Bệnh thương hàn vẫn đang là nỗi lo của toàn thế giới, khi ước tính mỗi năm có khoảng 16 triệu ca mắc mới và 600.000 người tử vong do bệnh. Thương hàn thường phát triển thành dịch ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Bệnh thương hàn là gì?
Thương hàn là bệnh về đường tiêu hóa có khả năng lây lan trong cộng đồng, do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 – 14 ngày, phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người bệnh.
Thương hàn là một bệnh khởi phát rất đột ngột. Trong trường hợp nhẹ, bệnh thường không có triệu chứng. Trong trường hợp nặng, bệnh gây sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn khan, táo bón hoặc tiêu chảy,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong, loét thanh mạc và thủng ruột dẫn đến chảy máu.
Tác nhân gây bệnh thương hàn
Vi khuẩn Salmonella typhi hay trực khuẩn thương hàn là tác nhân gây bệnh thương hàn. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, di động bằng lông chuyển và không sinh nha bào ở môi trường bên ngoài. Vi khuẩn Salmonella typhi có đặc điểm là sống được ở môi trường ngoài cơ thể, khoảng 2 đến 3 tuần trong môi trường nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá. Nhiệt độ cao là yếu tố có thể tiêu diệt được vi khuẩn, nhiệt độ càng cao thời gian để diệt vi khuẩn càng ngắn lại. Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella còn có thể bị diệt bởi những chất diệt khuẩn thông thường.
Triệu chứng bệnh thương hàn
Triệu chứng thường bắt đầu từ 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn và có thể bao gồm:
- Sốt cao.
- Đau đầu.
- Nôn mửa hoặc đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Phát ban trên da.
- Yếu ớt.
Đường lây truyền
Thương hàn là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bằng 2 con đường chính là:
- Gián tiếp: Khi ăn, uống phải thực phẩm, nước bị nhiễm vi khuẩn không được nấu chín. Đây là đường lây quan trọng và thường gây dịch lớn.
- Trực tiếp: Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang trùng qua chất thải, chân, tay, đồ dùng… Đường lây này thường gây dịch nhỏ, tản phát.
Mọi người đều có thể mắc bệnh. Vi khuẩn thương hàn có thể gây miễn dịch lâu dài sau kgi mắc bệnh nhưng không có miễn dịch chéo giữa các chủng.
Biến chứng
Bệnh thương hàn có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Biến chứng đường tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột.
- Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim, trụy tim mạch.
- Biến chứng gan mật: Viêm túi mật, viêm gan.
- Các biến chứng khác hiếm gặp hơn như: Viêm não, viêm màng não, viêm cầu thận…
Chẩn đoán bệnh thương hàn
Chẩn đoán xác định dựa vào:
- Dịch tễ học: Sống hoặc đã từng đi tới vùng có dịch thương hàn lưu hành, hoặc có tiếp xúc với người bệnh thương hàn.
- Lâm sàng: Có các triệu chứng lâm sàng gợi ý như sốt hơn một tuần lễ không rõ nguyên nhân, kèm rối loạn tiêu hoá thường là tiêu chảy; gan, lách to, hồng ban.
- Cận lâm sàng: Bạch cầu máu không tăng; kết quả xét nghiệm cấy vi khuẩn (+); hoặc phản ứng huyết thanh như Widal, ELISA, RIA, PCR …(+).
Phương pháp điều trị bệnh
Vì tính lây nhiễm cao, bệnh nhân sốt thương hàn cần được tiến hành điều trị tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:
- Cách ly người bệnh và tiến hành điều trị tại chỗ để giảm thiểu khả năng lây lan.
- Theo dõi sát bệnh nhân để kịp thời phát hiện và chữa trị các biến chứng.
- Bước đầu điều trị bệnh bằng kháng sinh theo đúng phác đồ. Tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng, vì thế việc lựa chọn kháng sinh nên dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Kháng sinh được chọn có thể sử dụng dưới dạng tiêm hoặc uống tùy thuộc vào tình trạng bệnh cảnh nặng hay nhẹ của người bệnh.
Các biện pháp dự phòng bệnh sốt thương hàn
Bệnh sốt thương hàn là bệnh lý có thể dự phòng và giới hạn được nếu các biện pháp dự phòng được thực hiện tốt trong cộng đồng. Người dân cần phối hợp với các nhân viên y tế tuân theo những điều sau:
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nhất là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Thực hành ăn chín, uống chín.
- Rửa tay sạch: Trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Phòng chống ruồi.
- Xử lý chất thải của bệnh nhân như phân, nước tiểu, mẫu thử máu…
- Cách ly bệnh nhân tại bệnh viện.
- Điều trị người lành mang trùng.
Sốt thương hàn là một bệnh gây nguy hiểm cho tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để tránh bệnh lây lan thành dịch thì bạn cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết cũng như biện pháp phòng ngừa.