Thiếu máu là tình trạng lượng huyết sắc tốc và số lượng hồng cầu có trong máu ngoại vi bị giảm đi, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể. Tình trạng thiếu máu có thể gặp ở nhiều đối tượng, do nhiều nguyên nhân gây ra và mức độ bệnh ở mỗi người cũng khác nhau. Một số bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý đã có thể cải thiện sức khỏe rất đáng kể. Tuy nhiên, trường hợp thiếu máu xuất phát từ một số bệnh lý mà không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Thiếu máu là bệnh gì?
Bệnh thiếu máu là tình trạng máu có số lượng hồng cầu thấp hơn so với bình thường.
Bệnh thiếu máu cũng có thể xảy ra nếu các hồng cầu không chứa đủ hemoglobin. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ. Protein này giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể.
Nếu bạn bị thiếu máu, cơ thể bạn không nhận được đủ máu giàu oxy khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu. Bạn cũng có thể có các triệu chứng khác như khó thở, chóng mặt, hay nhức đầu.
Nguyên nhân của việc thiếu máu
- Thiếu máu do giảm sản xuất máu tại tủy xương.
- Thiếu máu thiếu sắt: Do những bệnh lý gây mất máu như giun móc, viêm loét dạ dày, cường kinh, rong huyết ở phụ nữ, u chảy máu trĩ…
- Thiếu máu do thiếu acid folic: Thường gặp ở những bệnh nhân nghiện rượu, kém hấp thu, sử dụng thuốc ngừa thai…
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12: Gặp do cắt đoạn dạ dày, thiểu năng tuyến tụy, viêm hay cắt đoạn hồi tràng.
- Do bất thường di truyền: Bất thường trong cấu tạo chuỗi Hemoglobin hồng cầu, dẫn đến thời gian sống của hồng cầu rút ngắn gây ra bệnh Thalassemia, thường gặp hai thể bệnh là beta- thalassemia và alpha- thalassemia.
- Thiếu máu do tán huyết miễn dịch: Do trong cơ thể tồn tại kháng thể bất thường chống lại hồng cầu, làm hồng cầu bị vỡ gây nên hiện tượng thiếu máu.
- Thiếu máu do suy tủy xương: Do tình trạng tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân do nhiễm trùng, hóa chất, tia xạ, di truyền hay không rõ nguyên nhân gây ra.
- Thiếu máu do suy thận mạn: Suy thận mạn gây ra hiện tượng giảm tế bào cạnh cầu thận, làm cho lượng Erythropoietin giảm thấp.
Các triệu chứng của việc thiếu máu
Để phát hiện chính xác tình trạng thiếu máu, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm do bác sĩ chỉ định. Phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn và phòng tránh các biến chứng tốt hơn.
Những dấu hiệu của việc thiếu máu bao gồm:
- Thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai hoặc có thể bị khi gắng sức hoặc thay đổi tư thế. Một số trường hợp thiếu máu nặng có thể bị ngất.
- Hay bị đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, tính tình bất thường,…
- Xảy ra tình trạng đánh trống ngực, tim đập nhanh hơn, bệnh nhân có thể khó thở, đau tim do thiếu máu cơ tim.
- Cảm thấy chán ăn, đầy bụng, có thể bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa như bị táo bón hoặc tiêu chảy.
- Da bệnh nhân xanh xao hoặc có thể vàng da do thiếu máu huyết tán, hay sạm da do tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt. Đây là một dấu hiệu nhận biết thiếu máu mà bản thân người bệnh hoặc ngay cả người đối diện cũng rất dễ phát hiện.
- Lưỡi: Có màu nhợt nhạt nếu là thiếu máu huyết tán, lưỡi bự bẩn nếu thiếu máu do nhiễm khuẩn, hay một số tình trạng lưỡi đỏ và dày là do thiếu máu Biermer,…
Những biến chứng nguy hiểm của việc thiếu máu
Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu bạn điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là tăng cường đủ sắt và vitamin cần thiết khi bạn thiếu máu nhẹ.
Nhưng đối với các trường hợp thiếu máu do bệnh lý, bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
- Cơ thể suy nhược nghiêm trọng: Người bệnh thường xuyên bị mệt mỏi, uể oải ngay cả khi làm những công việc bình thường trong sinh hoạt hàng ngày.
- Ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phụ nữ khi mang thai. Đặc biệt, bị thiếu máu trong thai kỳ, rất dễ xảy ra tình trạng sinh non.
- Gây ra những bất thường về tim: Thiếu máu dẫn tới rối loạn nhịp tim khiến tim phải bơm máu nhiều hơn và nếu không can thiệp kịp thời rất dễ xảy ra suy tim, vô cùng nguy hiểm.
- Nguy cơ tử vong cao: Những trường hợp thiếu máu di truyền nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, khiến cơ thể thiếu một lượng máu lớn, khi kéo dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Những yếu tố khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu máu
- Có chế độ ăn nghèo nàn, thiếu một số vitamin và khoáng chất: Ăn thực phẩm ít chất sắt, vitamin B12 và folate.
- Bị rối loạn đường ruột dẫn đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng kém trong ruột non, (bệnh Crohn và bệnh celiac) khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu máu.
- Kinh nguyệt ra nhiều dẫn đến mất tế bào hồng cầu.
- Thai kỳ: Khi mang thai nếu không bổ sung vitamin tổng hợp, axit folic và sắt sẽ làm tăng nguy cơ bị thiếu máu.
- Mắc các bệnh mãn tính như: Suy thận, ung thư, tiểu đường…. Những bệnh này có thể dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu.
- Tuổi tác: Trên 65 tuổi có nguy cơ thiếu máu cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình bạn có người có tiền sử thiếu máu.
- Nhiều yếu tố khác: Tiền sử cơ thể bị nhiễm trùng nhất định, mắc các bệnh về máu và rối loạn tự miễn dịch làm tăng nguy cơ thiếu máu.
Ngoài ra, những người nghiện rượu hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
Điều trị thiếu máu
Việc điều trị thiếu máu cần điều trị nguyên nhân gây ra thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt thì chủ yếu cần bổ sung chất sắt trong dược phẩm kết hợp chế độ ăn giàu chất sắt. Thiếu máu do bệnh mạn tính đa số không cần điều trị gì, chỉ một số ít cần truyền hồng cầu để chữa triệu chứng.
Có thể có những biện pháp sau đây:
- Truyền máu.
- Sử dụng corticosteroid, các thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Sử dụng erythropoietin giúp tủy xương tạo được nhiều tế bào máu hơn.
- Bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic và các loại vitamin, khoáng chất khác.
Phòng ngừa thiếu máu
- Thực hiện chế độ ăn có đầy đủ chất sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6, B2…
- Phòng và chữa tích cực các bệnh gây thiếu máu như bệnh gan, thận, sốt rét, nhiễm khuẩn, giun móc, dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt để hạn chế mất máu do hành kinh ở phụ nữ.
- Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.
- Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe.
- Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu.
- Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.