Bệnh sa trực tràng là bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nhiều phiền toái cho cuộc sống thường ngày của bệnh nhân.
Sa trực tràng là gì?
Sa trực tràng là tình trạng một phần của trực tràng bị sa xuống hoặc trượt ra khỏi hậu môn. Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già và là nơi lưu trữ phân trước khi thải ra ngoài.
Có ba loại sa trực tràng:
- Sa bên ngoài: Độ dày toàn bộ của thành trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn. Đây là loại sa trực tràng phổ biến nhất.
- Sa niêm mạc: Một phần của niêm mạc trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn.
- Sa bên trong: Trực tràng đã bắt đầu sa xuống nhưng vẫn chưa sa ra ngoài hậu môn.
Sa trực tràng có xu hướng trở nên dễ nhận thấy dần theo thời gian. Việc điều trị sa trực tràng sẽ phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, sức khỏe chung và nguyên nhân, mức độ sa, kết quả cận lâm sàng.
Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng
Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến sa trực tràng, có thể phần lớn là do các yếu tố bao gồm:
- Mang thai.
- Tiền sử tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính.
- Tuổi già làm suy yếu cơ và dây chằng ở vùng trực tràng.
- Chấn thương trước đó ở vùng hậu môn hoặc hông.
- Tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến khả năng thắt chặt và nới lỏng của cơ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em bao gồm:
- Bệnh xơ nang.
- Đã từng phẫu thuật hậu môn lúc sơ sinh.
- Suy dinh dưỡng.
- Dị tật hoặc các vấn đề phát triển thể chất.
- Rặn khi đi tiêu.
- Nhiễm trùng.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người lớn bao gồm:
- Rặn khi đi tiêu do táo bón.
- Tổn hại mô do phẫu thuật hoặc sinh đẻ.
- Yếu cơ sàn chậu xảy ra tự nhiên theo độ tuổi.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Triệu chứng của bệnh sa trực tràng
Dấu hiệu và triệu chứng của sa trực tràng bao gồm:
- Tiền sử sa trực tràng.
- Đi tiêu không thể kiểm soát nhiều mức độ, có thể chỉ có tiết dịch nhầy.
- Táo bón cũng được mô tả như buốt mót (cảm giác đi tiêu không hết phân) và tắc nghẽn đại tiện.
- Cảm giác bị sà xuống.
- Chảy máu trực tràng.
- Tiêu chảy và thói quen tiêu thất thường.
Sa trực tràng có nguy hiểm không?
Bệnh sa trực tràng tuy không quá nguy hiểm nhưng người bệnh cũng không được chủ quan vì nếu để lâu, bệnh có thể gây nhiều biến chứng gây hại đối với người bệnh.
- Chảy máu hậu môn: Đây là biến chứng rất thường gặp khi bệnh nhân đi đại tiện. Cơ thể sẽ bị mất máu nghiêm trọng gây thiếu máu nếu không được chữa trị sớm.
- Thắt nghẹt: Trực tràng bị sa xuống có thể gây tắc nghẽn ống hậu môn, khiến cho việc đi đại tiện bị cản trở.
- Viêm loét trực tràng: Khối trực tràng sa ra ngoài dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm loét.
- Vỡ trực tràng: Trực tràng bị sa xuống rất dễ bị tổn thương khi có tác động mạnh, thậm chí bị vỡ.
- Tắc ruột: Nếu ruột non cũng bị sa xuống cùng với trực tràng thì sẽ gây nên tình trạng tắc ruột rất nguy hiểm.
- Sa tử cung: Phụ nữ bị sa trực tràng lâu ngày dễ kéo theo sa tử cung, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh nở của họ.
Những biến chứng trên đây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh nên cần phải chữa trị ngay khi có các biểu hiện của bệnh sa trực tràng, đừng chủ quan xem nhẹ vì sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chẩn đoán bệnh sa trực tràng
Sa trực tràng được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng (bác sĩ hỏi bệnh và khám bằng mắt – tay). Bác sĩ có thể đề nghị bạn nằm khám ở tư thế thích hợp, bộc lộ được vùng trực tràng bị sa.
Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh như:
- Kiểm tra vận động dây thần kinh Pudendal.
- Nội soi đại tràng.
- Điện cơ hậu môn (EMG).
- Áp kế hậu môn.
- Siêu âm hậu môn.
- MRI.
Biện pháp điều trị bệnh sa trực tràng
Sa trực tràng có thể được điều trị bằng một trong các phương pháp sau:
Điều trị bằng thuốc
Nếu tình trạng sa trực tràng nhẹ, người bệnh có thể điều trị bằng các loại thuốc làm mềm phân và bổ sung chất xơ theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc điều trị sa trực tràng sẽ làm mềm phân để giúp người bệnh đại tiện dễ dàng hơn.
Điều trị Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu hỗ trợ trước và sau mổ sa trực tràng là nét riêng của Đơn vị Hậu môn trực tràng tại Bệnh viện Tâm Anh. Vật lý trị liệu nhằm làm săn chắc lại cơ hậu môn, cơ sàn chậu và phục hồi các cung phản xạ đại tiện. Người bệnh sẽ được kích điện trong lòng hậu môn phối hợp tập phản hồi sinh học, Kegel.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp điều trị sa trực tràng phổ biến nhất là phẫu thuật để đưa trực tràng trở lại vị trí cũ. Người bệnh được chỉ định làm loại phẫu thuật nào sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như sức khỏe tổng thể, tuổi tác và mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa trực tràng. Hiện có hai loại phẫu thuật phổ biến nhất thường được áp dụng cho người bệnh sa trực tràng bao gồm:
- Phẫu thuật bụng: Bác sĩ có thể phẫu thuật bằng phương pháp mổ truyền thống hoặc phẫu thuật nội soi treo trực tràng sa vào xương thiêng.
- Phẫu thuật tầng sinh môn: Phẫu thuật Altemeier: cắt đoạn trực tràng qua ngõ hậu môn – nối trực tràng và ống hậu môn. Phẫu thuật tầng sinh môn nhằm tác động đến lớp niêm mạc bên trong của trực tràng hoặc phần trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn để đưa chúng trở lại trạng thái ban đầu.
- Phẫu thuật Thiersch: Khâu và đăt quanh vòng ống hậu môn bằng 1 sợi silicon với mục đích làm chắc lại cơ vòng – thường áp dụng trong sa trực tràng do nhão cơ vòng.
- Chích tế bào gốc (Stem cell) vào cơ vòng nhão là hướng đi trong tương lai nhằm phục hồi lại cơ vòng nhão – là nguyên nhân sa trực tràng. Tế bào gốc là tế bào lấy từ tế bào trung mô của tủy xương – hay tế bào cuống rốn – khi tiêm vào cơ vòng sẽ biệt hóa thành tế bào cơ vân của cơ thắt hậu môn.

Biện pháp phòng ngừa sa trực tràng
Một số biện pháp giúp phòng ngừa bằng cách hạn chế các nguy cơ gây ra bệnh:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung rau xanh, trái cây tươi vào thực đơn hằng ngày.
- Hạn chế tối đa tình trạng táo bón hay tiêu chảy dài ngày vì chúng có nguy cơ gây bệnh rất cao.
- Tránh xa đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, đồ cay nóng và thay thế bằng những món luộc thanh đạm.
- Uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày, đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Khi đi vệ sịnh cần ngồi đúng tư thế, hạn chế rặn quá lâu.
Những biến chứng trên đây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh nên cần phải chữa trị ngay khi có các biểu hiện của bệnh sa trực tràng, đừng chủ quan xem nhẹ vì sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.