Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mãn tính gây áp lực lên bàng quang làm đau vùng bàng quang và đau buốt ở vùng chậu. Viêm bàng quang kẽ gây ảnh hưởng tới công việc và chất lượng sống người bệnh.
Viêm bàng quang kẽ là bệnh gì?
Viêm bàng quang kẽ còn gọi là hội chứng đau bàng quang – là một tình trạng mãn tính gây áp lực lên bàng quang, làm đau bàng quang và đôi khi đau ở vùng chậu. Cơn đau dao động từ khó chịu đến nặng.
Bàng quang của bạn là một nơi chứa nước tiểu. Bàng quang giãn nở cho đến khi nó căng đầy và tín hiệu này được báo đến não để bạn phải đi tiểu. Các thông tin này sẽ được trao đổi qua các dây thần kinh vùng chậu. Điều này tạo ra sự thôi thúc đi tiểu ở hầu hết mọi người.
Với viêm bàng quang kẽ, các tín hiệu bị xáo trộn – bạn cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn và lượng nước tiểu ít hơn so với hầu hết mọi người.
Nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang kẽ
Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết rõ nhưng có khả năng do nhiều yếu tố góp phần. Ví dụ, những người bị viêm bàng quang kẽ cũng có một khiếm khuyết trong lớp niêm mạc bảo vệ (biểu mô) của bàng quang. Sự rò rỉ ở lớp biểu mô có thể cho phép các chất độc hại từ nước tiểu kích thích thành bàng quang.
Các yếu tố có thể góp phần khác nhưng chưa được chứng minh như phản ứng tự miễn dịch, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang kẽ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm bàng quang kẽ như:
- Giới tính: Nữ giới thường được chẩn đoán viêm bàng quang kẽ hơn là nam giới. Triệu chứng ở nam có thể tương tự viêm bàng quang kẽ. Nhưng chúng thường liên quan đến tình trạng viêm tiền liệt tuyến.
- Màu da và tóc của bạn: Có làn da trắng và mái tóc đỏ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm bàng quang kẽ.
- Tuổi của bạn: Hầu hết những người bị viêm bàng quang kẽ được chẩn đoán trong độ tuổi 30 trở lên.
- Đau mãn tính: Viêm bàng quang kẽ có thể liên quan với các rối loạn đau mãn tính khác như hội chứng ruột kích thích hoặc rối loạn gây đau cơ.
Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang kẽ
Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ bao gồm:
- Đau ở xương chậu, âm hộ, hoặc khu vực sau âm đạo ở phụ nữ.
- Đau ở bìu, tinh hoàn, dương vật hoặc khu vực sau dương vật ở nam giới.
- Đau vùng chậu mãn tính.
- Nhu cầu đi tiểu nhiều lần, mót tiểu phải đi ngay.
- Đau vùng bụng dưới.
- Đau niệu đạo.
- Đau lưng dưới.
- Đi tiểu thường xuyên, thường với số lượng nhỏ, suốt cả ngày và đêm (tối đa 60 lần một ngày).
- Đau hoặc khó chịu trong khi bàng quang căng đầy và giảm đau sau khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
Với các bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh khác nhau, các cơn đau có lúc âm ỉ, có lúc lại rất dữ dội. Một số người bị viêm bàng quang kẽ không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh.
Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ có thể giống với các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn bị viêm bàng quang kẽ và đồng thời bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Biến chứng viêng bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:
- Giảm sức chứa bàng quang: Viêm bàng quang kẽ có thể gây cứng thành bàng quang, khiến bàng quang giữ ít nước tiểu hơn.
- Chất lượng cuộc sống giảm: Thường xuyên đi tiểu và đau có thể ảnh hưởng tới hoạt động xã hội, công việc và các hoạt động khác trong đời sống hàng ngày.
- Các vấn đề trong quan hệ tình dục: Thường xuyên đi tiểu và đau có thể làm căng thẳng những mối quan hệ cá nhân của bạn. Ngoài ra mối quan hệ về tình dục cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Rắc rối về cảm xúc: Đau mãn tính và gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh có thể gây cảm xúc căng thẳng. Thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm bàng quang kẽ
Một số phương pháp được áp dụng để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ như:
- Triệu chứng của bệnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả triệu chứng bạn có và có thể yêu cầu ghi nhật ký bàng quang với lượng nước bạn uống cùng lượng nước tiểu bạn đi.
- Khám phụ khoa: Trong khi kiểm tra vùng chậu, bác sĩ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung của bạn để đánh giá các cơ quan vùng chậu bên trong. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra hậu môn và trực tràng của bạn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Soi bàng quang: Bác sĩ sử dụng ống nhỏ có gắn camera qua niệu đạo để khám lớp niêm mạc bàng quang.
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang có gây mê, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) ra khỏi bàng quang và niệu đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này nhằm kiểm tra ung thư bàng quang và các nguyên nhân hiếm gặp khác.
- Xét nghiệm tế bào trong nước tiểu: Bác sĩ thu thập một mẫu nước tiểu và kiểm tra các tế bào để loại bỏ tế bào ung thư.
Biện pháp điều trị viêm bàng quang kẽ
Điều trị bằng các phương thuốc tây y
Phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ bằng thuốc tây y nhằm mục đích cải thiện lớp bảo vệ bàng quang và giảm đau cho người bệnh. Tùy theo triệu chứng và cường độ cơn đau của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc điều trị phù hợp.
Một số loại thuốc điều trị viêm bàng quang kẽ phổ biến gồm:
- Pentosan polysulfate natri: Giúp khôi phục lớp bảo vệ bàng quang.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Giúp làm giảm các cơn đau khi bùng phát.
- Thuốc NSAIDs: Giúp làm giảm các cơn đau. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh cho dạ dày bị ảnh hưởng xấu bởi tác dụng phụ của thuốc.
- Thuốc kháng Histamine: Dùng để ức chế trực tiếp tế bào bạch cầu ưa kiềm hoặc ngăn ngừa các phản ứng dị ứng.
Phương pháp dã nở bàng quang
Một số trường hợp sau khi nội soi và làm căng bàng quang đã nhận thấy các triệu chứng giảm đáng kể. Tuy nhiên biện pháp này cần được thực hiện lặp lại, lâu dài.
Kích thích thần kinh
- Kích thích dây thần kinh cùng cụt: Dây thần kinh bàng quang được liên kết với tủy sống bằng dây thần kinh cùng. Phương pháp kích thích dây thần kinh cùng cụt sẽ hỗ trợ giảm thiểu các cơn tiểu gấp, tiểu nhiều lần do viêm bàng quang kẽ gây nên.
- Kích thích dây thần kinh qua da bằng điện (TENS): Đây là kỹ thuật giúp gia tăng lượng máu lưu thông đến bàng quang, kiểm soát các cơ hoạt động hiệu quả hơn, giải phóng các chất có tác dụng giảm thiểu các cơn đau vùng chậu và giảm số lần đi tiểu. Vị trí đặt dây điện là ở phía trên xương mu hoặc vùng thấp của lưng.
Tập vật lý trị liệu
Những bài tập giúp làm giảm các triệu chứng đau cơ, đau vùng chậu và các mô liên kết sẽ có tác dụng hạn chế sự bất thường hoặc các cơn co thắt của hệ thống cơ sàn chậu.
Phương pháp phẫu thuật
Rất hiếm khi biện pháp này được chỉ định trong điều trị viêm bàng quang kẽ do nguy cơ biến chứng hậu phẫu cao và không giúp làm giảm các cơn đau.

Cách chăm sóc giúp giảm các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ
- Thiết lập lịch đi tiểu hợp lý: Người bệnh nên đi tiểu đúng giờ, ví dụ như 30 phút đi tiểu 1 lần. Sau đó dần dần giãn cách thời gian chờ tiểu lâu hơn.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Lượng thức ăn được nạp với mức vừa phải sẽ giúp làm giảm gánh nặng đè lên bàng quang.
- Uống đủ nước.
- Hạn chế ăn những thực phẩm có kali cao như caffeine, sô cô la, cà chua.
- Tránh căng thẳng.
- Mặc những bộ quần áo rộng rãi: Không nên dùng thắt lưng, chít eo hay mặc quần áo bó sát để giảm áp lực lên bàng quang.
- Thường xuyên tập thể dục.
- Bỏ thuốc lá: Vì thuốc lá khiến các vết loét và tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tập thể dục: Các bài tập kéo dãn có thể giúp giảm các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.
Viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính gây ra những cơn đau ở vùng chậu, căng tức bàng quang. Không chỉ những cơn đau vật lý, Bệnh còn gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày khi người bị viêm bàng quang có các triệu chứng tiểu gấp, tiểu dắt, són tiểu. Để phòng ngừa hiệu quả viêm bàng quang kẽ, bạn cần hiểu rõ viêm bàng quang kẽ là gì, nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị.
Leave a reply