Sa bàng quang lúc mới khởi phát thường khiến cho người bệnh cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và khó chịu, chán nản. Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị đúng sẽ gây ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu và làm giảm chức năng hoạt động của thận, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, giảm khả năng thụ thai và biến chứng các loại bệnh khác đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Sa bàng quang là bệnh gì?
Sa bàng quang xảy ra khi các mô hỗ trợ giữa thành bàng quang và âm đạo bị suy yếu và giãn dài ra, khiến bàng quang di chuyển xuống nằm ở trong âm đạo.
Các cơ nâng đỡ cơ quan trong khung chậu bị căng giãn quá mức có thể dẫn đến bàng quang bị sa xuống. Các trường hợp thường gặp là sa bàng quang sau sinh nở hoặc táo bón mạn tính, ho dữ dội, nâng vật nặng quá sức. Tình trạng này cũng có xu hướng xảy ra sau khi mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm sút.
Đối với trường hợp sa bàng quang nhẹ hoặc vừa, điều trị không phẫu thuật thường mang lại hiệu quả tích cực. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần phẫu thuật để giữ cho âm đạo và các cơ quan khác trong vùng chậu ở đúng vị trí.
Sa bàng quang được phân chia thành 4 mức độ dựa trên tình trạng bàng quang dịch chuyển xuống dưới âm đạo bao nhiêu:
- Độ 1 (nhẹ): Chỉ một phần nhỏ bàng quang sa xuống âm đạo.
- Độ 2 (vừa phải): Bàng quang sa xuống có thể chạm đến lỗ âm đạo.
- Độ 3 (nặng): Thấy dấu hiệu bàng quang nhô ra khỏi cơ thể thông qua lỗ âm đạo.
- Độ 4 (sa hoàn toàn): Toàn bộ bàng quang đưa ra ngoài hoàn toàn qua lỗ âm đạo, thường liên quan đến các hình thức sa tạng vùng chậu khác (như sa tử cung, sa trực tràng kiểu túi, thoát vị ruột non (enterocele).
Nguyên nhân gây sa bàng quang
Sàn chậu bao gồm các cơ, dây chằng và các mô liên kết giúp hỗ trợ bàng quang và các cơ quan vùng chậu khác. Các liên kết giữa cơ sàn chậu và dây chằng có thể suy yếu theo thời gian, do chấn thương sau khi sinh hoăc do cơ sàn chậu bị căng mạn tính. Khi đó, bàng quang có khả năng nằm ở vị trí thấp hơn bình thường và phồng lên trong âm đạo.
Các nguyên nhân sa bàng quang có thể gồm:
- Mang thai và sinh con tự nhiên: Phụ nữ sinh con tự nhiên theo đường âm đạo có nguy cơ bị sa bàng quang sau sinh cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Phụ nữ thừa cân hay béo phì dễ gặp tình trạng này hơn người có cân nặng bình thường.
- Nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
- Căng thẳng khi đi đại tiện.
- Ho mạn tính hoặc viêm phế quản.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sa bàng quang, chẳng hạn như:
- Lão hóa: Nguy cơ sa các tạng vùng chậu, trong đó có bàng quang cũng tăng lên theo tuổi tác. Đặc biệt ở phụ nữ khi mãn kinh, khả năng sản xuất hormone estrogen góp phần giữ cho cơ sàn chậu khỏe mạnh bị giảm xuống.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, sự hỗ trợ của cơ sàn chậu có thể bị suy yếu.
- Di truyền: Một số người có các cơ liên kết yếu bẩm sinh, khiến cho tình trạng bàng quang bị sa xuống dễ xảy ra.

Triệu chứng sa bàng quang
Các triệu chứng sa bàng quang thường hay nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, hầu hết khi mắc bệnh, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:
- Đau nhức, khó chịu tại vùng chậu.
- Rối loạn đường tiểu.
- Đáu ở thắt lưng.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Có bướu trong âm đạo.
Biện pháp điều trị bệnh sa bàng quang
Tùy theo mỗi mức độ nghiêm trọng của bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau. Đối với những trường hợp nhẹ thường sẽ không điều trị. Nhưng sẽ có những bài tập chăm sóc tại nhà để hỗ trợ cho việc tự khỏi bệnh. Đừng quên thăm khám bác sĩ thường xuyên để biết rằng liệu bệnh có đang thực sự phục hồi hay không?
Đối với những trường hợp nặng hơn, những triệu chứng và ảnh hưởng của nó xuất hiện nhiều và rõ hơn, thì cần phải được điều trị ngay. Khi mà các biện pháp chăm sóc tại nhà không đạt hiệu quả cao trong trường hợp này, ta có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Sử dụng vòng nâng pessary: Đây là một trong những dụng cụ có tác dụng hỗ trợ nâng đỡ bàng quang.
- Sử dụng liệu pháp estrogen: Tồn tại dưới dạng kem bôi âm đạo, vòng đặt hoặc thuốc đặt, estrogen có tác dụng làm cho các mô cơ vùng chậu thêm săn chắc và khỏe khoắn hơn.

Biện pháp nào giúp phòng ngừa sa bàng quang
Để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này, hãy thử các biện pháp tự chăm sóc bản thân sau:
- Tập các bài tập Kegel thường xuyên: Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu, điều này thực sự quan trọng sau khi sinh con. Kegel được coi là bài tập chữa sa bàng quang, tiểu không tự chủ, sa âm đạo khá hiệu quả.
- Điều trị và ngăn ngừa táo bón: Chế độ ăn với nhiều thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp bạn không bị táo bón.
- Tránh nâng vật nặng, nếu nâng thì tư thế phải đúng. Khi nâng, bạn nên sử dụng sức mạnh ở chân thay vì dùng eo hay lưng.
- Kiểm soát tình trạng ho: Bạn nên điều trị ho mạn tính, viêm phế quản và từ bỏ hút thuốc lá.
- Tránh tăng cân quá mức: Hãy trao đổi với bác sĩ về mức cân nặng lý tưởng mà bạn nên duy trì, đồng thời lên kế hoạch giảm cân phù hợp (nếu cần).