Suy nhược cơ bắp là tình trạng mất khối lượng cơ do các cơ yếu đi và co lại. Có một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này, bao gồm bệnh như bệnh xơ cứng teo cơ một bên.
Bệnh nhược cơ là gì?
Nhược cơ hay yếu cơ (Myasthenia Gravis) là bệnh lý tự miễn của những điểm nối thần kinh – cơ ở người bệnh, đặc trưng bởi yếu cơ có tính chất dao động theo thời điểm trong ngày, buổi sáng khỏe hơn buổi chiều hoặc yếu tăng khi người bệnh hoạt động quá sức và giảm khi nghỉ ngơi. Biểu hiện yếu cơ thường gặp ở cơ mắt (sụp mi), cơ vận nhãn, cơ vùng cổ vai, hông, hoặc cơ hô hấp (thở mệt).
Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại quá trình gắn thụ thể Acetylcholine (AChR) ở màng sau Synap. Điều này làm giảm khả năng dẫn truyền thần kinh qua khe synap, biểu hiện bằng mỏi cơ, yếu cơ hoặc liệt vận động.
Các giai đoạn tiến triển của nhược cơ
Về quá trình tiến triển, bệnh nhược cơ được chia lần lượt thành các giai đoạn cơ bản như sau:
- Xuất hiện 1 nhóm cơ bị ảnh hưởng, trong đó, đa phần là các cơ vận nhãn.
- Tình trạng nhược cơ ảnh hưởng tới toàn các nhóm cơ toàn thân. Trừ cơ hầu họng và cơ hô hấp là không bị ảnh hưởng.
- Nhóm cơ hầu họng bắt đầu bị ảnh hưởng cùng nhóm cơ toàn thân. Cơ hô hấp vẫn chưa bị tác động.
- Tất cả các nhóm cơ đều bị ảnh hưởng bởi bệnh lý. Bao gồm cả cơ hô hấp với các dấu hiệu rối loạn về hô hấp và hầu họng rõ ràng hơn.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra yếu cơ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bệnh tự miễn và phì đại tuyến ức có liên quan đến việc hình thành bệnh này. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có khả năng gây nên bệnh yếu cơ.
Một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nhược cơ bao gồm
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc nhược cơ bao gồm:
- Có u tuyến ức.
- Bị bệnh truyền nhiễm.
- Đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp cao.
- Có ba hoặc mẹ bị nhược cơ.

Triệu chứng của nhược cơ
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhược cơ mà bạn thường gặp bao gồm:
- Khó thở: do cơ thành ngực bị suy yếu.
- Nhai hoặc nuốt khó khăn.
- Chảy nước dãi.
- Gặp khó khăn trong di chuyển, cử động hoặc khi nói.
- Mệt mỏi.
- Khàn tiếng hoặc giọng nói bị thay đổi.
- Bị chứng song thị (nhìn thấy 2 ảnh của cùng 1 vật).
- Sụp mí mắt.
Biến chứng nhược cơ
Một trong những biến chứng tiềm ẩn nguy hiểm nhất của bệnh nhược cơ là khủng hoảng nhược cơ. Điều này bao gồm yếu cơ đe dọa tính mạng có thể bao gồm các vấn đề về hô hấp.
Những người mắc bệnh nhược cơ có nguy cơ mắc các rối loạn tự miễn khác cao hơn như bệnh lý lupus và viêm khớp dạng thấp.
Chẩn đoán bệnh nhược cơ
- Bệnh nhược cơ được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm.
- Thử nghiệm Prostigmin: Tiêm thuốc kháng men Cholinesterase để cho các phân tử Ach chậm bị phá huỷ, nhờ đó các cơ hoạt động được. Thử nghiệm dương tính khi các triệu chứng nhược cơ giảm đi rõ rệt.
- Ghi điện cơ: Thấy điện thế hoạt động của cơ đáp ứng giảm dần đối với kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại.
- Chụp XQ thường và có bơm khí trung thất: Xác định được hình ảnh tuyến ức và u tuyến ức.
- Chụp CT và MRI: Xác định được hình thái, tính chất tổn thương của tuyến ức cũng như mối tương quan giải phẫu với các cơ quan khác trong trung thất.
- Soi trung thất và sinh thiết: Xác định bản chất của tổn thương tuyến ức.
- Xét nghiệm tìm các tự kháng thể kháng Achr: Là xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán cũng như theo dõi và tiên lượng bệnh.
Phương pháp điều trị nhược cơ
Tùy nguyên nhân mà Bác sĩ có kế hoạch điều trị cho từng người bệnh nhược cơ riêng.
- Các loại thuốc được chỉ định để làm nhẹ triệu chứng, nhưng không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh.
- Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng khi nguyên nhân bệnh do tự miễn.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức: Phương pháp này thường được chỉ định cho người bệnh nhược cơ toàn thân dưới 80 tuổi, được thực hiện ở tất cả các người bệnh có u giáp kèm theo. Bằng cách này sẽ ngăn chặn bệnh nhược cơ tiến triển.
- Lọc máu: Được chỉ định trong các trường hợp nhược cơ nặng như nhược cơ toàn thân, cơ hô hấp. phương pháp này nhằm loại bỏ tự kháng thể trong máu người bệnh.
Khi có hiện tượng nghi ngờ nhược cơ, người bệnh không nên tự ý điều trị, mà cần đi khám để Bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị.

Các biện pháp phòng ngừa nhược cơ
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh nhược cơ. Việc điều trị có mục đích chính là làm thuyên giảm và điều trị các triệu chứng của bệnh lý. Trong đó, theo khuyến cáo của chuyên gia, người bị nhược cơ hoặc có nguy cơ cao bị nhược cơ nên lưu ý tới những vấn đề sau:
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, có chứa nhiều kali giúp hỗ trợ hoạt động cơ tốt nhất như chuối, đu đủ,…
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Tuy nhiên, cần lựa chọn các bài tập, môn thể thao phù hợp với thể trạng.
- Cố gắng cân bằng giữa thời gian nghỉ và các hoạt động để ngăn ngừa yếu cơ.
- Xây dựng một lối sống lành mạnh và tích cực như ngủ đúng giờ, đủ giấc, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích,…
- Tiến hành thăm khám sức khỏe ngay khi nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng bất thường của bệnh lý.
- Với người bệnh, cần phòng ngừa các bệnh về nhiễm trùng.
- Người bệnh nên hạn chế tình trạng căng thẳng, stress kéo dài.
- Không tự ý ngưng dùng thuốc hoặc sử dụng thêm các loại thuốc khác khi chưa có sự chỉ định hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Khi đã mắc bệnh nhược cơ, người bệnh sẽ phải học cách sống chung với bệnh. Để cải thiện triệu chứng bệnh, ngoài các phương pháp điều trị, bạn cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp và chủ động thăm khám theo lịch hẹn. Nếu phương pháp điều trị không làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng.