Viêm màng não mủ là bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, biểu hiện không điển hình, dễ dẫn đến những biến chứng nặng nề, đe dọa tính mạng.
Viêm màng não mủ là gì?
Viêm màng não mủ là tình trạng viêm nhiễm màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương do vi khuẩn xâm nhập làm tổn thương hệ thần kinh, sinh mủ và gây ra những ảnh hưởng nặng về nhận thức, thần kinh và vận động.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, viêm màng não mủ là một cấp cứu nội khoa cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt, điều trị tích cực và hợp lý. Cứ 20 trẻ bị bệnh viêm màng não sẽ có 1 trẻ tử vong, nếu may mắn sống sót thì 20-25% trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề về thần kinh như rối loạn tâm thần, điếc, liệt, khó khăn trong kiểm soát hành vi và nhận thức… hoặc một số tổn thương nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ do E.Coli
E.Coli là nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mủ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, rất ít gặp trường hợp mắc viêm màng não mủ do E.Coli ở trẻ lớn và người lớn. Bệnh có thể gây nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, tỷ lệ tử vong rất cao.
Do mắc phế cầu khuẩn
Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumonia) được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ tại các quốc gia đã chủng ngừa Haemophilus influenzae tuýp b. Tỷ lệ người bị viêm màng não mủ do phế cầu khoảng 1-3/1.000 dân. Tức là cứ khoảng 1.000 người thì có khoảng 1-3 người viêm màng não mủ do phế cầu.
Vi khuẩn phế cầu thường cư trú ở niêm mạc họng gây viêm xoang và viêm tai giữa, từ đó tấn công lên dịch não tủy và gây nên bệnh viêm màng não mủ.
Do não mô cầu khuẩn
Viêm màng não mủ do não mô cầu khuẩn thường xảy ra ở trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. Với những trẻ trên 1 tuổi có mắc nhưng ở tỷ lệ thấp hơn. Bệnh lây trực tiếp từ người qua người thông qua giọt bắn. Người bị viêm màng não mủ do não mô cầu thường có dấu hiệu đặc trưng là có ban xuất huyết hình sao. Tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt có thể tử vong trong vòng 24h sau khi nhập viện.
Listeria monocytogenes
Vi khuẩn Listeria monocytogenes ẩn chứa trong các thực phẩm tươi sống và thịt sữa. Người bị suy giảm miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ sơ sinh, người có sức khỏe yếu… là đối tượng dễ mắc viêm màng não mủ do Listeria monocytogenes.
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ em
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ em không điển hình. Một số dấu hiệu nhận biết như:
- Chán ăn, bú kém, giảm cữ bú và lượng bú mỗi cữ.
- Mệt mỏi, vận động chậm.
- Quấy khóc, dỗ không nín, đôi lúc khóc thét lên.
- Vô cảm và thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
- Sốt cao hoặc thân nhiệt lạnh.
- Những cơn ngừng thở đột ngột.
- Bị vàng da hoặc da xanh tái, nhợt nhạt.
- Co giật.
- Thóp phồng.
- Sốc, tăng kích thích.
- Giảm trương lực cơ.
- Hạ đường huyết.
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ lớn
Triệu chứng viêm màng não mủ ở trẻ lớn điển hình hơn so với các triệu chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Sốt cao.
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
- Đau đầu dữ dội.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
- Quấy khóc, có tư thế ưỡn người.
- Với trẻ thóp chưa đóng kín sẽ có dấu hiệu thóp phồng.
- Sợ ánh sáng.
- Suy giảm ý thức, dễ bị kích thích.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc.
- Hôn mê.
- Co giật.

Viêm màng não mủ có nguy hiểm không?
Màng não có vai trò bảo vệ não và tủy sống nên bộ phận này cũng thường bị tấn công bởi virus và vi khuẩn hơn. Nhiễm trùng màng não do virus thường nhẹ và ít nguy hiểm, ngược lại nếu viêm màng não mủ do vi khuẩn, bệnh thường diễn biến nhanh, biến chứng nặng và khó điều trị hơn.
Viêm màng não mủ thường xảy ra ở trẻ em – độ tuổi đang có hệ thần kinh đang phát triển. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực bệnh có thể gây ra biến chứng nặng nề:
- Tử vong: Mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị các bệnh lý thần kinh, tỷ lệ tử vong của viêm màng não mủ vẫn rất cao do não bị tổn thương nặng nề, sốc nhiễm trùng, rối loạn nước-điện giải, suy kiệt…
- Tổn thương dây thần kinh sọ não gây lác, điếc, mù, câm, chậm phát triển tinh thần vận động, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, động kinh,…
- Áp xe não, áp xe dưới màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…
- Tắc nghẽn dịch não tuỷ gây não úng thuỷ.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc các biến chứng ngoài hệ thần kinh, tùy theo căn nguyên vi khuẩn gây ra như sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm thận, viêm phổi…
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm màng não mủ
Xét nghiệm xác định chẩn đoán viêm màng não mủ:
- Xét nghiệm dịch não tủy: Đây là xét nghiệm quan trọng mang tính chất quyết định để chẩn đoán viêm màng não mủ. Xét nghiệm này cần được tiến hành ngay khi thăm khám lâm sàng có những biểu hiện nghi ngờ bệnh. Nếu dịch não tủy có màu lờ đục hoặc màu trong như nước vo gạo cần phải điều trị ngay.
- Công thức máu: Nếu công thức máu cho thấy bạch cầu tăng cao, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế và ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có giảm nồng độ huyết sắc tố.
- Cấy máu và dịch tỵ hầu việc cấy máu và mẫu bệnh phẩm có thể xác định được vi khuẩn gây ra bệnh.
Bên cạnh đó, có một số phương pháp như siêu âm qua thóp hay chụp CT sọ não có thể xác định được các biến chứng có thể gặp. Ngoài ra một số xét nghiệm DNT có thể chẩn đoán phân biệt trong một số trường hợp viêm màng não mủ không điển hình.
Điều trị viêm màng não
Viêm màng não mủ là bệnh lý nhiễm trùng nặng, gây ra di chứng nặng nề khó hồi phục, người bệnh cần phải nhập viện điều trị cấp cứu ngay lập tức. Nhất là trẻ nhỏ có sức yếu đề kháng yếu nếu tiếp cận điều trị chậm trễ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh là rất cao như: co giật, mù lòa, điếc, yếu liệt tay chân, kém nhận thức,…
Ngược lại, nếu phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ tích cực, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, thời điểm phát hiện bệnh và điều trị cũng ảnh hưởng đến thời gian chữa trị trong bao lâu.
Điều trị viêm màng não mủ gồm có 2 hai phần chính: điều trị đặc hiệu và điều trị nâng đỡ.
Điều trị đặc hiệu
- Sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ 10 ngày – 3 tuần tùy theo tác nhân gây bệnh.
Điều trị nâng đỡ
- Bảo đảm thông khí: Tư thế phù hợp, hút đờm dãi, cung cấp đủ oxy.
- Hạ sốt: Cởi bớt quần áo, lau mát, sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc an thần (nếu có sốt co giật).
- Chống phù não.
- Cân bằng nước – điện giải.
- Đảm bảo dinh dưỡng, đề phòng và chống loét tì đè do nằm lâu, tập vật lý trị liệu.
Một số trường hợp viêm màng não mủ xuất hiện biến chứng nặng như áp xe não cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Phòng ngừa viêm màng não mủ
Các chuyên gia y tế cho biết, các vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hầu như đều xuất hiện trong không khí và có nguy cơ xâm nhập vào đường hô hấp. Do vậy, để chủ động bảo vệ cơ thể khỏe mạnh, giúp phòng tránh bệnh viêm màng não mủ nói riêng và các bệnh lý khác trẻ em và người lớn cần chủ động dự phòng bằng các biện pháp dưới đây:
- Luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc với mầm bệnh, nhất là lúc tiếp xúc với người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các loại dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh nhà ở, khu vực làm việc, các vật dụng sinh hoạt thường dùng,… sạch sẽ, thoáng mát, để đảm bảo sạch sẽ và an toàn cho chính mình và người thân.
- Duy trì thói quen ăn chín uống sôi và luôn luôn tránh xa các thực phẩm tái, sống như tiết canh, nem, gỏi hải sản sống,… để phòng ngừa các yếu tố lây nhiễm.
- Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai – mũi – họng ở trẻ nhỏ, người lớn.
- Vệ sinh tai – mũi – họng hằng ngày.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng – vận động – nghỉ ngơi khoa học để nâng cao thể trạng, vừa duy trì được một sức khỏe tốt, vừa tạo một lớp bảo vệ ngay từ bên trong để phòng tránh hiệu quả các tác nhân.
- Thăm khám định kỳ: Duy trì việc kiểm tra sức khỏe đều đặn, thường xuyên khoảng 6 tháng/lần vô cùng quan trọng, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo và điều trị bệnh kịp thời nếu có.
- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin viêm màng não mủ. Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin viêm màng não mủ do não mô cầu khuẩn, phế cầu khuẩn và vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp b.
Viêm màng não mủ là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm, di chứng vĩnh viễn. Tất cả người dân, đặc biệt trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu,… cần chủ động phòng ngừa để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh. Cần sớm đi khám và điều trị y tế để hạn chế thấp nhất biến chứng và di chứng sau này.