn về chương trình cai nghiện được giám sát và kiểm soát các triệu chứng cai nghiện một cách an toàn để bỏ rượu.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể làm giảm triệu chứng của gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD):
- Giảm cân: Đây là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất cho NAFLD. Giảm cân giúp giảm mỡ, viêm và xơ hóa gan. Người bệnh chỉ cần giảm 3 – 5% trọng lượng cơ thể để giúp cắt giảm đáng kể lượng chất béo trong gan.
- Tập thể dục nhiều hơn: Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hầu hết các ngày trong tuần nhằm nâng cao sức khỏe và giúp giảm cân đạt hiệu quả cao.
- Xây dựng thói quen tốt: Người bệnh nên duy trì các thói quen tốt để bảo vệ gan như bỏ rượu, dùng thuốc và thuốc không kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ. Không phải tất cả các sản phẩm hỗ trợ chức năng gan đều tốt cho sức khỏe, vì vậy trước khi mua dùng người bệnh nên hỏi tư vấn của bác sĩ.
- Giảm cholesterol: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, và dùng thuốc theo đơn sẽ tăng cường các cholesterol có lợi và làm giảm các cholesterol có hại.
- Quản lý bệnh tiểu đường: Kiểm tra lượng đường trong máu và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý về thực phẩm cho người bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh rất khó chịu và thường liên quan đến chế độ ăn uống. Vì vậy, để mau phục hồi sức khỏe và điều trị bệnh tốt hơn, bạn nên cân nhắc bổ sung một số thực phẩm dưới đây vào thực đơn hàng ngày của mình.
Bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì?
- Rau củ quả: Một số loại rau củ quả rất tốt cho tình trạng gan nhiễm mỡ vì có tác dụng làm giảm cholesterol. Chẳng hạn như ngô, nấm hương, rau cần, cải xanh, cải cúc…
- Dầu thực vật: Các loại dầu thực vật có chứa các axit béo không no, có tác dụng làm giảm cholesterol.
- Cá: Cá tươi có khả năng hạn chế cholesterol cũng như củng cố chức năng gan.
- Thảo dược thiên nhiên: Atiso, trà xanh, lá sen… đều có tác dụng giảm lượng mỡ trong gan, thanh nhiệt và điều hòa cơ thể.
Bị gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?
Trong quá trình điều trị, bạn cũng cần lưu ý hạn chế hoặc tạm thời loại bỏ một số thực phẩm ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Chúng bao gồm:
- Mỡ động vật: Gan nhiễm mỡ cần hạn chế mỡ động vật, để tránh làm gánh nặng cho gan. Thay vì dùng mỡ động vật, bạn có thể dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu olive…
- Thực phẩm giàu cholesterol: Cholesterol cao có thể dẫn đến rất nhiều bệnh, trong đó có gan nhiễm mỡ. Những thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng…
- Thịt: Thịt, đặc biệt là thịt đỏ, có chứa nhiều protein sẽ được chuyển hóa ở gan, vì vậy gan phải làm việc nhiều hơn. Thay vì ăn thịt, bạn hãy ăn nhiều cá sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
- Gia vị cay nóng: Một số loại gia vị ảnh hưởng xấu đến gan như tiêu, ớt, tỏi, gừng, củ riềng… Vì vậy bạn nên hạn chế ăn những loại gia vị này khi bị bệnh.
- Rượu, bia và chất kích thích: Nếu bị gan nhiễm mỡ và vẫn uống rượu bia, bạn sẽ có nguy cơ cao bị xơ gan và ung thư gan.
Nếu bạn là người có thói quen uống rượu, hãy dừng lại hoặc hạn chế tối đa để gan có thời gian phục hồi. Bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ của gan thông qua việc thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày và tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ.
Leave a reply