Hen suyễn là tên gọi dân gian của hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh hen suyễn làm cho thở khò khè, khó thở, tức ngực, ho vào lúc đêm hoặc buổi sáng sớm.
Hen suyễn ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày và các hoạt động thể lực của người bệnh. Hen suyễn là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ điều trị giúp ích trong kiểm soát các triệu chứng của bệnh…
Hen suyễn là bệnh gì?
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản. Đây là bệnh viêm mãn tính của đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi đường thở bị viêm nhiễm, sưng phù, tiết dịch nhầy, co thắt khi gặp các chất kích thích gây cản trở không khí đi vào phổi khiến bệnh nhân bị thiếu oxy, khó thở. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: ho, nặng ngực, cảm giác ngực căng tức như đang bị bó chặt, khó thở, thở khò khè…
Với nhiều người, tình trạng hen suyễn nhẹ chỉ là vấn đề nhỏ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số người bệnh nặng đến mức gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Nguy hiểm hơn, bệnh sẽ đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị và kiểm soát.
Bệnh hen suyễn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm mà chỉ giúp kiểm soát bệnh. Điều đó có nghĩa là bệnh có thể tái phát nếu không được bác sĩ theo dõi và kiểm tra thường xuyên.
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản
Nguyên nhân hen suyễn hiện nay chưa được thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền.
Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus
- Không khí lạnh
- Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí
- Mạt nhà
- Xúc cảm mạnh, stress
- Tập luyện thể lực
- Một số loại thuốc như: Ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen
- Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: Tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Những triệu chứng của bệnh hen suyễn
Triệu chứng hen suyễn trên lâm sàng thay đổi tùy theo từng bệnh nhân. Người bệnh có thể thường xuyên phải đối mặt với các cơn hen phế quản hoặc chỉ sau các yếu tố khởi phát như luyện tập thể lực.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bao gồm:
- Thở nông
- Tức ngực hoặc đau ngực
- Thở khò khè, đây là dấu hiện bệnh hen phế quản phổ biến ở trẻ em
- Các cơn ho và thở khò khè thường nặng hơn khi nhiễm virus ở đường hô hấp, như cảm lạnh, cảm cúm
- Hen suyễn do tập thể dục, có thể nặng hơn khi không khí lạnh và khô
- Hen suyễn do nghề nghiệp, được kích hoạt bởi các chất kích thích tại nơi làm việc, như khói hóa chất, khí gas hay bụi
- Hen suyễn dị ứng, do các tác nhân trong không khí gồm phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải động vật, da hay lông động vật/thú cưng gây kích ứng.
Những đối tượng dễ mắc bệnh hen phế quản
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân bị hen suyễn hay khi lên cơn hen suyễn hoặc bị hen suyễn khó thở nên làm gì, chúng ta cần nắm rõ đâu là những người dễ bị hen suyễn tấn công. Hen là bệnh lý phổ biến, bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt một số đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh bao gồm:
- Người có cơ địa dị ứng
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần
- Trẻ có bố mẹ mắc suyễn
- Người bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm như hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá
- Người thừa cân, béo phì
- Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về da, hô hấp…
Các cơn hen suyễn nặng có khả năng gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi thấy triệu chứng trở nên nghiêm trọng
Điều trị bệnh hen suyễn
Chuẩn đoán bệnh
Chẩn đoán hen suyễn thường phối hợp giữa, tiền sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trước hết, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe và cố gắng loại trừ những bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đồng thời, họ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bạn và gia đình, đặt các câu hỏi liên quan đến triệu chứng mà bạn gặp phải.
Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng cần được thực hiện để chẩn đoán xác định và tiên lượng bệnh, bao gồm:
- Hô hấp kí: đánh giá mức độ hẹp phế quản bằng cách kiểm tra thể tích và tốc độ khí thở ra sau khi hít thở sâu.
- Đo lưu lượng đỉnh (PEF): PEF giảm là biểu hiện của chức năng phổi suy yếu và bệnh hen suyễn đang nặng dần.
- X quang phổi: phát hiện các biến chứng và các bệnh lý kèm theo.
Phương pháp điều trị bệnh hen suyễn
Hen suyễn tuy không phải là bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị kiểm soát các triệu chứng của bệnh đóng vai trò quan trọng, giải quyết được các vấn đề ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh.
Điều trị hen suyễn bao gồm các mục tiêu sau:
- Nhận diện và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen
- Thuốc điều trị cần đảm bảo kiểm soát được các triệu chứng của bệnh.
Dùng thuốc
Nhiều loại thuốc được chỉ định trong việc điều trị hen suyễn, bao gồm:
- Thuốc corticoid dạng hít: Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị hen suyễn. Thuốc có tác dụng giảm tình trạng viêm ở các phế quản do các dị nguyên gây ra.
- Thuốc corticosteroid dạng uống: Thuốc có tác dụng ngắn và làm giảm nhanh cơn hen phế quản. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài.
- Thuốc kháng Leukotriene: Leucotrien là một chất gây viêm được hệ miễn dịch tạo ra. Nhóm thuốc này thường chỉ dùng cho hen nhẹ và dùng phối hợp với các loại thuốc khác, ít có tác dụng phụ.
- Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn (SABAS): Có tác dụng giãn phế quản, được dùng để cắt cơn hen phế quản.
- Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABAS): Có tác dụng giống với nhóm thuốc SABAS nhưng thời gian tác dụng kéo dài hơn với mục đích kiểm soát cơn hen phế quản.
- Thuốc Omalizumab (Xolair): Được chỉ định trong các trường hợp hen dị ứng do giảm lượng ige tự do.
- Liệu pháp miễn dịch: Bệnh nhân được giải mẫn cảm với các dị nguyên gây bệnh.
- Thuốc Theophylline: Có tác dụng giãn phế quản và phế nang, hiện nay ít được dùng.
Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn
Để bệnh không tiến triển gây biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thực hiện:
- Cai thuốc lá: khuyến khích người bệnh ngừng hút thuốc và tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá.
- Tập luyện thể lực: khuyến khích người bệnh hen tích cực vận động nhằm cải thiện sức khỏe chung. Xử trí co thắt phế quản do gắng sức theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên: Thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta. Nếu mắc hội chứng mạch vành cấp, người bệnh cần cân nhắc dùng thuốc chẹn beta chọn lọc cho tim mạch nếu lợi nhiều hơn hại.
- Chế độ ăn phù hợp: Khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều rau và trái cây tươi, không dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.