Viêm phổi là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo thống kê cho thấy, mỗi năm trên thế giới ghi nhận gần 2 triệu ca mắc viêm phổi, 25% trong số đó gặp phải biến chứng nặng, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Vì vậy việc phát hiện, điều trị để hạn chế gây ra tình trạng viêm phổi nặng ở trẻ em là rất cần thiết.
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm phổi ở trẻ em hay viêm phổi nói chung là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, khi virus và vi khuẩn tấn công cơ quan này và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường gặp nhất là phế cầu khuẩn.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng và tử vong hơn.
Các loại viêm phổi thường gặp ở trẻ nhỏ
Viêm phổi thùy: Viêm phổi thùy là bệnh gây tổn thương tổ chức tại phổi như phế nang, tiểu phế quản tận cùng, mô liên kết kẽ. Viêm phổi thùy thường gặp ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính, suy giảm miễn dịch, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, hay mắc các bệnh phổi từ trước như giãn phế quản, viêm phế quản mạn, hen phế quản… Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, như mùa Đông Xuân là thời kỳ có tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cao nhất.
Viêm phổi phế quản: Viêm phổi phế quản (hay viêm phế quản phổi) là nhiễm trùng cấp tính lan tỏa ở phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ. Viêm phổi phế quản là tình trạng bệnh tiến triển nhanh, biến chứng nặng, có khả năng gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc căn bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em
Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi bao gồm:
- Vi rút: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi. Thời điểm thời tiết hay đổi hay những lúc chuyển giao các mùa là điều kiện thích hợp để vi rút sinh sôi nảy nở. Một số vi rút gây ra bệnh viêm phổi có thể kể đến như vi rút cúm, Adenovirus, vi rút hợp bào hô hấp,…
- Các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng: Không chỉ vi rút, vi khuẩn cũng là tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi. Một số loại vi khuẩn phổ biến như: Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma, Chlamydia,…
- Môi trường xung quanh bị ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo, điều kiện sống thiếu tiện nghi,… vừa là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển vừa là nguyên nhân khởi phát bệnh.
- Trẻ em có người thân mắc lao phổi hoặc nghiện thuốc là thì có tỉ lệ mắc viêm phổi cao hơn những đứa trẻ khác.
- Chăm sóc không đúng cách: Bố mẹ không chăm sóc con đúng cách cũng khiến trẻ dễ mắc viêm phổi hơn. Chẳng hạn, không cho trẻ bú sữa mẹ, không cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không tiêm phòng đầy đủ cho trẻ,…
- Những đứa trẻ sinh thiếu tháng, khi sinh ra nhẹ cân, hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các dị tật bẩm sinh liên quan đến hô hấp,… thì nên cẩn trọng hơn với viêm phổi. Nếu không may mắc phải bệnh viêm phổi, những đối tượng này sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng nặng cao hơn.
Trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi?
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi,… Tuy nhiên, một đứa trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những đứa trẻ khác, nếu như:
- Trẻ có hệ thống miễn dịch yếu, trẻ sinh non.
- Có bệnh lý nền mãn tính như hen suyễn, xơ nang, tim bẩm sinh, đái tháo đường, tăng động giảm chú ý, trầm cảm…
- Phổi yếu hoặc có vấn đề về hệ hô hấp.
Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc viêm phổi nếu hít phải khói thuốc lá thụ động từ phụ huynh.

Dấu hiệu nhận biết trẻ em đang mắc bệnh
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
- Sốt cao trên 39 độ.
- Mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục.
- Tình trạng khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp và cố gắng lấy nhiều oxy hơn để thở.
- Ho khan vào thời gian đầu và sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh hoặc vàng.
- Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không đủ oxy.
- Tức ngực hoặc đau bụng.
- Nôn trớ hoặc tiêu chảy.
- Bỏ bú hoặc bú ít.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ
- Thở rất nhanh.
- Thở rít hoặc thở khò khè, thở khó khăn.
- Sốt.
- Ho.
- Nghẹt mũi.
- Ớn lạnh.
- Nôn ói.
- Đau tức ngực.
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Mệt mỏi, ít vận động.
- Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon.
- Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám.
Thở nhanh: Thở nhanh là dấu hiệu đầu tiên cần nghĩ đến viêm phổi ở trẻ nhỏ, mẹ sẽ đếm nhịp thở của trẻ bằng cách để trẻ nằm yên, không hoạt động gắng sức, đếm nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng trong trọn vẹn 1 phút.
Bệnh viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh viêm phổi ở trẻ em diễn biến từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.
- Tràn dịch màng phổi: Việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi. Điều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở.
- Áp xe phổi: Các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe.
- Hội chứng suy hô hấp cấp: Những người bị viêm phổi cả hai thùy rất dễ gặp phải tình trạng này.
- Suy hô hấp: Dưới sự tác động của vi khuẩn, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác. Chẳng hạn như giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức.
Biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
Hằng năm, một tỷ lệ lớn trẻ em tử vong vì viêm phổi do không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.
Khi trẻ có các dấu hiệu của viêm phổi cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định chụp X-Quang phổi để chẩn đoán và đánh giá chính xác mức độ tổn thương phổi. Ngoài ra các xét nghiệm máu, cấy dịch tiết đường hô hấp cũng được tiến hành tùy thuộc vào mức độ của bệnh và để tìm căn nguyên gây bệnh.
Khi đã xác định trẻ em mắc bệnh viêm phổi, tùy vào giai đoạn và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có hướng điều trị khác nhau:
- Bệnh viêm phổi ở trẻ em do vi khuẩn và mycoplasma: điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Viêm phổi ở trẻ em do virus: điều trị bằng cách nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Viêm phổi ở trẻ em do nấm: điều trị bằng thuốc chống nấm.

Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi cho bé:
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn cho trẻ.
- Để phòng bệnh nói chung và phòng bệnh viêm phổi nói riêng, trẻ sơ sinh cần phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và kéo dài đến ít nhất 24 tháng tuổi.
- Mẹ và người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay thường xuyên bằng nguồn nước sạch và luôn giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, và không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh lý đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ bị viêm phổi từ người sang người.
- Luôn nhắc nhở người thân trong gia đình không được hút thuốc.
- Luôn vệ sinh nhà cửa thường xuyên, phòng ở luôn sạch sẽ, thoáng đãng, kín gió mỗi khi thời tiết trở lạnh.
- Khi trẻ có những dấu hiệu về hô hấp, không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà, mà cần phải đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế gần nhất, đây là cách phòng tránh viêm phổi cho trẻ sơ sinh an toàn mà không sợ bị tác dụng phụ từ thuốc.
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ. Vì thế, nếu phát hiện thấy các dấu hiệu kể trên cần đưa trẻ đến cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Phòng bệnh sớm cho trẻ bằng vắc xin giúp tránh được nguy cơ mắc bệnh, diễn biến nặng và tử vong. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh thận trọng theo dõi, chăm sóc bé nhằm bảo vệ lá phổi khỏe mạnh, tránh nguy cơ diễn biến nặng, suy hô hấp.