Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Nếu không sớm có biện pháp can thiệp, người bị suy thận có thể phải đối mặt với hàng loạt biến chứng nguy hiểm, bao gồm tử vong.
Suy thận là bệnh gì?
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
- Suy thận cấp: Chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng khôi phục chức năng thận (một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn) nếu được điều trị hiệu quả ngay từ đầu.
- Suy thận mạn: Tiến triển trong thời gian dài và các giải pháp điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát bệnh chứ không thể phục hồi chức năng thận.
Sự nguy hiểm của suy thận
Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp.
- Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng.
- Bệnh tim mạch.
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Thiếu máu.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
- Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Nguyên nhân gây bệnh suy thận
Thận không nhận đủ lượng máu cần thiết: Tình trạng lưu lượng máu đến thận bị hạn chế sẽ khiến cơ quan này không nhận đủ oxy và các dưỡng chất thiết yếu để duy trì hoạt động. Theo thời gian, các mô cơ sẽ suy yếu dần, các chức năng vốn có cũng suy giảm theo đó.
Những yếu tố có thể gây cản trở việc nuôi dưỡng thận bao gồm:
- Các bệnh tim mạch.
- Xơ gan hoặc suy gan.
- Mất nước.
- Bỏng nặng.
- Phản ứng dị ứng.
- Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng máu.
- Tăng huyết áp.
- Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm.
Nguyên nhân suy thận do cơ chế bài tiết nước tiểu gặp vấn đề: Nếu quá trình bài tiết nước xảy ra vấn đề, các độc tố sẽ không được đào thải ra ngoài. Thay vào đó, chúng sẽ tích tụ ngay tại thận và gây nên nhiều biến chứng có thể trực tiếp dẫn tới suy thận, chẳng hạn như:
- Sỏi thận.
- Phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt).
- Hình thành huyết khối (cục máu đông) trong đường tiết niệu.
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
Những triệu chứng của bệnh
Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng.
Một số biểu hiện của tình trạng này có thể xảy ra bao gồm:
- Giảm lượng nước tiểu.
- Phù mắt cá chân, bàn chân.
- Khó thở không rõ nguyên nhân.
- Đau hoặc cảm thấy nặng ngực.
- Buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải.
- Kém ăn, buồn nôn dai dẳng, nôn.
- Sụt cân.
- Ngứa ngáy.
- Co rút cơ.
- Co giật.
- Hôn mê.
- Thiếu máu.
Nếu bạn bắt gặp những biểu hiện suy thận được đề cập ở trên hoặc nghi ngờ bản thân đang gặp vấn đề với cơ quan bài tiết này, hãy mau chóng đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và chữa trị hiệu quả. Tiếp nhận điều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao.
Chẩn đoán và điều trị suy thận
Chẩn đoán bệnh
Để kiểm tra một người có bị suy thận hay không, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm dùng để đánh giá khả năng hoạt động của cơ quan nội tạng này, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Đo thể tích nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Định lượng creatinin máu, xét nghiệm ure máu.
- Xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán suy thận.
- Sinh thiết thận.
Điều trị bệnh suy gan
Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số loại suy thận có thể được điều trị. Tuy nhiên, tổn thương thận có thể tiếp tục xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây ra suy thận đã được kiểm soát tốt.
Thông thường suy thận mạn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.
2 giải pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Thẩm tách
Mục đích của thẩm tách là thay thế chức năng lọc và đào thải độc tố cũng như dịch thừa từ máu của thận. Thủ thuật này gồm hai phương pháp là:
- Chạy thận nhân tạo: sử dụng máy móc để lọc máu thay thận.
- Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng): sử dụng phúc mạc trong khoang bụng để lọc máu.
Trong quá trình thẩm tách, người bệnh đặc biệt phải tuân theo chế độ ăn ít kali và natri theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo nhận được kết quả điều trị tốt nhất.
Lưu ý, thẩm tách không có khả năng chữa suy thận tận gốc. Tuy nhiên, bạn có thể kéo dài thời gian sống bằng cách tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Cấy ghép thận
Nếu tình trạng suy thận tiến triển quá mức nghiêm trọng, ghép thận sẽ là giải pháp duy nhất bạn có thể lựa chọn trong trường hợp này. Nếu điều trị thành công, bạn sẽ có cơ quan bài tiết mới với đầy đủ chức năng cần thiết.
Mặc dù vậy, ghép thận không phải là lựa chọn điều trị phù hợp cho tất cả mọi người. Bạn sẽ phải chờ đợi rất lâu để nhận được thận hiến tặng tương thích với bản thân. Không những vậy, bạn còn cần dùng thuốc ức chế miễn dịch cho đến cuối đời nhằm ngăn chặn cơ thể đào thải tạng ghép. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở người được ghép thận.
Phòng ngừa suy thận
- Tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong việc điều trị, dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen…
- Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, cắt giảm lượng muối và kali trong khẩu phần ăn.
- Giữ huyết áp đúng chỉ định bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg.
- Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu.
- Không hút thuốc lá.
Nếu có biểu bị bệnh thận, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được đánh giá một cách toàn diện. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp làm chậm sự tiến triển của suy thận.
Leave a reply