Bệnh u xơ tử cung là căn bệnh phổ biến ở nữ giới. Tuy rằng đây là căn bệnh lành tính và không đáng sợ như ung thư tử cung thế nhưng chúng ta vẫn phải hiểu biết về căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung là những khối u cơ có thể phát triển trên tử cung phụ nữ. Đây là dạng u lành tính. Chúng hiếm khi biến thành ung thư.
U xơ rất đa dạng về kích thước, hình dạng và vị trí, từ bên trong lòng tử cung, thành tử cung hay trên bề mặt tử cung. U xơ còn có thể dính vào tử cung theo cấu trúc dạng cuống hoặc gốc.
Một số u xơ quá nhỏ đến nỗi bác sĩ khó nhìn thấy bằng mắt thường, trong khi một số khác lại phát triển lớn gây thay đổi kích thước và cấu trúc của tử cung.
U xơ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – thường từ 30 đến 40 tuổi, nhưng chúng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Phân loại u xơ tử cung
Dựa vào vị trí của khối u ở tử cung sẽ có các phân loại cụ thể:
- U xơ dưới thanh mạc: Là loại thường gặp nhất, khối u phát triển từ cơ tử cung hướng ra phía ngoài tử cung, thường tạo khối rõ, có thể có cuống gây xoắn và hoại tử u.
- U xơ trong cơ tử cung: Khối u nằm trong cơ tử cung, thường nhiều khối làm cho tử cung to lên một cách toàn bộ.
- U xơ dưới niêm mạc: Phát triển trong thành nội mạc tử cung, dễ làm rối loạn kinh nguyệt, tăng khả năng sảy thai và vô sinh.
- U xơ tử cung có cuốn: Dạng u xơ đã tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn dính lại bởi 1 cuốn nhỏ.
Đôi khi, u xơ xảy ra trong dây chằng rộng (trong dây chằng), vòi trứng, hoặc cổ tử cung.
Nguyên nhân gây bệnh u xơ tử cung
Hiện nay các bác sĩ vẫn chưa tìm được nguyên nhân u xơ tử cung chính xác. U xơ hiếm khi xuất hiện ở phụ nữ trước tuổi sinh sản và bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai hơn. Sau khi mãn kinh, có rất ít trường hợp phụ nữ mắc bệnh này.
Tuy nhiên, những yếu tố sau có thể kết hợp với nhau để gây bệnh:
- Thay đổi di truyền: Các tế bào u xơ có sự thay đổi khác biệt về gene so với tế bào cơ tử cung bình thường.
- Estrogen và progesterone: Hai hormone kích thích sự phát triển của nội mạc tử cung trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị cho sự mang thai, dường như đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của u xơ. U xơ có nhiều thụ thể estrogen và progesterone hơn các tế bào cơ tử cung bình thường và có xu hướng teo lại sau mãn kinh do sự suy giảm hormone.
- Các yếu tố tăng trưởng khác: Các yếu tố giúp duy trì lượng mô của cơ thể, chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng giống insulin IGF, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ.
- Cấu trúc nền: Là chất liệu giúp cho các tế bào kết dính với nhau, lượng ECM tăng trong u xơ tử cung. ECM cũng dự trữ các yếu tố tăng trưởng gây ra những thay đổi sinh học trong bản thân tế bào u xơ.
- Sự phát triển của u xơ có thể khác nhau: Chúng có thể phát triển nhanh, chậm hoặc giữ nguyên kích thước. Thậm chí chúng có thể lớn nhanh đột ngột, một số lại có thể tự teo nhỏ lại. Nhiều u xơ hiện diện khi có thai, nhưng sau sinh có thể thu nhỏ hoặc biến mất.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Bạn đang ở độ tuổi sinh sản.
- Mức estrogen của bạn bất thường do một số bệnh lý.
- Tiền sử gia đình có người (mẹ hoặc chị) mắc u xơ tử cung.
- Phụ nữ da đen có nhiều khả năng bị u xơ tử cung, bệnh xuất hiện lúc trẻ hơn, có nhiều u xơ hoặc u lớn hơn.
- Một số yếu tố khác như: Có kinh sớm, thiếu hụt vitamin D, chế độ ăn giàu thịt đỏ và ít rau xanh, trái cây và sữa, uống rượu, bia… có vẻ làm tăng nguy cơ bị u xơ.
Triệu chứng bệnh u xơ tử cung
Khoảng 30-50% trường hợp bị u xơ không có triệu chứng rõ rệt. Nếu có, các triệu chứng thường liên quan đến kích cỡ và vị trí u xơ. Các dấu hiệu u xơ tử cung phổ biến là:
- Rong kinh (kỳ kinh kéo dài) và cường kinh (ra nhiều máu).
- Đau hay cảm giác tức ở vùng chậu.
- Đau khi giao hợp.
- Đi tiểu thường xuyên, tiểu không hết do áp lực của u xơ tử cung lên bàng quang.
- Táo bón hoặc đầy hơi.
- Bụng to.
- Đau lưng hoặc đau chân.
- Một số trường hợp hiếm, u xơ tử cung gây đau bụng đột ngột do hoại tử mạch máu nuôi khối u.
Mặc dù bướu sợi tử cung thường không nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra một số biến chứng như thiếu máu, gây mệt mỏi, đôi khi thiếu máu nặng cần phải truyền máu.

Tiến triển và biến chứng u xơ tử cung
Tiến triển
U xơ tử cung thường tiến triển chậm trong một vài năm. Trong quá trình tiến triển một số khối u nhỏ, nằm ở giữa lớp cơ tử cung hoặc phát triển về phía phúc mạc có thể không gây ra biến chứng gì. Một số khối u có thể mất sau một vài lần thai nghén hoặc ngừng phát triển khi người phụ nữ đã mãn kinh. Tuy nhiên u xơ tử cung cũng có thể gây ra rất nhiều các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng u xơ tử cung
- Thiếu máu: Do kinh nguyệt nhiều và kéo dài làm cho bệnh nhân mất máu. Có thể mất máu ít gây triệu chứng da xanh, hoa mắt chóng mặt. Nhưng cũng có thể mất máu nhiều gây trụy mạch cần phải xử trí cấp cứu ngay.
- Nhiễm khuẩn: Có thể gây nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới, nhiễm khuẩn đường sinh dục trên hoặc nhiễm khuẩn tại khối u. Thường gặp ở những u xơ dưới niêm mạc gây chảy máu nhiều và kéo dài.
- Chèn ép: Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà gây ra những triệu chứng chèn ép khác nhau. Triệu chứng thường gặp là: đái khó, táo bón, đau vùng hạ vị hoặc đau mỏi thắt lưng. Triệu chứng ít gặp hơn: ứ nước bể thận, viêm đài bể thận do chèn ép vào niệu quản.
- Xoắn cuống nhân xơ: Là biến chứng hay gặp đối với nhân xơ dưới phúc mạc có cuống. Triệu chứng giống như một trường hợp u nang buồng trứng xoắn: bệnh nhân đau bụng đột ngột ở vùng hạ vị, đau tăng dần và kèm theo choáng, bụng có cảm ứng phúc mạc.
- Thoái hóa: Khi khối u to thường bị thiếu dưỡng nên dễ bị thoái hóa dưới nhiều hình thức khác nhau: thoái hóa kinh, thoái hóa nhảy, thoái hóa nang. Những hình thức thoái hóa này tạo nên những u xơ mềm hoặc cứng làm cho việc chẩn đoán dễ bị sai lạc.
- Biến chứng khi có thai: Trên bệnh nhân có u xơ thì giữa u xơ tử cung và thai nghén có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, biểu hiện:
- Thai dễ bị sẩy hoặc đẻ non, rau bám bất thường có thể gây rau tiền đạo hoặc rau cài răng lược, ngôi thế bất thường, u tiền đạo băng huyết do đờ tử cung và sót rau.
- U xơ to và gây biến chứng xoắn, hoại tử hoặc nhiễm khuẩn.
Biện pháp giúp chẩn đoán bệnh u xơ tử cung
Chẩn đoán dựa trên dấu hiệu lâm sàng
- Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải.
- Thăm khám lâm sàng: Bắc mặt nhợt nhạt, bụng dưới có biểu hiện to bất thường khi sờ vào cảm nhận được khối u bên trong.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Siêu âm: Bằng cách siêu âm đầu dò qua đường âm đạo các bác sĩ có thể phát hiện được khối u nằm trong tử cung và biết được vị trí cũng như kích cỡ khối u. Cần phân biệt rõ với u nang buồng trứng dựa trên hình dáng và vị trí của khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp MRI: Sử dụng khi khối u quá to hoặc cần để chẩn đoán phân biệt.
Chẩn đoán phân biệt
- Có khối u ở hạ vị tử cung: Không thể loại bỏ trường hợp người bệnh mang thai hay lạc nội mạc tử cung. Nếu như bệnh nhân mang thai thì dùng que thử để xác định.
- Đau vùng chậu: Có thể do mang thai ngoài tử cung hay lạc nội mạc tử cung hay viêm tử cung.
- Xuất huyết tử cung: Nguyên nhân do bệnh tăng sinh nội mạc ở tử cung.
Điều trị u xơ tử cung
Điều trị u xơ tử cung có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ, cũng như những triệu chứng mà khối u gây ra. Nếu bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào do u xơ ở tử cung, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi khối u. Ở những người tiền mãn kinh, mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây triệu chứng cũng không cần điều trị vì sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ đi.
Tốt nhất trong chữa trị u xơ tử cung là bạn cần được theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u theo thời gian. Bác sĩ có thể đề nghị khám phụ khoa và siêu âm định kỳ tùy thuộc vào kích thước hoặc các triệu chứng của khối u xơ. Kế hoạch điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Số lượng u xơ ở tử cung của bạn.
- Kích thước của nhân xơ tử cung của bạn.
- Vị trí của khối u xơ nằm ở đâu trong tử cung.
- Những triệu chứng bạn đang gặp phải liên quan đến khối u xơ.
- Mong muốn về việc mang thai của bạn trong tương lai.
- Mong muốn của bạn để bảo tồn tử cung.
Chỉ định điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố, các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay như: Điều trị nội khoa, điều trị can thiệp ít xâm lấn, dùng hormone hoặc phẫu thuật.

Phòng bệnh u xơ tử cung
- Duy trì một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh, hạn chế sử dụng các chất kích thích gây hại.
- Kiểm soát và duy trì cân nặng ở mức cho phép.
- Luyện tập thể dục hằng ngày với những bài tập nhẹ nhàng nhưng có giá trị to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe như: Yoga, đi bộ, bơi lội,…
- Hãy giảm cân đúng cách, có khoa học để làm cho cuộc sống thêm tốt và vui vẻ hơn nhé.
- Khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện sớm khối u và có biện pháp quản lý và theo dõi phù hợp.
U xơ tử cung là một bệnh lành tính nhưng vẫn có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nên, không nên chủ quan trước những dấu hiểu bất thường mà đẩy sức khỏe mình vào nguy hiểm. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe giúp bạn kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể và việc điều trị cũng trở nên dễ dàng hơn. Hãy chăm lo đến sức khỏe của bản thân mình và những người thân trong gia đình bạn thật tốt để cuộc sống luôn được vui vẻ và hạnh phúc.