Ở phụ nữ mang thai có khoảng 3-4% bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cả cho mẹ và em bé nếu không được điều trị kịp thời.
Rối loạn chức năng tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hóc môn giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hóc môn tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.
Rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bao gồm:
- Suy năng tuyến giáp: Là tình trạng do tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone giáp. Suy năng tuyến giáp có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, tuyến yên hay vùng hạ đồi.
- Cường năng tuyến giáp: Là tình trạng sản sinh ra quá nhiều hormone giáp, hội chứng này ít gặp hơn suy năng tuyến giáp.
- Bướu giáp: Không phải là một bệnh lý cụ thể. Bướu giáp có thể liên quan đến hội chứng suy năng tuyến giáp, cường năng tuyến giáp hoặc thậm chí chức năng tuyến giáp bất thường.
- Hạt giáp: Là những u hoặc khối bất thường nằm bên trong tuyến giáp. Hạt giáp có thể do nang giáp, bướu giáp lành tính hoặc ung thư tuyến giáp gây ra.
- Ung thư tuyến giáp: Thường gặp ở những phụ nữ trưởng thành hơn là nam giới hoặc người trẻ. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào đặc hiệu bên trong tuyến giáp. Đa số những trường hợp ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt và tỷ lệ sống sót cao, đặc biệt là những bệnh nhân khi được chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu.
Trong quá trình mang thai, tuyến giáp tăng sự quy nạp iodine để bảo đảm mức độ bình thường của sản xuất hormone tuyến giáp. Vì vậy, nếu chế độ ăn hằng ngày của những phụ nữ mang thai thiếu iot thì tuyến giáp có thể to lên. Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai chủ yếu là suy năng tuyến giáp.
Nguyên nhân gây bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai chủ yếu là do viêm tuyến giáp mạn tính có tính chất tự miễn hay còn gọi là bệnh Hashimoto. Có những trường hợp có thể mắc bệnh Hashimoto từ trước khi có thai hoặc ở lần mang thai đầu tiên.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp khác bao gồm:
- Do bà mẹ đã bị cắt tuyến giáp.
- Điều trị iodine phóng xạ.
- Do bệnh nhân đang điều trị Basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp liều quá cao.
- Bướu giáp độc đa nhân.
- Hạt giáp tăng tiết quá nhiều hormone giáp trạng.
- Tiêu thụ lượng iốt quá mức.
Những phụ nữ mang thai có tiền sử gia đình có nhiều người bị bệnh tuyến giáp, những người đã bị viêm tuyến giáp, có bướu cổ to hoặc suy giáp trong lần có thai trước, và cả những sản phụ sống trong những vùng bị thiếu iot cần được theo dõi và thăm dò.

Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai
Cường giáp
Các triệu chứng của cường giáp có thể giống với các triệu chứng của thai kỳ bình thường, như sau:
- Nhạy cảm với nhiệt.
- Tăng huyết áp.
- Luôn có cảm giác mệt mỏi.
- Rối loạn nhịp tim.
- Luôn có cảm giác lo lắng, bồn chồn.
- Buồn nôn, nôn nhiều.
- Đau sung ở cổ.
- Mắt mờ, khó ngủ.
- Giảm cân hoặc tăng cân bất thường…
Các triệu chứng của cường giáp có thể giống với các bệnh khác. Do đó,mẹ bầu hãy đến bác sĩ chuyên khoa khám để biết được nguyên nhân chính xác nhất.
Suy giáp
Các triệu chứng của suy giáp có thể hơi nhầm lẫn với các triệu chứng của thai kỳ bình thường, bao gồm:
- Cảm giác dễ mệt mỏi.
- Táo bón.
- Suy giảm trí nhớ.
- Nhạy cảm với nhiệt độ thấp, chịu lạnh kém.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Đau hoặc khó chịu ở bụng…
Ảnh hưởng của bệnh cường giáp đến thai nhi và sản phụ
Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh do nồng độ hormone tuyến giáp tăng. Bệnh cường giáp gây ra các biến chứng về tim mạch, tăng chuyển quá hóa mức,… Phụ nữ mang thai mắc bệnh cường giáp làm tăng nguy cơ bất thường thai nhi.
Một số dấu hiệu nhận biết phụ nữ có thai mắc bệnh cường giáp gồm: Tim đập nhanh hơn và không đều, không chịu được nhiệt độ nóng và lạnh, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, run tay, tăng hoặc giảm cân bất thường. Khi bị bệnh cường giáp, sản phụ và phải đối mặt với những nguy cơ như:
- Tiền sản giật: Tình trạng tăng huyết áp ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan và thận, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc sau sinh, có thể gây suy tim hoặc các vấn đề nguy hiểm trong thai kỳ.
- Nhau bong non: Tình trạng nghiêm trọng khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh.
- Suy tim: Suy giáp ảnh hưởng đến chức năng tim khiến tim không bơm đủ máu cho cơ thể dẫn đến suy tim.
- Bão tuyến giáp: Tình trạng hiếm gặp có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ hoặc gây nguy cơ cao bị suy tim.
Sản phụ mắc bệnh cường giáp khiến thai nhi mắc các nguy cơ như: Sinh non, nhẹ cân, sảy thai, bướu cổ, phù thai dẫn đến thai lưu. Trẻ sinh ra có thể bị: Rối loạn chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh – vận động của trẻ về sau.
Ảnh hưởng của bệnh suy giáp đến thai nhi và sản phụ
Đối ngược với cường giáp, suy giáp là nhóm bệnh do nồng độ hormone tuyến giáp giảm, không đủ phục vụ các hoạt động của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh suy giáp ở phụ nữ mang thai bao gồm: Mệt mỏi thường xuyên, không chịu được nhiệt độ lạnh, chuột rút cơ, bị táo bón nặng, giảm trí nhớ và mất tập trung,…
Phụ nữ mang thai nếu bị mắc bệnh suy giáp sẽ có các nguy cơ như:
- Thiếu máu: Suy giáp khiến cơ thể bị thiếu một số hormone phục vụ cho việc trao đổi chất sản sinh ra hồng cầu dẫn đến thiếu máu.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Bệnh cao huyết áp do suy giáp gây ra sẽ bắt đầu sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Tiền sản giật.
- Nhau bong non.
- Băng huyết sau sinh: Sản phụ sẽ bị chảy máu nhiều sau khi sinh, tình trạng này xảy ra trong vòng 1 ngày sau sinh có khi kéo dài đến 12 tuần.
- Myxedema: Đây là tình trạng bị suy giáp nặng không được điều trị gây ra hôn mê thậm chí tử vong.
Sản phụ mắc bệnh suy giáp khiến thai nhi có nguy cơ cao bị: Sảy thai, phù thai, nhẹ cân, thai chết lưu, suy tim sung huyết. Trẻ sinh ra có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, bị giảm chỉ số IQ hoặc gặp các bất thường về phát triển trí tuệ.
Yếu tố nguy cơ
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tuyến giáp và đã được chẩn đoán các bệnh tuyến giáp từ trước ví dụ như: suy giáp, cường giáp, basedow, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Sản phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần thai trước.
- Sản phụ có tiền sản sản khoa không tốt như sảy thai, lưu thai, sinh non, sinh con dị tật bẩm sinh…
- Phụ nữ mắc tiểu đường type 1.
- Phụ nữ mắc các bệnh tự nhiễm như lupus, viêm khớp dạng thấp…
- Phụ nữ đang điều trị suy giáp.
- Phụ nữ có tiền sử đã phẫu thuật cắt tuyến giáp, điều trị phóng xạ cùng cổ, đầu…
Những phụ nữ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám ở các khoa nội tiết ngay khi biết có thai để thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm máu (hormon FT4 , TSH), nếu nghi ngờ cần siêu âm tuyến giáp và các xét nghiệm đặc biệt.

Phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ mang thai
Nếu đang mang thai với bệnh tuyến giáp, dù có tiền sử cường giáp hay suy giáp trước đó hay không mẹ bầu nên đến gặp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực sinh sản. Việc trao đổi với chuyên gia, bác sĩ là rất quan trọng để được theo dõi trước trong thời kỳ mang thai và được điều trị kịp thời nếu cần thiết, Đặc biệt là trong ba tháng đầu.
Một số biện pháp phòng tránh suy năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai bao gồm:
- Trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng muối iot thay cho muối thường.
- Phụ nữ mang thai cần lựa chọn những thực phẩm giàu iot như các loại cá biển, trứng, sữa, rau có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng…
- Trước khi cho muối vào canh cần để nguội để tránh bay hơi, vì iot rất dễ bay hơi khi gặp nhiệt độ cao.
- Từ tuổi vị thành niên, nếu phát hiện bướu cổ phải điều trị sớm dù là bướu cổ đơn thuần.
- Các bà mẹ ở trong 3 tháng đầu thai kỳ và cả những phụ nữ muốn có thai cần được sàng lọc. Đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ suy giáp.
- Phụ nữ bị bệnh tuyến giáp nếu muốn có thai tốt nhất là điều trị ổn định bệnh cho đến khi khỏi hẳn. Trong khi đang điều trị bệnh, nếu có thai ngoài ý muốn mà muốn giữ thai cần đến ngay cơ sở y tế khám chuyên khoa nội tiết để được tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kỳ mang thai rất nguy hiểm với cả sức khỏe của mẹ và sự phát triển của trẻ. Các bà mẹ khi mang thai bị bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị và theo dõi suốt trong thời kỳ mang thai nhằm đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Sàng lọc phát hiện sớm rối loạn tuyến giáp và điều trị kịp thời rất quan trọng với phụ nữ mang thai, nhất là các đối tượng nguy cơ cao.
Leave a reply