Vảy nến đỏ da toàn thân là một thể nặng của bệnh vảy nến do việc điều trị không phù hợp, tuy nhiên thể này hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh vảy nến toàn thân là gì?
Vảy nến là dạng bệnh da liễu cơ địa khá phổ biến, được chia thành nhiều thể với những đặc trưng về vị trí và mức độ tổn thương khác nhau. Trong đó, vảy nến toàn thân hay vảy nến đỏ da toàn thân là một trong những dạng bệnh vảy nến nghiêm trọng nhất. Thể bệnh này rất hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng người mắc phải.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến toàn thân
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định cụ thể. Giống như các dạng bệnh vảy nến khác, cơ chế gây bệnh vảy nến toàn thân được cho là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
Một số nghiên cứu cho rằng, bệnh vảy nến đỏ da còn có thể bùng phát do các yếu tố sau:
- Di truyền từ bố mẹ.
- Nhiễm trùng.
- Lạm dụng thuốc corticoid.
- Da bị cháy nắng.
- Nghiện rượu.
- Dị ứng da hoặc phát ban.
- Căng thẳng, stress, lo âu quá mức.
- Tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị bệnh vảy nến trước đó.
- Đột ngột dừng điều trị một thể bệnh vảy nến trước đó, chủ yếu là vảy nến mảng và vảy nến mụn mủ.

Triệu chứng của bệnh vảy nến toàn thân
Bệnh nhân thường có những biểu hiện trên da điển hình như:
- Da đỏ >90% diện tích cơ thể.
- Vảy nến da: thường khởi đầu ở những vùng kẽ. Vảy đỏ như cám hoặc tróc thành những mảng lớn.
- Phù nề: phù ở mặt làm biến dạng như da dày, lộn mi và kèm theo cuộn như mặt sư tử. Phù có thể xảy ra ở chi dưới hoặc toàn thân.
- Mụn nước xuất hiện trên nền hồng ban, không tiết dịch hoặc có tiết dịch.
- Rối loạn sắc tố: có thể giảm sắc tố hoặc tăng sắc tố ở da.
- Tăng sừng ở lòng bàn tay, bàn chân, bong tróc thành mảng. Các ngón tay nứt, khô, đau đớn và gây ra hạn chế cử động.
- Tổn thương niêm mạc: viêm lưỡi, viêm miệng, viêm kết mạc.
- Rụng tóc, lông mày, lông mi, có thể dày móng.
Biến chứng của bệnh
Vảy nến đỏ da toàn thân tiến triển kéo dài nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn tới các biến chứng bao gồm:
- Nhiễm khuẩn da.
- Biến chứng do nằm lâu: viêm phổi, vảy mục, huyết khối.
- Suy tim.
- Các biến chứng khác: viêm da do kích ứng hoặc chàm hóa.

Cách điều trị bệnh vảy nến toàn thân
Phương pháp điều trị mà chúng ta có thể áp dụng:
Thuốc tây trị bệnh vảy nến toàn thân
Hiện nay có khá nhiều loại thuốc được sử dụng để cải thiện các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc được dùng có thể là:
- Bismut.
- Asen.
- DDs.
- Kháng sinh.
- Corticoid.
- Interferon.
- Cyclosporine.
- Các loại thuốc bạt sừng, chống viêm, tạo da như kem chứa corticoid, salicylic, goudron…
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng thuốc sẽ gây ra những tác dụng phụ như: Tổn thương gan, thận, máu, rối loạn miễn dịch, ung thư da,…
Phương pháp quang trị liệu
Phương pháp trị liệu quang hóa sẽ ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của UVB lên nhân tế bào và phân tử khác. Mặc dù được đánh giá là hiệu quả, nhưng phương pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: Thương tổn da do ánh sáng, lão hóa da sớm, tăng nguy cơ ung thư hắc tố và các ung thư da khác, tổn thương mắt,…
Điều trị tại chỗ
Để làm dịu da, giảm cảm giác bỏng rát và khó chịu, người bệnh có thể sử dụng:
- Dùng kem dưỡng ẩm hoặc kem bôi chứa corticoid tại chỗ. Nên thoa kem ngay sau tắm hoặc trước khi đi ngủ.
- Dùng băng gạc ướt để đắp lên da.
- Tắm bột yến mạch, nước tía tô hoặc nước trà xanh.

Cách phòng ngừa bệnh
Ngoài các biện pháp điều trị trong đợt cấp tính, người bị vảy nến toàn thân cũng cần có lối sống tích cực, khoa học để ngăn ngừa bệnh tái phát, góp phần cải thiện triệu chứng hiệu quả. Cụ thể:
- Bổ sung các loại cá biển, rau xanh, vừng đen, thực phẩm có màu cam chứa beta – carotene giúp cải thiện tình trạng vảy nến.
- Tránh tiêu thụ thịt đỏ, đồ chiên rán, sữa và thực phẩm từ sữa, đường cũng như các sản phẩm nhiều đường bởi chúng làm tăng tình trạng viêm.
- Luôn giữ suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng quá mức.
- Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày với các bài tập như đi bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông,…
- Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì.
- Hạn chế trầy xước, chấn thương da.
- Hạn chế uống rượu, đặc biệt trong thời gian bùng phát bệnh.
Bệnh vảy nến toàn thân tuy khá nguy hiểm, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh hãy đến thăm khám các cơ sợ y tế sớm sẽ giúp chúng ta có hướng điều trị phù hợp. Muốn kiểm soát, cải thiện được triệu chứng này bạn phải tuân thủ điều trị, cần duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa những tác nhân khiến bệnh bùng phát.