Quáng gà gây hạn chế tầm nhìn của bạn, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể mà có cách điều trị phù hợp.
Bệnh quáng gà là gì?
Bệnh quáng gà còn được gọi với tên là chứng mù đêm. Đây là một loại suy giảm thị lực. Những người bị quáng gà có thị lực rất kém vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Khi mắt quáng gà, bạn có thể gặp khó khăn hơn khi nhìn hoặc lái xe trong bóng tối.
Nguyên nhân gây quáng gà
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng quáng gà:
- Các bệnh tại mắt: Cận thị, bệnh Glôcôm, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Usher (tình trạng suy giảm thính giác và thị giác do di truyền), …
- Các bệnh toàn thân: Đái tháo đường, bệnh Keratoconus,…
- Thuốc: Các thuốc tăng nhãn áp có thể là nguyên nhân của tình trạng đóng con ngươi và gây ra các triệu chứng quáng gà.
- Thiếu Vitamin A: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền xung thần kinh và chuyển thành hình ảnh trên võng mạc. Vì vậy, thiếu Vitamin A là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh quáng gà.

Triệu chứng của quáng gà
- Thị lực kém trong điều kiện thiếu sáng như đi lại vào ban đêm, khi nhà tối chưa bật đèn thì dễ vấp ngã,…
- Không điều chỉnh thị lực kịp thời khi chuyển từ chỗ sáng vào chỗ tối.
- Vùng nhìn thấy của mắt bị thu hẹp dần, xuất hiện triệu chứng ám điểm, nghĩa là trong thị trường của bệnh nhân có những vùng nhỏ không nhìn thấy. Nếu ám điểm càng ngày càng lan rộng thì chứng tỏ tình trạng bệnh đang diễn tiến nặng lên.
- Khi bác sĩ soi đáy mắt có thể phát hiện thấy động mạch võng mạc bị thu nhỏ, đám sắc tố hình tế bào xương ở võng mạc ngoại biên, đĩa thị giác bạc màu, hoặc có thể thấy phù hoàng điểm dạng nang.
Chẩn đoán bệnh quáng gà
- Bác sĩ tiến hành kiểm tra thực thể, thu thập một số thông tin về bệnh sử, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Dựa trên những thông tin đó để chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp hỗ trợ cho quá trình xác định bệnh.
- Khám điện võng mạc: Giúp đánh giá xem võng mạc đã bị thoái hóa chưa và thoái hóa ở mức độ nào, bao gồm kiểm tra thương tổn của tế bào võng mạc, độ nghiêm trọng, tính chất di truyền,… Đây được coi là một trong những xét nghiệm quan trọng đối với việc chẩn đoán bệnh quáng gà.
- Khám thị trường: Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc quáng gà thì cần tiến hành ngay xét nghiệm này.
- Một số xét nghiệm cần thiết khác: Kiểm tra bảng chuyển hóa cơ bản, xét nghiệm máu.
Các phương pháp điều trị quáng gà
Bác sĩ nhãn khoa có thể hỏi bệnh sử và khám mắt để chẩn đoán quáng gà. Đôi khi xét nghiệm máu sẽ được chỉ định để đo nồng độ vitamin A và đường trong máu. Quáng gà do cận thị, thiếu vitamin A và đục thuỷ tinh thể có thể chữa được.
- Đối với quáng gà do cận thị thì đeo kính có thể điều chỉnh thị lực cả ban ngày và ban đêm. Báo ngay với bác sỹ nếu vẫn bị quáng gà sau khi chỉnh kính.
- Đối với quáng gà do đục thủy tinh thể: Phẫu thuật thay thế thủy tinh thể cải thiện đáng kể thị lực cũng như điều trị triệu chứng quáng gà ở bệnh nhân đục thủy tinh thể.
- Đối với quáng gà do thiếu vitamin A: Nếu nồng độ vitamin A trong máu thấp, bác sĩ có thể kê đơn viên bổ sung vitamin A. hãy uống đúng theo chỉ định của bác sĩ vì nếu uống quá liều gây dư vitamin A sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường.

Phòng ngừa bệnh quáng gà
Đề phòng các bệnh lý chuyển hóa có khả năng dẫn đến quáng gà như bệnh lý về tụy, bệnh đái tháo đường, cũng như các bệnh lý khác về đường tiêu hóa, hô hấp.
- Không thể phòng tránh các trường hợp quáng gà do khiếm khuyết bẩm sinh hoặc bệnh lý di truyền như hội chứng Usher. Tuy nhiên, có thể kiểm soát đường huyết hoặc ăn uống đủ chất dinh dưỡng để giảm nguy cơ quáng gà.
- Ăn thức ăn có nhiều các vitamin và khoáng chất chống oxy hoá, có thể phòng bệnh đục thuỷ tinh thể. Ăn các thực phẩm giàu vitamin A để làm giảm nguy cơ mắc bệnh quáng gà như: dưa gang, khoai lang, cà rốt, các loại bí đỏ, xoài. Vitamin A còn có trong rau mâm xôi (rau spinach), cải rổ (collard green), sữa và trứng.
- Tập thể dục điều độ giúp làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh về mắt. Cụ thể là làm giảm nhãn áp và mức đường huyết.
- Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính râm. Tia UV làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp.
Quáng gà xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau hầu như đều bắt nguồn từ cuộc sống. Quáng gà gây không ít phiền toái trong sinh hoạt và ảnh hưởng sức khỏe mắt. Điều chỉnh lại lối sống khoa học là biện pháp khắc phục tình trạng bệnh tốt. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ quáng gà bằng việc rèn luyện thể chất và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho mắt bảo vệ mắt luôn mạnh khỏe.