Đang là đầu xuân, mùa của bệnh thủy đậu nên rất nhiều người bị mắc bệnh. Việc ăn uống đúng cách sẽ giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe, tránh biến chứng khi bị thủy đậu.
Bệnh thuỷ đậu là gì?
Thuỷ đậu là một trong những biểu hiện của virus varicella-zoster. Thuỷ đậu là bệnh rất dễ lây lan và khó chịu, được đặc trưng bởi các triệu chứng: sốt, buồn nôn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp và nổi mẩn đỏ do ngứa, bong vảy và mụn nước bao phủ toàn bộ cơ thể.
Đôi khi, các biến chứng của bệnh có thể phát triển. Nó bao gồm loét, viêm gan, viêm tuỵ, viêm phổi và thậm chí là đột quỵ.
Bị thủy đậu nên ăn gì?
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước là một trong những lưu ý rất quan trọng đối với những người đang bị thủy đậu. Khi cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ được thanh nhiệt, giải độc và tăng cường sức đề kháng. Do đó, người bệnh sẽ được giảm bớt mệt mỏi và nhanh khỏi bệnh hơn.
- Bổ sung nhiều rau xanh và các loại trái cây: Những bữa ăn của người bị thủy đậu nên được bổ sung các loại rau xanh và trái cây. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên bổ sung các loại trái cây giàu vitamin A, vitamin C, bio-flavonoid, canxi, kẽm, magie,… để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cụ thể, bạn có thể lựa chọn các loại rau củ cụ thể như cà chua, đu đủ, cà rốt, bông cải xanh, rau bina, cải bắp,…
- Nước rau sam: Nước rau sam có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, ngừa mụn nhọt, rất tốt cho người bị thủy đậu.
- Các loại cháo, súp, canh: Khi bị thủy đậu, người bệnh thường có xu hướng chán ăn, mệt mỏi, vì thế việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp với người bệnh cũng là điều rất quan trọng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Người bệnh thủy đậu nên kiêng gì?
- Không nên ăn những thực phẩm tanh: Những thực phẩm tanh, nhất là các loại hải sản, có nguy cơ làm tăng kích ứng trên da. Do đó, khi tiêu thụ những thực phẩm này, bệnh nhân có nguy cơ tăng kích ứng da và tăng nguy cơ để lại sẹo trên da.
- Không nên ăn những loại thực phẩm và các loại gia vị có tính cay nóng: Một số thực phẩm và gia vị có tính cay nóng như tỏi, hành, ớt, hạt tiêu, mù tạt, thịt chó, thịt ngan, quả vải, quả mận, quả nhãn, xoài, mít,… và các món ăn chiên xào,… sẽ gây nóng trong người, tăng tiết mồ hôi, tăng nguy cơ viêm nhiễm và tăng triệu chứng ngứa rát da khiến người bệnh vô cùng khó chịu.
- Đồ ăn mặn: Bệnh nhân thủy đậu cũng nên hạn chế ăn mặn, chẳng hạn như các món kho, nấu,… vì nó có thể khiến cho cơ thể người bệnh nhanh bị mất nước và tình trạng ngứa ngáy của bệnh nhân sẽ ngày càng nghiêm trọng.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa là một loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng người mắc bệnh thủy đậu lại không nên tiêu thụ thực phẩm này. Nguyên nhân là vì uống sữa có thể làm tăng tiết dịch nhờn trên, tăng nguy cơ viêm nhiễm da.
Người bệnh nên kiêng gì để không bị sẹo?
Nếu người mắc thủy đậu không kiêng đúng cách thì có thể khiến da khó phục hồi và làm tăng nguy cơ để lại sẹo. Ngoài những loại thực phẩm cần kiêng đã được nhắc đến phía trên, người bệnh cần phải lưu ý một số điều sau:
- Không nên đến những nơi đông người: Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan nên khi bị bệnh, bạn không nên đến chỗ đông người để tránh lây sang cho người khác và bảo vệ sức khỏe của mình.
- Không gãi, chạm vào nốt thủy đậu: Khi bị thủy đậu, bệnh nhân thường bị ngứa rát, rất khó chịu nhưng không nên gãi để tránh tình trạng vỡ mụn nước trên da khiến bệnh lan sang những vùng da lành và tăng nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên lựa chọn những bộ đồ rộng rãi, có tính thấm mồ hôi tốt để hạn chế tình trạng ma sát lên da để giảm triệu chứng ngứa.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Quần áo và các loại đồ dùng cá nhân của người bệnh cần được giặt riêng, giặt kỹ và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Người bệnh không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm bệnh.
- Không cần kiêng nước và gió quạt: Khi cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ, những nốt phỏng nước có nguy cơ gây nhiễm trùng và khiến bệnh ngày càng lâu khỏi. Do đó, bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ trong thời gian bị bệnh và chỉ cần lưu ý không tắm gội quá lâu để tránh bị nhiễm lạnh.

Cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu
- Bệnh diễn biến khoảng 7 – 10 ngày, nếu không có nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn da và các biến chứng khác, thường có thể tự khỏi một cách tự nhiên.
- Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt, cho ăn uống đủ chất. Cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, tăng thành phần dinh dưỡng, để tăng cường sức đề kháng, hạn chế biến chứng. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, hạn chế tiếp xúc và đi lại.
- Nếu thấy nốt phỏng có dạng nước đục, tức là có bội nhiễm vi khuẩn, hoặc thấy trẻ ho, sốt tăng trở lại, người mệt mỏi, đau đầu, nôn… có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như: viêm da, viêm phổi, viêm não – màng não, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
- Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc-xin được tiêm lúc trẻ được một tuổi trở lên.
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gây viêm da do bội nhiễm vi khuẩn, nốt thủy đậu có mưng mủ, sau khi khỏi có thể để lại sẹo, rất khó hồi phục. Trường hợp người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng những nốt thủy đậu có thể gây hoại tử vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể gây ra các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não hết sức nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu người bệnh không được điều trị và cấp cứu kịp thời.