Viêm mô tế bào là một bệnh da liễu do nhiễm vi khuẩn gây ra viêm ở lớp hạ bì và các mô dưới da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong bệnh cảnh viêm mô tế bào, hàng rào bảo vệ da thường bị tổn thương gây ra sự nhiễm khuẩn nhanh chóng và lan tỏa.
Viêm mô tế bào bệnh gì?
Viêm mô tế bào (cellulitis) là tình trạng nhiễm trùng da khá phổ biến do vi khuẩn gây ra, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Vùng da bị tổn thương sẽ sưng, đỏ và thường có cảm giác đau cũng như ấm, nóng khi chạm vào.
Tình trạng này hay xảy ra ở vùng da ở phần chân dưới nhưng vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào khác như mặt, cánh tay… Nhiễm trùng phát triển khi có vết thương hở ở trên da và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào gây bệnh.
Nếu không điều trị triệt để, nhiễm trùng có khả năng lan đến hạch bạch huyết và vào máu, gây đe dọa đến tính mạng. Căn bệnh này không lây nhiễm từ người sang người.
Nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus và Staphylococcus thường xuất hiện trên bề mặt da – nơi chúng không gây hại. Tuy nhiên, nếu chúng xâm nhập vào các lớp bên dưới da, thường qua vết cắt hoặc vết xước có thể gây nhiễm trùng.
Khi vi khuẩn xâm nhập xuống dưới bề mặt da, chúng sẽ bắt đầu sinh sôi và tạo ra các hóa chất gây viêm ở đó, gây ra các triệu chứng bệnh.
Bệnh thường phát triển tại các khu vực dễ sưng (phù nề), có lưu lượng máu kém hoặc phát ban da tạo ra các vết nứt trên da, chẳng hạn như khi nhiễm nấm nông ở chân. Lưu ý, viêm mô tế bào quanh hốc mắt có thể lan đến não nếu không được điều trị nhanh chóng, kịp thời bằng kháng sinh.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Một số yếu tố nguy cơ cũng làm tăng khả năng mắc bệnh như:
- Hệ miễn dịch yếu.
- Mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema và nấm bàn chân.
- Sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Lạm dụng corticoide (dexamethasone) kéo dài gây hội chứng Cushing.
- Đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào.

Dấu hiệu nhận biết viêm mô tế bào
Dấu hiệu và triệu chứng viêm mô tế bào thường xảy ra ở một bên cơ thể, bao gồm:
- Xuất hiện vùng da màu đỏ, có xu hướng lan rộng dần.
- Sưng tấy.
- Đau, ấn vào thấy mềm.
- Có cảm giác ấm, nóng.
- Sốt.
- Có các đốm màu đỏ.
- Phồng rộp.
- Tạo thành nhiều vết lõm trên da, trông như vỏ cam.
Các biến chứng có thể gặp của viêm mô tế bào
Đôi khi, viêm mô tế bào có thể lây lan toàn cơ thể, xâm nhập vào các hạch bạch huyết và máu. Trong một số ít trường hợp, nó có thể đi vào các mô sâu hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng tử vong nếu không đièu trị kịp thời.
- Nhiễm trùng tại xương.
- Viêm mạch bạch huyết.
- Hoại tử mô sau đó hoại tử chi phải cắt bỏ.
Biện pháp điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị viêm mô tế bào như sau:
- Kháng sinh: Lựa chọn điều trị bằng kháng sinh còn tùy thuộc vào sự có mặt của mủ hay không. Viêm mô tế bào hầu hết không sinh mủ thì lựa chọn kháng sinh có phổ đối với cả Streptococcus nhóm A và S. aureus.
- Viêm mô tế bào mủ được coi là có nguy cơ cao, vì vậy nên dùng kháng sinh có phổ cho MRSA hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân bị chấn thương xâm nhập, vết thương phẫu thuật, các triệu chứng nguy cơ cao (xuất huyết dưới da, bọng nước, da sưng nề nhiều, tê da, triệu chứng sốc hoặc hạ thân nhiệt). Hầu hết, bệnh nhân sẽ hồi phục trong 2 tuần.
- Cần nhập viện ngay nếu bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa hoặc tái phát viêm mô tế bào.
Chăm sóc viêm mô tế bào tại nhà
Các biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạngbệnh như sau:
- Kê cao vùng da bị tổn thương để giảm sưng và đau.
- Vận động phần bị ảnh hưởng của cơ thể thường xuyên.
- Không mang vớ bó cho đến khi lành vết thương.
- Uống nhiều nước.

Phòng ngừa viêm mô tế bào
Phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn da. Những việc nên làm để chăm sóc cơ thể, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:
- Vệ sinh da thường xuyên sạch sẽ, vệ sinh thật cẩn thận các vết trầy xước ngoài da ngay khi phát hiện.
- Ăn uống đầy đủ năng lượng, nhiều sinh tố, nâng cao sức đề kháng.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị.
- Áo, quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.
- Môi trường làm việc, sinh hoạt ăn, ở luôn đảm bảo thoáng mát và thông khí hợp lý.
Để giúp ngăn ngừa bệnh này và các nhiễm trùng khác, bạn hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi có vết thương ngoài da:
- Rửa vết thương hàng ngày với xà phòng và nước.
- Sử dụng kem hoặc thuốc mỡ giúp bảo vệ vùng da bị tổn thương.
- Che vết thương bằng băng gạc và thay băng mỗi ngày.
- Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, đau, chảy dịch…
Viêm mô tế bào là bệnh da liễu do sự tấn công của vi khuẩn vào các lớp da sâu, gây viêm nhiễm nặng và thường khởi phát đột ngột. Mặc dù là bệnh về da nhưng nếu chủ quan, viêm mô tế bào có thể gây viêm nặng và đe dọa đến tính mạng. Do vậy, khi nhận thấy triệu chứng, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, phòng tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Leave a reply