Có khoảng 2 đến 3% phụ nữ thai bị bệnh thận, chiếm 40 đến 50% trong số đó là bị viêm cầu thận khi mang thai. Phụ nữ mang thai mắc bệnh ở thận khiến các chức năng ở thận bị suy giảm đột ngột gây ra nhiều tác hại cho cả mẹ và bé. Vì vậy thai phụ cần biết và hiểu về tình trạng thận khi mang thai để có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc thai kỳ hiệu quả, khỏe mạnh.
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai mắc bệnh ở thận
Khi mang thai, thận của người phụ nữ được tăng cường tưới máu làm lưu lượng máu qua thận tăng từ 30-50% làm tăng mức lọc cầu thận (có thể đạt đến 180ml/phú dẫn đến giảm nồng độ ure, creatinin, a.uric trong máu. Sự bất thường của tổng hợp các nội tiết tố có tác dụng co mạch hay các thụ thể của vỏ thận (renin, prostaglandin …) được cho là nguyên nhân chính của các thay đổi huyết động tại thận.
Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như:
- Giãn đài bể thận do thay đổi về nội tiết khi mang thai và do tử cung mang thai nhi chèn ép vào hệ thống dẫn nước tiểu (niệu quản, bàng quang).
- Huyết áp giảm: Ở phụ nữ khi thai nghén trong 3 tháng đầu có hiện tượng huyết áp giảm do giảm sức cản ngoại vi, sau đó mới trở lại giới hạn bình thường cho đến khi đẻ. Ngoài ra còn có hiện tượng ứ nước và muối, thể tích huyết tương tăng từ 30-50% (tương đương 1,5 lít). Ngược lại, nước của dịch kẽ tăng ít. Vì vậy, thường gặp phù sinh lý ở phụ nữ có thai bình thường.
Những vấn đề về thận mà thai phụ có thể mắc phải
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Khoảng 1-2% phụ nữ có thai bị nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm viêm bàng quang (NKTN thấp) và viêm thận – bể thận cấp (NKTN cao). Yếu tố thuận lợi là do chậm lưu thông nước tiểu do hệ thống dẫn niệu bị giãn và chèn ép. Các loại vi khuẩn thường gặp là E.Coli, ít gặp các loại Enterobacter khác: Proteus, Klebsiella, Enterococcus, liên cầu… Nhiễm khuẩn tiết niệu có nguy cơ dẫn đến các tai biến sản khoa: đẻ non, thai chết lưu, thai bé… do nhiễm khuẩn máu.
Viêm bàng quang cấp
- Dấu hiệu lâm sàng thường gặp là hội chứng bàng quang: đau dưới gò mu, đái buốt, đái rắt, đái đục, đái khó…
- Trong nước tiểu có ít protein nhưng nhiều bạch cầu (> 10 BC/mm3) và vi khuẩn > 105/ml nước tiểu.
- Điều trị chủ yếu kháng sinh đường uống từ 7-10 ngày ( không dùng kháng sinh nhóm Aminosid và nhóm Quinolon).
Viêm thận bể thận cấp tính
- Dấu hiệu lâm sàng: sốt cao, đau hông lưng, hội chứng bàng quang, có thể có các triệu chứng khác: đau bụng, rối loạn tiêu hóa…
- Cận lâm sàng cần làm: cấy máu, cấy nước tiểu, sinh hóa và tế bào niệu, siêu âm hệ tiết niệu tìm triệu chứng và nguyên nhân tắc nghẽn.
- Điều trị: là một biến chứng nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng mẹ và con nên cần nhập viện để điều trị kháng sinh tĩnh mạch trong 7-10 ngày.
- Cần theo dõi các biến chứng: nhiễm khuẩn máu, sốc nhiễm khuẩn, áp xe thận, viêm tấy quanh thận, sẩy thai, thai lưu…
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp khi có thai được chia ra làm các loại sau:
- Tăng huyết áp do mang thai bao gồm tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) và sản giật.
- Tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp có từ trước do bất cứ nguyên nhân nào.
- Tiền sản giật xuất hiện trên tăng huyết áp mạn tính.
Suy thận
Thường xảy ra từ tuần thứ 35 mang thai cho đến trước, trong và sau đẻ. Tổn thương thận cấp tính là hậu quả của nhiều quá trình rối loạn trong khi mang thai (NĐTN, Hội chứng HELLP…) hoặc liên quan đến chảy máu do bong bánh rau hoặc các chảy máu do các tai biến sản khoa khác. Trên lâm sàng bệnh nhân có đái ít hoặc vô niệu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Xét nghiệm: urê và creatinin máu tăng cao, rối loạn điện giải và thăng bằng kiềm toan.
Một số vấn đề khác liên quan tới sức khỏe thai phụ:
- Viêm cầu thận mạn.
- Viêm thận bể thận mạn.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Bệnh cầu thận do đái đường.
- Bệnh thận do tăng huyết áp.
Những bệnh này thường tiến triển nặng lên khi mang thai hoặc ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi.
Sự nguy hiểm mà những vấn đề ở thận mang lại cho thai phụ
Trong quá trình mang bầu, bệnh suy thận rất có thể sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con, chẳng hạn như: nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật, các bệnh huyết áp, một vài trường hợp bị sảy thai, hoặc sinh non….
Những dấu hiệu biểu hiện rõ như:
- Phù nề.
- Tiêu chảy
- Khó thở, đau đầu, đau bụng.
- Giảm lượng nước.
Với các chị em có tiền sử mắc bệnh thận từ trước cần cân nhắc kỹ trước khi mang thai. Các chuyên gia khuyến cáo rằng có thể mang thai được khi suy thận ở giai đoạn I, II và cần phải thực hiện theo dõi chặt chẽ. Còn với bệnh nhân cuối giai đoạn II thì không nên mang thai để tránh trường hợp xấu xảy ra.
Phòng ngừa bệnh về thận khi mang thai
Phụ nữ mắc bệnh thận cần cẩn thận và chú ý khi mang thai, đặc biệt cần được bác sĩ theo dõi điều trị thường xuyên.
- Bệnh cầu thận viêm cấp tính: Chị em vẫn có thể có thai bình thường dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên khoa nội điều trị bệnh thận. Bệnh nhân cần kiểm soát cân nặng, huyết áp, protein niệu. Trong 3 tháng cuối thai kỳ cần có chỉ định chấm dứt thai kỳ đúng lúc khi có các triệu chứng đe dọa đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.
- Bệnh lý hội chứng thận hư nguyên phát: Nếu bệnh khỏi hoàn toàn trên 6 tháng và chức năng thận trở về trạng thái bình thường, hoặc suy thận độ 1 thì vẫn có thai được bình thường. Trong trường hợp bệnh ít giảm, có suy thận độ 2 trở lên, khuyến nghị không nên có thai.
- Bệnh suy thận mạn tính: Do nguyên nhân nào như viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, sỏi thận thì việc có thai ảnh hưởng rất nhiều đến diễn tiến bệnh của thai phụ. Các biến chứng nguy hiểm có thể dễ dàng xảy đến với thai phụ bị suy thận mạn tính. Các chuyên gia khuyên có thể có thai khi suy thận mạn ở giai đoạn 1, 2, dưới sự theo dõi, điều trị chặt chẽ. Thai phụ suy thận mãn tính cần khống chế được huyết áp, đề phòng viêm nhiễm. Đặc biệt, suy thận ở cuối giai đoạn 2 thì không nên có thai.
Phụ nữ có thai có nhiều yếu tố dễ dẫn đến bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu đôi khi đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm theo dõi chặt chẽ thì có thể khống chế hoặc ngăn ngừa được các biến chứng nặng nề vì vậy vai trò của khám thai định kỳ với đo huyết áp, thử nước tiểu tìm protein niệu, định lượng a.uric máu, siêu âm thai… là hết sức quan trọng. Người đã có bệnh thận mạn tính vẫn có thể mang thai và sinh con tuy nhiên cần tư vấn bác sĩ trước khi quyết định mang thai và theo dõi chặt chẽ khi có thai.
Leave a reply