Viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ống tinh hoàn, nơi tích trữ và nuôi dưỡng tinh trùng. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở nam giới. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản ở nam giới.
Viêm mào tinh hoàn là bệnh gì?
Ở mặt lưng của các tinh hoàn có một cấu trúc dạng ống cuộn lại được gọi là mào tinh hoàn. Ống này chứa và vận chuyển tinh trùng, ngoài ra nó còn được liên kết với ống xuất tinh thông qua một ống khác được gọi là ống dẫn tinh.
Viêm mào tinh hoàn xảy ra khi ống này bị đau, sưng to hay viêm.
Phân loại bệnh viêm mào tinh hoàn
Có 2 dạng viêm mào tinh hoàn:
- Viêm mào tinh hoàn cấp xảy ra rất bất chợt, cơn đau và viêm tiến triển rất nhanh. Dạng này kéo dài ngắn hơn 6 tuần.
- Viêm mào tinh hoàn mạn thì tiến triển chậm hơn và đau nhẹ hơn. Đây là một vấn đề mạn tính, kéo dài hơn 6 tuần. Nam giới ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Trong trường hợp tinh hoàn cũng bị viêm và đau, thì tình trạng này được gọi là viêm mào tinh hoàn và tinh hoàn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mào tinh hoàn
Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn bao gồm:
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs): Bệnh lậu và chlamydia là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mào tinh hoàn ở nam giới trẻ tuổi, đang hoạt động tình dục.
- Các bệnh nhiễm trùng khác: Vi khuẩn từ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt có thể lây lan từ vị trí bị nhiễm trùng đến mào tinh hoàn. Ngoài ra, nhiễm virus, chẳng hạn như virus quai bị, có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn.
- Nước tiểu trong mào tinh hoàn: Tình trạng này xảy ra khi nước tiểu chảy ngược vào mào tinh, có thể do bê vác nặng hoặc rặn mạnh.
- Chấn thương: Chấn thương ở háng có thể gây viêm mào tinh hoàn.
- Bệnh lao: Hiếm khi, viêm mào tinh hoàn có thể do nhiễm trùng lao.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố dưới đây khiến nam giới ở độ tuổi trên dễ mắc bệnh:
- Quan hệ tình dục thiếu lành mạnh: quan hệ với người mắc bệnh xã hội, có nhiều bạn tình, không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ.
- Người đã từng mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Nam giới bị các bệnh lý như: nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, phì đại tuyến tiền liệt,…
- Những người chưa thực hiện cắt hoặc không cắt bao quy đầu dương vật.
- Do các thủ thuật làm ảnh hưởng tới đường tiết niệu (ví dụ như đặt ống thông tiểu).
Dấu hiệu bệnh viêm mào tinh hoàn
Đa phần các trường hợp bị viêm mào tinh hoàn ở giai đoạn nào cũng có những dấu hiệu cơ bản như sau:
- Sưng tinh hoàn: Sờ nắn, thăm khám thấy tinh hoàn bị sưng tấy đỏ, cảm giác đau đớn, khó chịu. Nếu tinh hoàn xuất hiện mụn nhọt sẽ tích dịch mủ.
- Đau vùng bìu: Vùng này có dấu hiệu nặng nề và đau tức, cơn đau có thể lan đến vùng hạ vị ở một hoặc cả hai bên.
- Hệ thống đường tiểu bị rối loạn: Người bệnh luôn trong trạng thái tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó, tiểu nhiều lần…
- Quan hệ tình dục đau đớn: Vì vùng bìu chịu tác động của viêm, gây ra những cơn đau nên khi quan hệ tình dục sẽ không đạt được sự hưng phấn, khoái cảm như mong muốn.
- Triệu chứng toàn thân: Do cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây bệnh nên người bệnh có dấu hiệu sốt, nôn, buồn nôn, mệt mỏi, viêm tuyến mang tai…
Viêm mào tinh hoàn gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù đây chỉ thuộc nhóm bệnh viêm nhiễm nhưng nếu không được điều trị kịp thời các biến chứng khá nặng nề:
- Dễ mắc các bệnh viêm nhiễm khác: Viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm thận…
- Gây apxe bìu: Nếu vùng viêm nặng sẽ gây ra hiện tượng apxe, chèn ép, viêm loét, thậm chí là vỡ ra.
- Suy giảm chức năng đời sống tình dục: Người bệnh phải đối diện với nguy cơ không đạt được khoái cảm tình dục, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
- Teo tinh hoàn: Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến teo một hoặc cả hai bên tinh hoàn rất nguy hiểm đến khả năng sinh sản về sau.
- Vô sinh hiếm muộn: Khi tinh hoàn bị teo sẽ khiến số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm, ống dẫn tinh tắc. Điều này khiến tỉ lệ vô sinh hiếm muộn tăng.
Chuẩn đoán viêm mào tinh hoàn
Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể đề nghị bao gồm:
- Sàng lọc STI. Một miếng gạc hẹp được đưa vào phần cuối của dương vật của bạn để lấy một mẫu dịch tiết từ niệu đạo của bạn. Mẫu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm bệnh lậu và chlamydia.
- Xét nghiệm nước tiểu và máu. Các mẫu nước tiểu và máu của bạn được phân tích để tìm các bất thường.
- Siêu âm Doppler để loại trừ xoắn tinh hoàn hoặc khối u tinh hoàn.
Điều trị viêm mào tinh hoàn
Thuốc kháng sinh là cần thiết để điều trị viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn. Nếu nguyên nhân của nhiễm trùng do vi khuẩn là STI, bạn tình của bạn cũng cần được điều trị. Dùng toàn bộ đợt kháng sinh do bác sĩ kê đơn, ngay cả khi các triệu chứng của bạn hết sớm hơn, để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã biến mất.
Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Nghỉ ngơi, nâng đỡ bìu bằng dây đeo thể thao, chườm đá và dùng thuốc giảm đau có thể giúp giảm khó chịu.
Phòng ngừa bệnh Viêm mào tinh hoàn
Phòng ngừa viêm mào tinh hoàn:
- Sinh hoạt tình dục an toàn, quan hệ tình dục một vợ một chồng, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Khám sức khỏe định kỳ, siêu âm kiểm tra để phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
- Điều trị cho bạn tình nếu viêm mào tinh hoàn là do lây truyền qua đường tình dục.
Phòng ngừa diễn tiến của viêm mào tinh hoàn:
- Nghỉ ngơi trên giường.
- Nâng cao bìu.
- Chườm đá bìu để giảm đau.
- Mang dụng cụ bổ trợ (quần lót cố định bìu).
- Tránh nâng vật nặng.
- Tránh quan hệ tình dục cho đến khi hết tình trạng nhiễm trùng.
Viêm mào tinh hoàn có tính phổ biến và rất dễ xảy ra. Nhận biết sớm các triệu chứng viêm mào tinh hoàn để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu để muộn sẽ rất khó điều trị triệt để và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.