Bệnh giảm áp là bệnh đặc thù của thợ lặn. Nhưng gần đây, khi lặn trở thành một hoạt động ưa thích của du lịch khám phá ở biển thì căn bệnh giảm áp có thể là nguy cơ đối với nhiều người.
Bệnh giảm áp là gì?
Bệnh giảm áp là một loại chấn thương xảy ra khi áp lực xung quanh cơ thể giảm nhanh đột ngột.
Bệnh thường xảy ra ở những người thợ lặn, phi hành gia hoặc những công nhân trong hầm.
Với người bệnh giảm áp, bọt khí có thể hình thành trong mô và máu. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Phân loại bệnh giảm áp
Nói chung, có 2 loại bệnh giảm áp:
- Loại I: Liên quan đến khớp, da và hệ bạch huyết, nhẹ hơn và thường không đe dọa tính mạng.
- Loại 11: Bao gồm liên quan đến thần kinh hoặc tim mạch nghiêm trọng, đôi khi đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác nhau.
Tủy sống đặc biệt dễ bị tổn thương; các cơ quan dễ bị tổn thương khác bao gồm não, hệ hô hấp (ví dụ, thuyên tắc phổi), và hệ tuần hoàn (ví dụ, suy tim, sốc tim).
Nguyên nhân gây ra bệnh giảm áp
Khi bạn di chuyển từ nơi có áp suất cao tới nơi có áp suất thấp, các bọt khí nitơ có thể thể hình thành trong máu và mô. Khi áp suất giảm nhanh chóng, các bọt khí này sẽ được giải phóng ồ ạt vào cơ thể, khiến lưu lượng máu bị tắc nghẽn và gây ra các triệu chứng giảm áp.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh giảm áp
Bệnh giảm áp xảy ra trong khoảng từ 2 đến 4/10.000 lần lặn ở các thợ lặn không chuyên. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những thợ lặn thương mại, những người tiếp xúc với độ sâu sâu hơn và thời gian lặn lâu hơn. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Lặn ở nhiệt độ thấp.
- Mất nước.
- Tập thể dục sau khi lặn.
- Mệt mỏi.
- Đi máy bay sau khi lặn.
- Béo phì.
- Tuổi cao.
- Lặn kéo dài hoặc lặn sâu.
- Bơi lên nhanh.
- Luồng thông tim phải sang trái.
Do lượng nitơ dư thừa vẫn còn hòa tan trong các mô cơ thể ít nhất 12 giờ sau mỗi lần lặn, việc tiếp tục lặn trong vòng 1 ngày có thể gây ra bệnh giảm áp. Bệnh giảm áp cũng có thể tiến triển nếu áp suất giảm xuống dưới áp suất khí quyển (ví dụ, khi đi lên cao).

Triệu chứng của bệnh giảm áp
Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm:
- Mệt mỏi.
- Yếu.
- Đau khớp và cơ.
- Đau đầu.
- Choáng váng.
- Nhầm lẫn.
- Có vấn đề về thị lực, như song thị.
- Đau dạ dày.
- Đau ngực hoặc ho.
- Sốc.
- Chóng mặt.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng ít phổ biến sau:
- Viêm cơ.
- Ngứa.
- Phát ban.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Cực kì mệt mỏi.
Các chuyên gia phân loại giảm áp với các triệu chứng ảnh hưởng đến da, cơ xương và hệ bạch huyết là loại 1. Giảm áp loại 2 sẽ có các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Biện pháp điều trị bệnh giảm áp
Phương pháp điều trị bệnh giảm áp được áp dụng dựa trên cơ chế của nguyên nhân gây bệnh, tức là chúng ta sẽ phải làm tan bọt khí trở lại và giải phóng từ lượng khí dư đó ra ngoài đường phổi bằng cách nhanh chóng đưa bệnh nhân trở về môi trường áp suất cao. Thuốc và các phương pháp khác không làm tan được bọt khí, đặc biệt là các bọt khí lớn.
Trên thực tế, ngư dân khi mắc chứng giảm áp phần lớn tự chữa bằng cách đưa xuống độ sâu như lúc ban đầu đã lặn rồi lại đưa lên mặt nước để giúp người gặp nạn tăng áp trở lại.
Biện pháp này đã áp dụng đúng nguyên tắc chữa trị bệnh giảm áp. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và có thể áp dụng cho trường hợp bị nhẹ. Những trường hợp nặng hơn sẽ không có tác dụng do bọt khí quá nhiều gây ách tắc và tổn thương toàn bộ các mạch máu.

Phòng ngừa bệnh giảm áp
Để phòng ngừa bệnh giảm áp, thợ lặn nên:
- Uống nhiều nước, tránh để cơ thể thiếu nước.
- Hít thở sâu 3 phút trước khi lặn.
- Không lặn quá sâu (trên 12m độ sâu).
- Khi ngoi lên phải tuân thủ đúng quy trình.
Ngoài ra, thợ lặn cũng cần trang bị kỹ đồ bảo hộ và được trang bị các kỹ năng đối phó khi giảm áp xảy ra.