Viêm bàng quang xuất huyết là một bệnh biểu hiện nước tiểu có máu và các triệu chứng khó chịu ở đường tiết niệu. Đây là kết quả của việc tổn thương biểu mô chuyển tiếp của bàng quang và các mạch máu bởi chất độc, mầm bệnh, bức xạ, thuốc hoặc bệnh tật. Viêm bàng quang xuất huyết có nhiều biểu hiện và được phân loại dựa trên mức độ tiểu máu.
Viêm bàng quang xuất huyết là gì?
Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc và mạch máu bên trong bàng quang bị tổn thương, gây ra các đốm xuất huyết trên bề mặt bàng quang.
Điều này có thể gây ra nước tiểu có máu. Tùy vào lượng máu trong nước tiểu, có 4 cấp độ phân loại viêm bàng quang xuất huyết:
- Độ I là chảy máu vi thể (không nhìn thấy được).
- Độ II là chảy máu có thể nhìn thấy.
- Độ III chảy máu với cục máu đông nhỏ.
- Độ IV chảy máu với cục máu đông đủ lớn để chặn dòng chảy của nước tiểu và cần được loại bỏ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang xuất huyết
Nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng, trong đó có thể kể ra là:
Tác dụng phụ của hóa, xạ trị
- Theo các nghiên cứu cho thấy các hóa chất sử dụng trong hóa trị cũng như tác động của xạ trị có thể làm tổn thương đáng kể đến niêm mạc và mạch máu trong bàng quang.
- Do đó có thể dẫn đến viêm bàng quang xuất huyết ngay sau khi thực hiện các phương pháp này hoặc sau một khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm.
Nhiễm trùng
- Các virus có thể gây ra viêm bàng quang xuất huyết là adenovirus, polyomavirus và herpes simplex loại 2.
- Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng là những nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra bệnh này.
- Hầu hết những người có viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng thường có hệ thống miễn dịch suy yếu do ung thư hoặc điều trị ung thư.
Một số nguyên nhân khác
- Sỏi bàng quang và các bệnh đường tiết niệu sinh dục khác.
- Do thói quen nhịn tiểu, quan hệ tình dục không lành mạnh.
- Hay các vấn đề về vệ sinh vùng kín, mặc quần áo chật, uống ít nước, thích đồ cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Các vấn đề về tâm lý, căng thẳng, stress kéo dài cũng có thể gây ra bệnh…

Triệu chứng của viêm bàng quang xuất huyết
Ngoài ra, bạn cũng có thể biết được mình mắc viêm bàng quang xuất huyết thông qua những dấu hiệu lâm sàng như:
- Đau ở vùng chậu, xương mu, hạ sườn.
- Đau, nóng rát khi đi tiểu.
- Tần suất và nhu cầu đi tiểu tăng cao bất thường.
- Thường gặp tình trạng tiểu gấp, tiểu són.
- Nước tiểu màu đậm, có mùi hôi, nồng.
Những triệu chứng trên giống với viêm bàng quang cấp tính tuy nhiên cường độ đau ở người bệnh viêm bàng quang xuất huyết sẽ nặng hơn do tình trạng nhiễm trùng nặng như viêm và chảy máu ở bàng quang.
Viêm bàng quang xuất huyết có nguy hiểm không?
Viêm bàng quang xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng nặng, không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu và bất tiện cho người bệnh mà còn có những biến chứng liên quan đến thận.
Cách điều trị viêm bàng quang xuất huyết, đặc biệt là do nhiễm trùng không quá phức tạp và có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời hoặc bệnh tái lại nhiều lần sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và hệ miễn dịch của người bệnh.
Một số những biến chứng của viêm bàng quang xuất huyết mà người bệnh cần lưu ý và ngăn ngừa:
- Mất máu, thiếu máu: Nếu bàng quang không được cầm máu và điều trị kịp thời, tình trạng chảy máu bàng quang sẽ kéo dài liên tục và khiến cho người bệnh thiếu máu.
- Nhiễm trùng thận và suy thận: Vi khuẩn ở bên trong bàng quang có thể nhiễm trùng ngược lên thận và gây tổn thương cho thận, tăng nguy cơ mắc suy thận cao ở người bệnh.
- Ung thư bàng quang: Viêm bàng quang xuất huyết kéo dài hoặc tái lại nhiều lần là một trong những tác nhân khiến người bệnh đối mặt với khả năng ung thư bàng quang.
- Vô sinh: Biến chứng này xuất hiện khi viêm bàng quang xuất huyết có thể gây ra nhiễm trùng lây cho cơ quan sinh dục, cản trở đường xuất tinh đối với nam giới. Các tình trạng này đều là nguyên nhân hàng đầu cho vô sinh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị viêm bàng quang xuất huyết nếu như bạn có tiền sử hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, vì các triệu chứng này cũng khá tương đồng với u bàng quang, sỏi bàng quang nên bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: Mục đích kiểm tra nhiễm trùng, thiếu máu hoặc các rối loạn gây chảy máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Để có thể kiểm tra được các tế bào máu, tế bào ung thư hoặc nhiễm trùng (nếu có).
- Chụp CT, MRI, siêu âm: Nghiên cứu hình ảnh bàng quang bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp hiện đại, đây là một cách giúp xác định vị trí bị tổn thương một cách chính xác.
- Soi bàng quang: Bác sĩ sẽ soi bàng quang của bệnh nhân qua kính mỏng chuyên dụng.
Biện pháp điều trị bệnh
Dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau
- Viêm bàng quang xuất huyết do nhiễm trùng có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trường hợp người bệnh có triệu chứng bệnh không quá nghiêm trọng cũng sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị này.
- Các loại thuốc kháng sinh, thường được biết đến như amoxicillin, ciprofloxacin và nitrofurantoin là những loại thuốc dùng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn bên trong bàng quang. Một số trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng sẽ kê thuốc giảm đau cho người bệnh nhằm làm thuyên giảm các cơn đau.
- Cần lưu ý khi thực hiện điều trị viêm bàng quang xuất huyết bằng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau cần làm đúng theo liều lượng được bác sĩ chỉ định. Người bệnh không được tự ý ngừng điều trị khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất. Việc sử dụng kháng sinh không đúng liệu trình sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch cơ thể, đồng thời làm giảm áp ứng thuốc trong những lần điều trị sau này.
Phẫu thuật
- Người bị viêm bàng quang xuất huyết nếu có tình trạng chảy máu nhiều hoặc kích thước máu đông lớn, làm tắc nghẽn bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện lấy máu đông bằng ống thông chuyên dụng.
- Mặt khác, việc điều trị chảy máu trong bàng quang cũng có thể cầm máu bằng dòng điện hoặc tia laser fulguration. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng máy nội soi bàng quang đưa vào bên trong bàng quang của người bệnh để xác định được vị trí chảy máu cần xử lý trước khi thực hiện cầm máu.
- Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ bàng quang hoặc cắt u nang là phương pháp điều trị cuối cùng. Áp dụng cho những ca bệnh nghiêm trọng, có cường độ cơn đau cao, bàng quang chảy máu nhiều nhưng người bệnh không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị khác.

Ngăn ngừa viêm bàng quang xuất huyết
Những hoạt động hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát viêm bàng quang gồm:
- Uống nhiều nước mỗi ngày. Bạn nên bổ sung nước qua đường uống, qua các món ăn, nước lọc, nước ép hoa quả. Tránh uống bia rượu, cafe, nước ngọt có gas.
- Nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
- Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Tránh những đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn đóng hộp, đồ muối chua…
- Giữ vệ sinh cơ thể cũng như vùng kín đúng cách, tránh lạm dụng các hóa chất tẩy rửa.
- Lựa chọn quần áo thoải mái, chất liệu thấm hút và thoáng khí, nhất là với đồ lót.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, chung thủy với bạn tình. Không nên quan hệ với nhiều người. Trong thời gian bị bệnh tốt nhất là nên hạn chế quan hệ hoặc kiêng đến khi khỏi bệnh.
- Tích cực vận động, tập thể dục thể thao.
Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng bàng quang bị viêm gây ra các đốm xuất huyết trên bề mặt bàng quang. Các nguyên nhân phổ biến nhất là hóa trị và xạ trị. Dấu hiệu chính của viêm bàng quang xuất huyết là có máu trong nước tiểu. Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn viêm bàng quang xuất huyết. Uống nhiều nước có thể giúp tăng lượng nước tiểu và làm sạch bàng quang.
Leave a reply