Bệnh Sarcoidosis là bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển của các tập hợp của các tế bào viêm (u hạt) ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể và phổ biến nhất là ở phổi, não, ở da… Nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng lên nhiều cơ quan khác, gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Bệnh sarcoidosis là bệnh gì?
Bệnh Sarcoidosis hay còn gọi là bệnh u hạt, chính là một tình trạng sự tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm nhiễm tại những bộ phận khác nhau của cơ thể con người, từ đó khiến cho các cơ quan bị viêm nhiễm, những cơ quan bị viêm nhất thường gặp nhất là ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
Là một dạng u hạt phổ biến nên cũng có thể được coi là khối u lành tính. Tuy nhiên, những khối u hạt này chỉ có thể thấy qua kính hiển vi. Về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia cho rằng bệnh xuất phát từ việc hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với một chất lạ, ví dụ như một dị vật từ không khí.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh u hạt hiện nay vẫn chưa được xác định. Khi mắc bệnh, các tế bào và mô bị viêm của bộ phận nào đó trong cơ thể bạn tập trung lại và lan rộng thành bướu nhỏ hoặc khối u. Những u này càng phát triển sẽ cản trở bộ phận đó thực hiện chức năng và gây viêm.
Yếu tố nguy cơ của bệnh sarcoidosis
Bất cứ ai cũng đều có thể phát triển bệnh sarcoidosis, tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tuổi và giới tính: Bệnh sarcoidosis thường xuất hiện trong độ tuổi từ khoảng 20 đến 40. Phụ nữ thường có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người Mỹ da trắng. Ngoài ra, ở cơ địa người Mỹ gốc Phi, bệnh sarcoidosis có thể trầm trọng hơn, có nhiều nguy cơ tái phát, gây ra các triệu chứng tại phổi.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh sarcoidosis, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

Triệu chứng của bệnh sarcoidosis
Bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành, người từ 10-40 tuổi chiếm từ 70-90% số ca bệnh. Trong đó khoảng một nửa số bệnh nhân không có các triệu chứng lâm sang, bệnh được phát hiện một cách tình cờ bởi những bất thường trên phim chụp X-quang ngực khi đi khám sức khỏe. Các triệu chứng có thể gây ra bởi các cơ quan bị tổn thương bao gồm:
- Phổi: khó thở, thở khò khè, ho khan, tức ngực.
- Hạch bạch huyết: Hạch sưng to, mềm thường ở cổ và ngực, cằm, nách, bẹn.
- Mắt: Cảm giác bỏng rát, ngứa, chảy nước mắt, đỏ mắt, hạn chế tầm nhìn, giảm nhạy cảm về màu sắc, hiếm gặp có thể mù.
- Da: Tổn thương dạng u, loét, bạch biến thường gặp mũi mắt.
- Xương khớp: Đau xương khớp vùng bàn tay, bàn chân hoặc các khớp khác.
- Gan và lách: Sốt, mệt mỏi, ngứa, đau bụng.
- Tim: Khó thở, phù chân, khò khè, ho, đau ngực, loạn nhịp hoặc ngất.
- Tuyến nước bọt: Sưng tuyến nước bọt, khô miệng họng.
- Hệ thần kinh: Đau đầu, rối loạn tầm nhìn, yếu hoặc tê bì chân tay.
Biến chứng bệnh sarcoidosis
Các biến chứng của bệnh sarcoidosis đó là:
- Phổi: Những trường hợp bệnh sarcoidosis có triệu chứng tại phổi nếu không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương không phục hồi phần mô kẽ (phần mô nằm xen giữa các túi khí trong phổi), gây khó thở.
- Mắt: Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các thành phần của mắt và cuối cùng dẫn đến mù. Tuy hiếm gặp, nhưng bệnh sarcoidosis cũng có thể gây đục thủy tinh thể và bệnh glaucoma.
- Thận: Bệnh sarcoidosis ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi của cơ thể, có thể gây suy thận.
- Tim: U hạt lắng đọng trong tim có thể ảnh hưởng hoạt động điện trong tim – vốn có vai trò điều hòa nhịp tim – gây nên các nhịp tim bất thường, và trong trường hợp hiếm hoi, có thể dẫn đến tử vong.
- Hệ thần kinh: Một số ít những người mắc bệnh sarcoidosis sẽ có các triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, nếu u hạt hình thành trong não và tủy sống. bệnh nhân bị biến chứng viêm dây thần kinh mặt có thể bị liệt mặt.
Chẩn đoán bệnh sarcoidosis
- Các triệu chứng ở các cơ quan như mô tả ở trên.
- X quang tim phổi: Tìm thấy hạch to và các tổn thương khối nốt.
- CT ngực: Phát hiện các hạch ở lồng ngực, tổn thương phổi.
- Đo chức năng hô hấp.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá các cơ quan gan, thận, xương.
- Nội soi phế quản: Giúp quan sát đánh giá tổn thương phế quản, sinh thiết cựa phế quản hoặc hạch quanh khí quản.
- Sinh thiết phổi.
- Điện tim, siêu âm tim.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh U hạt nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Ăn ít muối trong khẩu phần ăn nếu bạn dùng thuốc steroid.
- Kiểm tra huyết áp máu, xét nghiệm máu về bệnh tiểu đường.
- Tiêm chủng vắc xin phế cầu khuẩn viêm phổi.
- Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hay thay đổi liều lượng dù bạn cảm thấy khoẻ hơn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không hút thuốc vì sẽ làm tình trạng bệnh thêm tệ hơn.
- Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp vì nắng sẽ làm bạn bị phát ban, khiến bệnh u hạt thêm tệ hơn.

Cách phòng bệnh hiệu quả
Không có cách nào giúp ngăn ngừa triệt để bệnh sarcoidosis. Trong trường hợp mắc bệnh, người bệnh vẫn có thể tiếp tục sống khỏe mạnh nếu duy trì một lối sống khoa học, lành mạnh như:
- Ngừng hút thuốc.
- Tránh tiếp xúc với bụi, hóa chất, khói và khí độc.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
- Uống nhiều nước.
- Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để được theo dõi tiến triển bệnh cũng như các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Khám chuyên khoa mắt hàng năm.
Bệnh sarcoidosis là một căn bệnh lành tính, tuy nhiên nếu bệnh diễn tiến lâu dài cũng sẽ để lại một số phiền toái nhất định trong sinh hoạt hằng ngày. Khám sức khỏe định kỳ là cách để phát hiện nhanh chóng các bệnh mà cơ thể bạn đang mắc phải và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, thiết lập chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học giúp hộ trợ việc điều trị và phòng ngừa các nguy cơ gây hại tới sức khỏe.