Viêm tụy mạn tính là tình trạng tụy bị tổn thương và viêm kéo dài khiến chức năng của cơ quan này giảm dần, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị tốt, viêm tụy mạn tính có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân.
Viêm tụy mạn là bệnh gì?
Tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, hình chiếc lá và nằm ẩn vào thành sau ổ bụng. Cơ quan này vừa có chức năng nội tiết, vừa có chức năng ngoại tiết.
Chức năng nội tiết của tụy là tiết ra các hormone duy trì nồng độ glucose trong máu; nếu insulin do tụy tiết ra quá ít hay các mô cơ thể có sự đề kháng, lượng đường trong máu tăng lên gây ra đái tháo đường. Đối với chức năng ngoại tiết, tụy sản xuất ra các men tiêu hóa, theo ống tụy cùng với dịch mật đổ vào tá tràng, phân giải thức ăn thành các phân tử dinh dưỡng để hấp thu vào trong máu.
Những đợt viêm cấp tính xảy trên nhu mô tụy cuối cùng sẽ dẫn đến viêm tụy mạn. Đây là một quá trình bệnh lý đặc trưng bởi sự tổn thương tụy không hồi phục, được xác định bằng các bất thường mô học bao gồm viêm mạn tính, xơ hóa và sự phá hủy mô tụy ngoại tiết lẫn nội tiết.
Nguyên nhân gây bệnh
Rượu và thức uống chứa cồn
Rượu là nguyên nhân chính gây viêm tụy mạn tính, có mặt trong khoảng 70% trường hợp mắc bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, một người tiêu thụ ít nhất 150g rượu mỗi ngày, kéo dài trên 5 năm có nguy cơ cao mắc viêm tụy mạn.
Nguyên nhân do độc chất và chuyển hóa
Các nguyên nhân như hút thuốc lá, rối loạn chuyển hoá Lipid máu, suy thận mạn,… cũng khá phổ biến ở các bệnh nhân viêm tụy mạn tính.
Nguyên nhân do tắc nghẽn kéo dài
Nhóm nguyên nhân này bao gồm: Dị dạng phôi thai tụy đôi, tắc nghẽn ống tụy mật, nang tá tràng trước nhú, rối loạn cơ vòng Oddi,… Bên cạnh đó, viêm tụy mạn tính cũng có thể là biến chứng sau viêm tụy do bệnh lý mạch máu, viêm tụy hoại tử cấp, thiếu máu tại tụy cục bộ,…
Nguyên nhân khác
Bao gồm: Các bất thường trong di truyền, bệnh lý tự miễn, ngoài ra nhiều trường hợp viêm tụy mạn tính không tìm được nguyên nhân.

Triệu chứng viêm tụy mạn tính
Hầu hết những người bị mạn tính thường có các triệu chứng như sau:
- Đau ở bụng trên, thường xảy ra sau ăn, có thể lan ra sau lưng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Sụt cân.
- Phân có mỡ.
Viêm tụy mạn tính nguy hiểm như thế nào?
Viêm tụy mạn tính nói riêng và các bệnh lý mạn tính nói chung là những bệnh lý khó điều trị, tổn thương khó hồi phục như ban đầu và chức năng của cơ quan cũng giảm dần. Tụy là cơ quan có cả chức năng nội tiết và ngoại tiết quan trọng, viêm tụy mạn tính sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa chất trong cơ thể.
Các biến chứng thường gặp do viêm tụy mạn tính bao gồm:
Nhiễm trùng
Viêm tụy mạn tính có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tuyến tụy. Nếu không điều trị kịp thời, mô tụy nhiễm trùng có khả năng bị xơ hoá dẫn đến mất chức năng tuyến tụy hoặc bị hoại tử gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nang giả tụy
Nang lớn ở tụy vỡ ra có thể gây nguy hiểm do biến chứng nhiễm trùng, chảy máu nội tạng.
Suy dinh dưỡng
Viêm tụy mạn tính khiến việc sản xuất các enzyme cần thiết trong việc hấp thu, xử lý chất dinh dưỡng bị rối loạn nên cơ thể người bệnh thường bị thiếu chất, tiêu chảy, suy dinh dưỡng,…
Ung thư tuyến tụy
Viêm tụy mạn tính dễ phát triển thành ung thư tụy hơn so với người không mắc căn bệnh này, tỉ lệ tử vong rất cao và khó điều trị.
Tiểu đường
Viêm tụy mạn tính ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát đường huyết, tế bào sản xuất insulin bị tổn thương nên bệnh nhân thường mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân viêm tụy mạn có tăng nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến tụy và nguy cơ này dường như là lớn nhất đối với những bệnh nhân bị viêm tụy di truyền và viêm tụy nhiệt đới.
Biện pháp điều trị bệnh
Bệnh nhân viêm tụy mạn thường có những triệu chứng và/hoặc biến chứng như đau bụng mạn tính, suy dinh dưỡng, tiêu phân mỡ do thiếu men tuỵ, đái tháo đường do rối loạn men tuỵ nội tiết và thậm chí ung thư tuỵ.
Do đó, trong điều trị viêm tụy mạn tập trung chủ yếu vào việc cải thiện các triệu chứng, giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển cũng như phát hiện và điều trị kịp thời biến chứng ung thư tuỵ.
- Điều trị nguyên nhân như ngưng rượu, thuốc lá, sỏi mật, tăng triglyceride máu… để ngăn ngừa viêm tụy tái phát.
- Giảm đau nếu bệnh nhân viêm tụy mạn bị đau nhiều. Có thể dùng thuốc hoặc nội soi lấy sỏi tuỵ, thậm chí can thiệp phẫu thuật sỏi tuỵ nếu cần để giảm đau.
- Điều trị hỗ trợ men tụy ở những bệnh nhân có bằng chứng thiếu men tuỵ ngoại tiết.
- Điều trị với insulin nếu bệnh nhân có biến chứng đái tháo đường, đồng thời theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư tuỵ.

Các phương pháp phòng ngừa bệnh viêm tụy
Để phòng ngừa viêm tuỵ, bác sĩ khuyên người dân nên:
- Hạn chế uống rượu, bia, thuốc lá.
- Ăn uống khoa học, sạch sẽ để tránh nhiễm ký sinh trùng.
- Hạn chế ăn mặn, ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất béo.
- Nếu mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật cần quản lý tốt bệnh nền và nên thăm khám định kỳ để tránh biến chứng gây viêm tuỵ.
Viêm tụy mạn là một bệnh lý mạn tính nặng nề trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Do chức năng của tuyến tụy nên đến nay vẫn chưa thể tái lập hoàn toàn bằng nhân tạo được. Tuy nhiên, có kiến thức để đề phòng bệnh lý này, phát hiện và tích cực điều trị ngay từ đầu sẽ phần nào thuyên giảm được những tác động nặng nề mà bệnh gây ra.
Leave a reply