Viêm túi thừa là bệnh lý thường gặp nhưng thực tế lại không có triệu chứng đặc biệt. Do đó nhiều người đã nhầm lẫn và mua thuốc uống không đúng bệnh dẫn đến những biến chứng tiêu cực.
Viêm túi thừa đại tràng là bệnh gì?
- Túi thừa đại tràng là gì: Túi thừa là những túi nhỏ, phồng lồi ra bên ngoài thành đại tràng. Túi thừa có thể xảy ra bất cứ nơi nào ở đại tràng nhưng phổ biến nhất là ở gần cuối của đại tràng phía bên trái (đại tràng chậu hông). Bệnh túi thừa thường gặp, đặc biệt là sau 40 tuổi.
- Viêm túi thừa đại tràng là gì: Viêm túi thừa là tình trạng túi thừa bị viêm nhiễm và các mô xung quanh túi thừa sưng phù nề. Viêm túi thừa có thể diễn tiến gây các biến chứng như xuất xuất, thủng gây đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đi cầu máu.
Viêm túi thừa nhẹ có thể được điều trị bằng việc thay đổi chế độ ăn uống như ăn thực phẩm giàu chất xơ, dùng thuốc chống co thắt cơ hoặc thuốc kháng sinh. Trường hợp viêm túi thừa nặng gây biến chứng hoặc tái phát, người bệnh có thể phải phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh viêm túi thừa đại tràng
Giả thuyết được phần lớn các chuyên gia chấp nhận tại sao hình thành túi thừa đó là do tăng áp lực trong lòng đại tràng, do chế độ ăn ít chất xơ làm những vùng yếu của thành đại tràng bị lồi ra và hình thành những túi thừa.
Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị viêm túi thừa
Một vài yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa gồm:
- Tuổi tác: Viêm túi thừa thường gặp ở những người trên 40 tuổi. Nó không xảy ra thường xuyên với những người dưới 30 tuổi. Tỷ lệ viêm túi thừa gia tăng theo tuổi tác. Đàn ông có nguy cơ mắc viêm túi thừa cao hơn phụ nữ.
- Béo phì: Thừa cân nghiêm trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị viêm túi thừa hơn những người không hút thuốc.
- Thiếu vận động: Tập thể dục mạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa.
- Ăn ít chất xơ: Bệnh viêm túi thừa phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
- Một số loại thuốc: Các loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau gây ngủ có thể làm tăng táo bón và làm tăng áp lực trong lòng đại tràng.
Ngoài ra, các yếu tố như béo phì, thừa cân và lười vận động, hút thuốc cũng khiến nguy cơ bị viêm túi thừa tăng cao.

Triệu chứng của viêm túi thừa địa tràng
Đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có triệu chứng lâm sàng. Số ít có triệu chứng đau bụng (thường ở vùng bụng dưới bên trái), kèm cảm giác trướng bụng, đầy hơi, rối loạn đại tiện (thường là táo bón, đôi khi phân lỏng hoặc phân có máu).
Khi túi thừa bị viêm, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng sau:
- Đau đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái, đau bụng có thể nhẹ lúc đầu và diễn tiến nặng hơn trong vài ngày.
- Thay đổi thói quen đi tiêu, thường đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón.
- Chán ăn, buồn nôn và nôn ói.
- Sốt, thậm chí sốt cao, rét run.
- Trướng bụng, đầy hơi.
- Chảy máu từ trực tràng (ít gặp).
- Đau rát khi đi tiểu.
- Khí hư bất thường.
Trong trường hợp viêm túi thừa nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp viêm túi thừa đại tràng nặng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt trên 38°C.
Biến chứng viêm túi thừa đại tràng
Một số biến chứng của viêm túi thừa đại tràng là:
- Áp xe, tích tụ mủ trong túi thừa.
- Viêm phúc mạc: Tình trạng này xảy ra khi viêm túi thừa diễn tiến nặng hoặc bị thủng, tạo điều kiện cho dịch tiêu hóa hay chất thải trong ruột rơi vào khoang bụng dẫn đến sự viêm nhiễm nặng cho lớp phúc mạc. Nếu viêm phúc mạc xảy ra thì người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức.
- Tình trạng tắc nghẽn trong đại tràng.
Chẩn đoán bệnh viêm túi thừa đại tràng
Để chẩn đoán một cách chính xác tình trạng túi thừa bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ:
- Dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng (phát hiện đau ở hố chậu trái).
- Xét nghiệm máu để phát hiện tình trạng nhiễm trùng do bạch cầu tăng.
- Chụp X-quang đại tràng: Xác định mức độ lan rộng của bệnh.
- Chụp CT: Phân biệt túi thừa viêm hoặc nhiễm trùng.
- Nội soi đại tràng bằng ống mềm thực hiện qua ngã hậu môn: Quan sát mặt trong của đại tràng, cung cấp thông tin bổ sung cho chẩn đoán và điều trị.
Biện pháp điều trị viêm túi thừa đại tràng
Những bệnh nhân mắc bệnh túi thừa không có triệu chứng được khuyên ăn chế độ nhiều chất xơ.
Hầu hết các trường hợp viêm túi thừa có thể được điều trị với kháng sinh. Viêm túi thừa với biến chứng áp xe có thể được điều trị với kháng sinh và dẫn lưu.
Phẫu thuật cho bệnh túi thừa được chỉ định trong các tình huống sau:
- Viêm túi thừa vỡ dẫn đến mủ và phân chảy vào trong ổ bụng gây viêm phúc mạc. Bệnh thường nặng và cần phải mổ cấp cứu.
- Áp xe dẫn lưu không hiệu quả.
- Trường hợp nặng của viêm túi thừa không đáp ứng điều trị nội khoa.
- Cần thiết điều trị tích cực ở bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như bệnh nhân sau ghép tạng hoặc hoá trị.
- Viêm túi thừa gây hẹp đại tràng hoặc rò.
Chăm sóc tại nhà nếu viêm túi thừa
Người bệnh cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, tránh vận động mạnh. Thường sau vài ngày các triệu chứng sẽ được cải thiện, người bệnh có thể ăn thêm nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, trái cây.

Cách phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng
Một số cách để phòng tránh việc túi thừa bị viêm bao gồm:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc,… nói chung bạn phải nạp vào cơ thể đầy đủ chất xơ.
- Hạn chế ăn các trái cây có hạt như cà chua, ổi, vừng, dâu tây,…
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Không được nhịn tiểu, vì việc này khiến phân khô, đòi hỏi phải rặn nhiều, làm tăng áp lực đại tràng.
- Cố gắng đừng để bản thân bị stress.
- Chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày, chỉ cần tập các bài tập nhẹ nhàng hoặc đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày cũng giúp hạn chế đáng kể việc bị viêm nhiễm túi thừa đại tràng.
Bệnh viêm túi thừa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vì vậy chúng ta nên phòng ngừa và khám sức khỏe định kỳ chuyên khoa tiêu hóa nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị, tránh những rủi ro đáng tiếc.