Viêm phế quản mãn tính được xem là bệnh lý nguy hiểm liên quan đến hệ hô hấp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm phế quản mạn tính có thể biến chứng dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy hô hấp, và nghiêm trọng hơn là ung thư phế quản, ung thư phổi hoặc lao phổi.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là một loại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là tình trạng viêm phế quản cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm gây tái đi tái lại nhiều lần, dẫn đến việc các ống phế quản bị tổn thương nghiêm trọng tạo ra nhiều đàm, gây ho và khó thở.
Nếu không được khắc phục sớm, viêm phế quản mãn tính có thể biến chứng trở thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vô cùng nguy hiểm, khó điều trị, để lại nhiều hậu quả lâu dài và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Phân loại viêm phế quản mạn tính
Bệnh viêm phế quản mạn tính thường được chia ra làm 3 loại là:
- Viêm phế quản mạn tính đơn thuần (không tắc nghẽn): Loại này thường có tiên lượng tốt, triệu chứng chủ yếu tập trung ở các phế quản lớn, ít có sự kích ứng đường thở.
- Viêm phế quản mạn tính dạng hen (Có tắc nghẽn – co thắt): Loại viêm phế quản mạn tính này có thể tiến triển thành hen phế quản và có liên quan chặt chẽ tới tình trạng dị ứng.
- Viêm phế quản mạn tính dạng khí phế thũng: Trường hợp này tiên lượng không tốt vì đây là biểu hiện của tình trạng tắc nghẽn đường thở nhỏ, có nguy cơ cao sẽ tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mãn tính không phải do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra. Nguyên nhân chính của viêm phế quản mãn tính là do hút thuốc lá, hít phải không khí ô nhiễm và bụi bẩn, khí độc hại tại nơi làm việc hoặc môi trường xung quanh. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn cũng hút thuốc.
Hiếm khi, một tình trạng di truyền được gọi là thiếu alpha-1 antitrypsin có thể đóng một vai trò trong việc gây ra viêm phế quản mãn tính.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phế quản mạn tính, chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc hoặc sống với người hút thuốc có nguy cơ cao hơn mắc cả hai bệnh viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính.
- Sức đề kháng thấp: Đây có thể là hậu quả của một bệnh cấp tính, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc một tình trạng mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với chất gây kích ứng phổi. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản tăng cao nếu bạn làm việc trong một môi trường có các chất kích thích phổi, chẳng hạn như ngũ cốc, vải dệt hoặc tiếp xúc với hơi hóa chất.
- Trào ngược dạ dày: Ợ nóng do trào ngược lặp đi lặp lại có thể gây kích thích cổ họng và dễ dẫn đến bệnh viêm phế quản.
- Tuổi: Hầu hết những người bị viêm phế quản mãn tính thường từ 40 tuổi trở lên.
- Di truyền: Điều này bao gồm sự thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, là một tình trạng di truyền. Ngoài ra, những người hút thuốc bị viêm phế quản mãn tính có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn nếu họ có tiền sử gia đình mắc COPD.

Triệu chứng viêm phế quản mạn tính
Các triệu chứng viêm phế quản mạn tính phổ biến là:
- Ho, ho có đờm trắng đục, vàng nâu hoặc xanh.
- Mệt mỏi.
- Khó thở, thở khò khè.
- Sốt nhẹ và ớn lạnh.
- Khó chịu ở ngực.
Những người bị viêm phế quản mãn tính thường bị ho và có chất nhầy trong nhiều năm trước khi họ bị khó thở.
Các triệu chứng viêm phế quản mạn tính khác có thể bao gồm:
- Móng tay, môi và da hơi xanh do lượng oxy thấp hơn.
- Thở khò khè và tiếng nổ lách tách khi thở.
- Bàn chân sưng lên.
- Suy tim.
Các triệu chứng viêm phế quản mãn tính có thể giống các bệnh phổi khác hoặc các vấn đề sức khỏe về hô hấp.
Đường lây truyền của bệnh
Viêm phế quản mạn tính là bệnh mắc phải do các yếu tố không lây, vì vậy bản thân bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên các yếu tố như khói, bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường,… lại ảnh hưởng đến một nhóm người, nhóm cư dân hay một cộng đồng dân cư nên viêm phế quản mạn tính lại có thể gặp ở nhiều người trong một cộng đồng có điều kiện sống và làm việc tương tự nhau.
Các biến chứng bệnh viêm phế quản mạn tính
Nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị viêm phế quản mạn tính kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng thành:
- Tình trạng khí phế thũng thường xuất hiện dưới dạng trung tâm tiểu thùy, thường gặp ở những người hút thuốc lá nhiều năm.
- Tăng áp động mạch phổi dẫn đến tâm phế mạn: Đây là hậu quả của sự giảm thông khí phế nang làm giảm Oxy phế nang gây co mạch và phá hủy các đường mạch máu phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tâm phế mạn và suy hô hấp là những vấn đề nặng nề và nguy hiểm thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh.
Chẩn đoán viêm phế quản mạn tính
Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe thật rõ phổi khi thở. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị:
- Chụp X-quang: Phương pháp này có thể giúp xác định xem bạn có bị viêm phổi hay một tình trạng khác gây ra cơn ho không, điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có thói quen hút thuốc.
- Xét nghiệm đờm: Cuộc xét nghiệm này kiểm tra xem liệu bạn có bị bệnh ho gà hoặc các bệnh khác có thể điều trị bằng kháng sinh hay không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra để tìm các dấu hiệu dị ứng.
- Kiểm tra chức năng phổi: Cuộc xét nghiệm này xác định xem bạn có các dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc bệnh khí phế thũng hay không.
Điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính
Tùy vào từng tình trạng cụ thể mà cách chữa viêm phế quản mạn tính sẽ khác nhau. Nhìn chung, các phương pháp điều trị sẽ nhằm vào các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Thuốc: Người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính thường được bác sĩ chỉ định cho sử dụng thuốc giãn phế quản. Thuốc này có tác dụng mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp người bệnh có thể thở một cách dễ dàng hơn.
- Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng một loại máy hô hấp giúp đưa thuốc vào cơ thể. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc theophylline nhằm xoa dịu các lớp cơ ở đường thở, giúp người bệnh có thể thở dễ dàng hơn.
- Trong trường hợp cả hai loại thuốc trên đều không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm dạng hít hoặc viên nén, giúp mở đường thở.
- Chương trình phục hồi chức năng phổi: Đây là phương pháp bao gồm các bài tập thể dục, các bài tập về hô hấp và chế độ dinh dưỡng phù hợp với những người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Việc áp dụng một cách khoa học chương trình phục hồi chức năng phổi sẽ giúp người bệnh nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và giúp quá trình thở được diễn ra dễ dàng hơn.
- Sử dụng các thiết bị làm sạch chất nhầy, giúp người bệnh có thể ho ra chất lỏng dễ dàng hơn.
- Liệu pháp oxy giúp người bệnh viêm phế quản mãn tính thở tốt hơn.

Cách phòng tránh bệnh viêm phế quản mãn tính
Để phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, ngay từ bây giờ, mọi người cần lưu ý những điều sau:
- Bỏ hút thuốc lá: Từ bỏ thói quen hút thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân bạn, mà cả những người xung quanh.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi để tránh nguy cơ xâm nhập của những tác nhân gây hại đến đường hô hấp.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn; vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý; vệ sinh sạch sẽ nở ở, hạn chế tối đa bụi bẩn gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm phổi, tiêm vắc xin cúm, vắc-xin ho gà… cũng là phương cách hữu hiệu giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản mãn tính.
Leave a reply