Bệnh thận do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng xảy ra trên thận ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Bệnh có thể tiến triển thành suy thận nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh thận do đái tháo đường
Bệnh thận đái tháo đường làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc hàng ngày của thận để đào thải các chất cặn bã và lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể.
Qua nhiều năm, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng từ từ lên hệ thống lọc của thận. Điều trị sớm có thể phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh lý thận, từ đó sẽ làm giảm biến chứng. Bệnh lý thận có thể tiến triển đến suy thận, hay bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận.
Sự ảnh hưởng của tiểu đường tới thận
Khi mắc phải bệnh tiểu đường, các mạch máu nhỏ trong thận của người bệnh sẽ bị tổn thương và thận sẽ không thể làm sạch mạch máu đúng cách. Vì thế, sẽ bị giữ lại nhiều muối và nước hơn mức cần thiết, dẫn đến việc mắt cá chân sưng phù và tăng cân quá mức, chất thải dần sẽ bị tích tụ trong cơ thể của người bệnh.
Đặc biệt, bệnh tiểu đường có thể gây nên những tổn thương thần kinh trong cơ thể và gây ra những khó khăn cho việc thông bàng quang, khiến bàng quang gặp áp lực dẫn đến kẹt và tổn thương thận.
Những triệu chứng của bệnh thận do đái tháo đường
Trong giai đoạn sớm của bệnh thận đái tháo đường, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Trong giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng và dấu hiệu bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp khó khăn hơn.
- Xuất hiện protein trong nước tiểu.
- Phù ở bàn chân, mắt cá chân, tay hoặc mắt.
- Đi tiểu nhiều hơn.
- Giảm nhu cầu sử dụng insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường.
- Hay bị lẫn lộn hoặc khó tập trung.
- Khó thở.
- Chán ăn.
- Buồn nôn và nôn.
- Ngứa dai dẳng.
- Mệt mỏi.
Những biến chứng của bệnh thận đái tháo đường
Biến chứng đái tháo đường là tình trạng mà đa số những bệnh nhân đái tháo đường gặp phải, biến chứng này gây tổn thương chức năng lọc của cầu thận và làm thất thoát một lượng protein (thành phần chính là albumin) lớn hơn các mức cho phép từ máu vào nước tiểu. Sự gia tăng nồng độ albumin trong nước tiểu là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh thận đái tháo đường.
Biến chứng của bệnh thận đái tháo đường có thể tiến triển qua nhiều tháng hoặc nhiều năm, bao gồm:
- Ứ dịch, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, hoặc xuất hiện dịch trong phổi (phù phổi)
- Tăng nồng độ Kali trong máu.
- Bệnh lý tim và mạch máu (bệnh lý tim mạch), có thể dẫn tới đột quỵ.
- Tổn thương mạch máu của võng mạc ở mắt (bệnh lý võng mạc).
- Thiếu máu.
- Đau ở bàn chân, rối loạn cương dương, tiêu chảy và các vấn đề khác liên quan đến tổn thương thần kinh và mạch máu.
- Biến chứng trên thai phụ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
- Tổn thương thận không hồi phục (bệnh thận giai đoạn cuối), thậm chí cần phải lọc thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Phòng ngừa biến chứng của bệnh phận do đái tháo đường
Kiểm soát tốt đường huyết
Khi kiểm soát đường huyết tốt có thể ngăn chặn được bệnh thận tiến triển. Một nghiên cứu tại Anh trên 3.867 bệnh nhân cho thấy, nếu điều trị tích cực và thực hiện chế độ ăn kiêng chặt chẽ giảm được 25% nguy cơ biến chứng. Nghiên cứu khác tại Nhật Bản nếu điều chỉnh ổn định đường máu sẽ kéo dài thời gian bị biến chứng tới 6 năm.
Cần chú ý tới một số thuốc điều trị đái tháo đường thải trừ qua thận, nếu khi thận đã tổn thương có thể làm tăng các tác dụng phụ của thuốc. Người bệnh cần được tư vấn điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh. Người bệnh cũng cần phải theo dõi nồng độ đường huyết HbA1c vì đây cũng là xét nghiệm nói lên sự tương quan giữa tổn thương thận và việc điều chỉnh đường huyết.
Kiểm soát tốt huyết áp và đạm niệu
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là phương thuốc hữu hiệu làm giảm tình trạng bệnh. Không hút thuốc lá, giảm cân, tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục đều đặn. Chế độ ăn nhạt, giảm mỡ không những làm giảm huyết áp mà còn làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch khác.
Các thuốc thường dùng là ức chế men chuyển đổi Angiotensin hay ức chế thụ thể ARB. Giảm huyết áp sẽ ngăn chặn nguy cơ biến chứng mạch máu lớn cũng như vi mạch, khống chế tốt huyết áp và đạm niệu sẽ làm chậm tiến triển bệnh thận do đái tháo đường.
Chẩn đoán và điều trị
Chuẩn đoán bệnh
Ngoài các dấu hiệu, triệu chứng và tiền sử bản thân, gia đình, có thể sử dụng một số kiểm tra sau:
- Kiểm tra máu: Để đánh giá tình trạng đường máu, mỡ máu, chức năng thận, điện giải (đặc biệt là kali máu).
- Kiểm tra nước tiểu: Để phát hiện sự xuất hiện của protein trong nước tiểu, là dấu hiệu sớm của bệnh lý thận.
- Chẩn đoán hình ảnh: Có thể sử dụng chụp XQ hệ tiết niệu, siêu âm hệ tiết niệu để phát hiện các bệnh lý mắc kèm (sỏi thận, viêm nhiễm hệ tiết niệu, khối u hệ tiết niệu…), những trường hợp khó hơn có thể sử dụng CT scanner, MRI (cộng hưởng từ) hệ tiết niệu.
- Sinh thiết thận: Thường sử dụng để xác định chính xác nguyên nhân gây tổn thương thận trong những trường hợp khó.
Điều trị bệnh thận do đái tháo đường
Nguyên tắc điều trị:
- Kiểm soát huyết áp: Mục tiêu dưới 140/90 mmHg.
- Kiểm soát đường máu: Mục tiêu HbA1c dưới 7%.
- Điều chỉnh rối loạn mỡ máu (Cholesterol và Triglyceride) trong máu.
- Kiểm soát cân bằng Calci và Phospho trong máu để đảm bảo sức khỏe xương.
- Giảm Protein trong nước tiểu.
Điều trị bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối:
- Lọc thận: là cách để loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể thay cho thận.
- Lọc máu chu kỳ: Thường thực hiện 3 lần/tuần, cần có hỗ trợ của máy móc và phải thực hiện tại các cơ sở y tế.
- Lọc màng bụng: Có thể thực hiện tại nhà.
- Ghép thận.
- Kiểm soát triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thận là cơ quan có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cơ thể đào thải các chất độc và cặn bã ra ngoài. Nếu như thận hoạt động đúng chức năng thì cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh và ngược lại sẽ làm cho các chất độc, cặn bã tích tụ trong cơ thể, gây ra tình trạng suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống.