Hở van 3 lá có thể là một bệnh lý tim bẩm sinh, hoặc xảy ra do các bệnh lý khác làm tổn thương van tim ba lá. Nếu tình trạng hở van nhẹ và không có triệu chứng không nhất thiết điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp van 3 lá bị hở nghiêm trọng, người bệnh cần được điều trị sớm phòng ngừa biến chứng.
Bệnh hở van ba lá gì?
Bệnh hở van ba lá, hay còn gọi là hở van tim ba lá, là khi van giữa hai buồng tim phải (tâm thất phải và tâm nhĩ phải) không đóng lại đúng cách. Kết quả là máu bị rò rỉ ngược vào buồng trên bên phải (tâm nhĩ phải).
Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van mở ra khi tâm nhĩ co lại để bơm máu vào tâm thất, đóng lại khi tâm thất co lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.
Trường hợp van ba lá bị hở, tức là van không đóng chặt lại được, làm cho máu chảy ngược về tâm nhĩ. Khi có một lượng máu chảy ngược trở lại, tâm nhĩ phải hoạt động nhiều hơn và trở nên to ra.
Nguyên nhân gây bệnh hở van ba lá
Có ba nguyên nhân chính của hở van ba lá:
- Hẹp tâm thất phải: Là nguyên nhân phổ biến của bệnh hở van 3 lá. Tâm thất phải thực hiện nghiệm vụ bơm máu từ tim đến phổi. Khi tâm thất phải hẹp buộc phải làm việc quá sức làm tâm thất phải giãn ra, phì đại lâu ngày dẫn đến hở van 3 lá.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng nội tâm mạc có thể làm tổn thương trực tiếp van ba lá , cuối cùng dẫn đến hở van 3 lá.
- Dùng thuốc giảm cân: Thuốc giảm cân có chứa phentermine và fenfluramine có thể dẫn đến hở van 3 lá.
- Các nguyên nhân khác bao gồm: Chấn thương lồng ngực, lupus ban đỏ, Ebstein bẩm sinh, viêm khớp dạng thấp…
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh hở van tim ba lá bao gồm:
- Dị tật tim bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật Ebstein.
- Một cơn đau tim.
- Suy tim.
- Cao huyết áp.
- Tăng áp động mạch phổi.
- Nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như sốt thấp khớp và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Bức xạ vùng ngực.
- Sử dụng một số chất kích thích và thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson và chứng đau nửa đầu.
- Cơ tim suy yếu (bệnh cơ tim).

Triệu chứng bệnh hở van ba lá
Hở van ba lá thường không có triệu chứng đặc hiệu, tuy nhiên một số triệu chứng dưới đây bệnh nhân cần lưu ý:
- Sưng bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân, phù ngoại vi, có thể phù tím ở đầu chi.
- Mệt mỏi, tức nặng ngực kéo dài.
- Đau tức vùng gan, chướng bụng, chán ăn.
- Dấu hiệu tĩnh mạch cổ nổi.
- Hồi hộp trống ngực, tim đập loạn nhịp, không đều.
Hở van tim ba lá có nguy hiểm hay không?
Hở van tim 3 lá có thể xảy ra theo những mức độ khác nhau. Cụ thể là:
- Hở van tim 3 lá 1/4: Đây là mức độ hở nhẹ nhất và có thể gặp ở những đối tượng bệnh nhân có thể trạng sức khỏe tốt, thông thường là tình trạng hở van sinh lý.
- Hở van 3 lá 2/4: Mức độ hở trung bình và người bệnh cần được điều trị ngay sau khi có những triệu chứng bất thường để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Hở van 3 lá 3/4 và 4/4: Đây là những trường hợp bệnh nặng và có nguy cơ cao gây biến chứng, nhất là tình trang suy tim.
Biến chứng hở van ba lá
Các biến chứng tiềm ẩn của hở van ba lá có thể bao gồm:
- Rung nhĩ: Một số người bị hở van ba lá nặng cũng có thể bị rung nhĩ, một chứng rối loạn nhịp tim phổ biến.
- Suy tim: Hở van ba lá nặng có thể làm tăng áp lực trong buồng dưới bên phải (tâm thất). Tâm thất phải có thể mở rộng và suy yếu theo thời gian, dẫn đến suy tim.
Chẩn đoán hở van ba lá
Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bác sĩ có thể chẩn đoán hở van 3 lá bằng một số kỹ thuật tiên tiến như:
- Siêu âm tim: Là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán hở van ba lá. Siêu âm tim có thể xác định được tình trạng rò rỉ máu qua van ba lá.
- Siêu âm tim qua thực quản: Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tim và van tim, bằng cách đưa thiết bị siêu âm vào thực quản, ngay bên cạnh tim.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Để đo các xung điện của tim nhằm chẩn đoán các rối loạn nhịp tim.
- Chụp X – quang ngực: Giúp xác định tình trạng tim bị giãn rộng hoặc có dịch trong phổi.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): Được sử dụng để đánh giá kích thước và chức năng của tâm thất phải nhằm chẩn đoán xác định tình trạng hở van ba lá.
Biện pháp điều trị bệnh hở van ba lá
Việc ap dụng phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ hở.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc đặc trị mà bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân hở van 3 lá là:
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc chống loạn nhịp tim.
- Thuốc trợ tim.
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
- Thuốc chống đông máu.
Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác để điều trị hở van ba lá bao gồm:
Sửa van tim
Bác sĩ sẽ tiến hành sửa van tim bằng cách sửa các lá van, khâu nhỏ vòng van lại để chúng có thể đóng kín, ngăn máu chảy ngược trở lại.
Thay van ba lá
Nếu van ba lá không thể sửa chữa được, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học hoặc van làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người (van mô sinh học).

Phòng ngừa hở van ba lá
Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh để hở van 3 lá 1/4 không tiến triển nặng lên. Các biện pháp bao gồm:
- Bỏ thuốc lá, các chất kích thích như rượu bia, cà phê,…
- Tránh các căng thẳng stress.
- Mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 30 phút.
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol hay acid béo bão hòa như mỡ động vật, phủ tạng, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp.
- Ăn nhạt hơn bình thường.
- Tăng cường chất xơ và vitamin có trong rau củ quả, ngũ cốc, đạm thực vật.
- Ngăn ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bằng cách điều trị triệt để các tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp, viêm họng, viêm răng lợi,..
Hở van ba lá hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm. Do đó, mỗi người nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đi khám định kỳ. Việc làm này càng cần thiết hơn với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ giúp phát hiện bệnh sớm và can thiệp hiệu quả.
Leave a reply