Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng sức khỏe có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được nhận diện và điều trị kịp thời. Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?
Thiếu máu cơ tim cục bộ (hay thiếu máu cục bộ cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ) xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm sút, khiến tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Đó là kết quả từ việc động mạch cung cấp nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn.
Tình trạng này khiến cho khả năng bơm máu của cơ tim suy giảm. Đồng thời, khi một trong các nhánh động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột có thể dẫn đến một cơn đau thắt ngực. Thiếu máu cơ tim cũng khiến cho nhịp tim trở nên rối loạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu di chuyển qua một hoặc nhiều động mạch vành giảm sút, gây cản trở quá trình tiếp nhận oxy của cơ tim.
Nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:
- Bệnh xơ vữa động mạch: Xơ vữa là các mảng bám cholesterol tích tụ trên thành động mạch. Tình trạng xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu cơ tim.
- Cục máu đông: Các mảng xơ vữa phát triển trong động mạch có thể bị vỡ, gây ra cục máu đông. Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn động mạch, dẫn đến thiếu máu cơ tim đột ngột, nghiêm trọng và gây đau tim. Hiếm khi cục máu đông có thể di chuyển đến động mạch vành từ nơi khác trong cơ thể.
- Do co thắt động mạch vành: Sự thắt chặt tạm thời của các cơ trong thành động mạch có thể làm giảm hoặc ngăn cản lưu lượng máu đến một phần của cơ tim trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, co thắt động mạch vành là nguyên nhân hiếm gặp của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.
Những nguyên nhân khác
Đa phần những nguyên nhân này xuất phát từ các yếu tố như:
- Gắng sức.
- Căng thẳng cảm xúc.
- Nhiệt độ lạnh.
- Lạm dụng chất kích thích.
- Ăn quá no.
- Quan hệ tình dục mạnh bạo.

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu cơ tim cục bộ
Những triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ khác có thể bao gồm:
- Đau ở cổ hoặc hàm.
- Đau vai hoặc cánh tay.
- Nhịp tim nhanh.
- Khó thở khi hoạt động thể chất hoặc lao động gắng sức.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Toát mồ hôi.
- Mệt mỏi.
Biến chứng nguy hiểm
Thiếu máu tim cục bộ có nguy hiểm không? Nếu không điều trị, bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Đau thắt ngực dữ dội: Khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cơ tim không nhận được đủ máu và oxy sẽ dẫn đến một cơn đau tim nghiêm trọng và phá hủy một phần cơ tim, thậm chí gây tử vong.
- Loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường sẽ khiến tim suy yếu dần theo thời gian, gây đe dọa tính mạng.
- Suy tim: Các đợt thiếu máu cơ tim tái phát nhiều lần có thể dẫn đến suy tim.
Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Các xét nghiệm để chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim bao gồm:
- Điện tâm đồ.
- Xét nghiệm chất đánh dấu sinh học tim.
- Siêu âm tim.
- Chụp động mạch vành.
- CT chụp động mạch vành.
- Holter tim.
- Thử nghiệm gắng sức.
- Phóng xạ tế bào cơ tim.
Tuỳ tình trạng cụ thể, các bác sĩ chuyên khoa tim sẽ lựa chọn phương pháp giúp chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ nặng, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu, chi phí thấp.
Biện pháp điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ
Mục tiêu trong điều trị tình trạng này là cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, chỉ định dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật, hay kết hợp cả hai.
Điều trị bằng thuốc
Đa phần thuốc điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ có tác dụng giảm bớt triệu chứng và nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu, tăng cường chức năng cơ tim.
- Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi xơ vữa động mạch vỡ ra, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- Thuốc hạ mỡ máu: Cholesterol máu được cân bằng, tránh tích tụ xơ vữa động mạch làm tăng mức độ hẹp mạch máu.
- Thuốc giãn mạch: Giảm nhanh triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Chỉ định trong trường hợp có rối loạn nhịp tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Có tác dụng giãn mạch, giảm huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu.
- Thuốc lợi tiểu: Giảm huyết áp, giảm triệu chứng phù, khó thở do thiếu máu cơ tim cục bộ gây ra.
- Thuốc ức chế men chuyển: Giảm triệu chứng phù, giảm huyết áp,…
Nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý khác kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp.
Phẫu thuật điều trị
Nếu mạch vành bị tắc nghẽn nặng, nguy cơ biến chứng cao hoặc bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc, phẫu thuật là cần thiết và cần thực hiện sớm. Hai kĩ thuật chủ yếu trong điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ là đặt stent, nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Phòng ngừa thiếu máu cơ tim cục bộ
Người bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng cách kiểm soát tốt nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Cụ thể là:
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích.
- Có chế độ ăn uống khoa học: không ăn nhiều chất béo, cholesterol như mỡ động vật, sữa béo, trứng, sữa, hạn chế ăn mặn…; nên ăn nhiều cá, rau củ quả…
- Duy trì tập luyện thể dục hàng ngày, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về môn thể thao và cường độ tập luyện phù hợp với thể trạng.
- Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân và béo phì.
- Nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý nếu có.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính có thể cướp đi tính mạng người bệnh nếu chủ quan không điều trị từ sớm. Do đó, việc trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tầm soát và điều trị bệnh hiệu quả!
Leave a reply