Bệnh quai bị là bệnh do virus trong tuyến nước bọt gây ra và rất dễ lây nhiễm. Nếu không tiêm vắc-xin ngừa quai bị thì bệnh có thể lây lan qua đường tiếp xúc với dịch tiết từ mũi hoặc nước bọt của người bệnh khi họ hắt hơi hay ho.
Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?
Quai bị là một loại bệnh gây ra bởi virus, gây sưng đau ở tuyến nước bọt, còn gọi là tuyến mang tai. Bệnh thường lây qua đường tiếp xúc thông thường khi trong không khí có virus gây bệnh.
Virus gây bệnh quai bị có thể lây nhiễm vào nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là ở tuyến nước bọt mang tai. Những tuyến này nằm ở 2 bên trước tai và dưới gò má, tức là vùng nằm giữa tai và hàm. Khi trẻ bị quai bị, tuyến nước bọt sẽ sưng và rất đau.
Quai bị là một bệnh phổ biến trên toàn thế giới cho đến khi vắc xin quai bị được tìm ra vào năm 1967. Người từng mắc bệnh này hiếm khi nào mắc lại lần hai vì sau lần mắc đầu tiên, cơ thể sẽ tạo kháng thể bảo vệ suốt đời. Có nhiều dạng nhiễm trùng khác gây sưng tuyến nước bọt nên nhiều cha mẹ hay lầm tưởng rằng bé bị mắc quai bị lần nữa.
Nguyên nhân gây bệnh quai bị ở trẻ
Hiện tượng quai bị lây lan khi trẻ tiếp xúc với các chất dịch từ miệng, mũi và họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Hơn nữa, virus này có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể: khoảng 30 – 60 ngày trong môi trường có nhiệt độ 15 – 20 độ C và khoảng 1-2 năm ở những nơi nhiệt độ -25 tới -70 độ C. Do đó, chúng vẫn có thể sống trên các bề mặt như tay nắm cửa, dụng cụ ăn uống, đồ chơi, ly uống nước, đồ dùng cá nhân của bệnh nhân.
Thời điểm virus quai bị dễ lây lan cho người khác nhất là khoảng 1-2 ngày trước khi tuyến nước bọt sưng, đau và kéo dài đến tận 6 ngày sau khi trẻ đã hết bệnh. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cách ly trẻ và bắt đầu thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng. Ngược lại, bố mẹ cũng nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người có nguy cơ mắc bệnh quai bị cao.
Triệu chứng của bệnh quai bị
Trẻ có thể xuất hiện khởi bệnh trong 1-2 ngày với triệu chứng sốt nhẹ. Mệt mỏi, khó chịu. Sau đó trẻ bước vào thời kỳ toàn phát với triệu chứng:
- Mệt mỏi.
- Đau cơ, đau hàm.
- Đau đầu.
- Ho, sổ mũi.
- Biếng ăn.
- Sốt cao 38-40 độC trong 3 đến 4 ngày.
- Nhức tai, cảm giác sợ gió và hơi ớn lạnh.
- Bị chảy nước bọt, sưng dần tuyến nước bọt mang tai. Sau đó sưng má (một bên hoặc cả hai bên), đau khi nuốt nước bọt.

Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi
- Hắt hơi hoặc ho.
- Sử dụng cùng dao kéo và đĩa với một người bị nhiễm bệnh.
- Chia sẻ đồ ăn thức uống với người bị nhiễm bệnh.
- Hôn nhau.
- Một người bị nhiễm bệnh chạm vào mũi hoặc miệng của họ và sau đó truyền nó lên một bề mặt mà người khác có thể chạm vào như uống chung ly nước…
Bệnh đã bắt đầu lây cho người tiếp xúc một tuần trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sưng tuyến mang tai và có thể tiếp tục lây nhiễm 2 tuần sau đó, thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị
Trẻ em mắc bệnh quai bị ít gặp biến chứng nguy hiểm hơn so với người lớn, song có thể ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành.
Các biến chứng thường thấy của bệnh quai bị bao gồm:
- Viêm não: Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não (gây ra các vấn đề phối hợp vận động). Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp hơn ở người lớn hơn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
- Viêm tinh hoàn ở bé trai: Cũng như người lớn, trẻ em cũng dễ bị biến chứng viêm tinh hoàn như người lớn. Tỷ lệ thường gặp là 10 bé trai mắc quai bị sẽ có 4 bé bị biến chứng viêm tinh hoàn. Do đó khi thấy trẻ bệnh quai bị có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, đặc biệt là triệu chứng đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể 1 hay 2 bên. Đây là biến chứng cần được điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh trong tương lai.
- Viêm buồng trứng ở bé gái: Đối với bé gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ có biểu hiện như đau bụng nhiều, lúc này bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được siêu âm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
- Viêm màng não do virus: Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhất. Nó xảy ra khi virus lây lan qua dòng máu và lây nhiễm vào hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể (não và tủy sống). Đây là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp, điều này xảy ra ở 1 trên 20 trường hợp và thường ở dạng nhẹ.
- Nếu một phụ nữ mang thai bị quai bị trong 12-16 tuần đầu của thai kỳ, thai phụ sẽ có nguy cơ sảy thai cao.
Ngoài ra, quai bị còn có thể gây ra các biến chứng khác hiếm gặp như:
- Viêm tụy: Đây là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp, điều này xảy ra ở 1 trên 20 trường hợp và thường ở dạng nhẹ.
- Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm đường hô hấp thường ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra đặc biệt đối với những người có phương pháp điều trị sai lầm.

Chăm sóc trẻ mắc quai bị
Bên cạnh việc dùng thuốc, các mẹ nên có chế độ chăm sóc trẻ quai bị phù hợp:
- Cho bé uống nhiều nước, tuy nhiên nên tránh nước hoa quả vì chúng kích thích tiết nước bọt, có thể gây đau.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, ưu tiên các loại thức ăn mềm và lỏng như cháo, súp,… vì nhai có thể gây đau. Bổ sung các loại rau xanh, đậu, dưa đỏ và xoài cho bé.
- Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, các thức ăn cay, nóng, vị tanh, thịt gà, gạo nếp, các thực phẩm chứa acid citric như chanh, cam, bưởi,…
- Mẹ có thể chườm mát để vùng tuyến nước bọt của bé bớt sưng, đau.
- Cho trẻ tắm nước ấm, đảm bảo luôn vệ sinh sạch sẽ.
- Cho bé sử dụng đồ dùng cá nhân riêng và tránh tiếp xúc với người khác gây lây lan bệnh.
- Để bé nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động chạy nhảy nhiều, nhất là trong các ngày bệnh đang diễn biến cấp tính. Đặc biệt trong trường hợp bé trai viêm tinh hoàn nên nghỉ ngơi hoàn toàn.
- Cho bé súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng hằng ngày.
- Trong trường hợp bé trai viêm tinh hoàn, mẹ nên cho bé mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau.
Phòng bệnh quai bị ở trẻ
Như các mẹ đã biết, quai bị là bệnh lý dễ gây các biến chứng nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hơn nữa còn dễ lây lan và bùng thành dịch. Do vậy, việc phòng ngừa quai bị cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Sau đây là một số biện pháp phòng bệnh quai bị ở trẻ em mà các mẹ nên lưu ý:
- Chủ động cho bé tiêm vacxin phòng quai bị từ sớm. Hiện nay vacxin phòng quai bị được phối hợp với vacxin phòng sởi và rubella trong chế phẩm MMR.
- Rèn cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc họng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác hằng ngày.
- Giữ môi trường luôn sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo vệ sinh các đồ dùng cá nhân và đồ chơi cho trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các bệnh nhân quai bị.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến các nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, chợ, siêu thị,…