Bệnh võng mạc trẻ sinh non là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc. Bệnh có thể gây mù lòa cho trẻ từ rất sớm thường trong vòng 6 tháng đầu đời nếu trẻ có bệnh mà không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là tình trạng rối loạn tăng sinh mạch máu, xảy ra ở võng mạc trẻ sinh non với quá trình tạo mạch máu võng mạc không hoàn chỉnh. Trẻ sinh non (trước 31 tuần), trẻ nhẹ cân (dưới 1,25 kg) và đặc biệt là những trẻ có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. ROP được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Các giai đoạn tổn thương của bệnh võng mạc trẻ sinh non
Dựa theo mức độ tiến triển, bệnh được chia ra làm 5 giai đoạn (GĐ):
- GĐ 1: Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa võng mạc bình thường ở phía sau với vùng võng mạc vô mạch.
- GĐ 2: Ranh giới giữa hai khu vực rộng ra và dày lên thành một cái gờ.
- GĐ 3: Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc, mạch máu có thể xuất huyết.
- GĐ 4: Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú.
- GĐ 5: Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.
Bệnh võng mạc cộng – Plus disease: là hiện tượng giãn và ngoằn nghèo của mạch máu võng mạc quanh gai thị ít nhất trên hai góc phần tư.

Nguyên nhân gây bệnh
Thông thường, mắt của trẻ sẽ bắt đầu phát triển từ tuần thứ 16 của thai kỳ, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mạch máu võng mạc ở dây thần kinh thị giác phía mặt sau của mắt. Các mạch máu võng mạc dần phát triển tiến về phía cạnh của võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc.
Quá trình phát triển này diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối của thai kỳ. Trẻ sinh non chưa đủ tháng khiến quá trình phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận được các cạnh võng mạc. Võng mạc chưa phát triển hoàn thiện, không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến khả năng mắc bệnh lý võng mạc.
Các yếu tố nguy cơ
- Tuổi thai và cân nặng lúc sinh thấp: Là yếu tố nguy cơ quan trọng đầu tiên, tuổi thai và cân nặng lúc sinh càng thấp thì tỉ lệ mắc bệnh và bệnh nặng càng cao.
- Sử dụng oxy: Nồng độ ô xy trong máu thấp hay cao đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh võng mạc trẻ sinh non.
- Các yếu tố khác: Chủng tộc, ánh sáng, vitamin E, truyền máu, xuất huyết nội sọ, co giật, bại não; loạn sản phế quản phổi và bệnh màng trong; thụ tinh ống nghiệm; thiếu oxy mãn trong tử cung; có nhiều cơn ngưng thở, tím, nhịp tim chậm; nhiễm trùng huyết Candida;…
Triệu chứng của bệnh võng mạc trẻ ở trẻ sinh non
Diễn biến bất thường của mạch máu võng mạc không thể quan sát bằng mắt thường mà phải nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị y tế, cho đến khi bệnh võng mạc trẻ sinh non trở nên nghiêm trọng thì trẻ có thể có các dấu hiệu sau:
- Mắt chuyển động bất thường.
- Mắt lác.
- Đồng tử màu trắng.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thường chưa xuất hiện ngay khi trẻ vừa ra đời. Một số trẻ sẽ có mạch máu võng mạc phát triển bình thường. Một số trẻ sau một thời gian khi các mạch máu võng mạc không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc sẽ mắc bệnh.
Tình trạng bệnh võng mạc ở trẻ sinh non được chia làm 2 loại là bệnh nhẹ có thể tự lành và bệnh nặng cần điều trị.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non thường ở thể nhẹ (chiếm khoảng 90%), bệnh có thể tự cải thiện và không có ảnh hưởng gì lâu dài. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ và theo dõi thường xuyên để tránh những biến chứng sau này.
Bệnh võng mạc trẻ sơ sinh ở thể nặng cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gây suy giảm thị lực, nhiều trường hợp bị mù vĩnh viễn. Ước tính có khoảng 1.100 – 1.500 trẻ sơ sinh mắc bệnh võng mạc cần điều trị mỗi năm.
Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ra sao?
Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, điều trị càng sớm hiệu quả thu được sẽ càng cao. Phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh võng mạc ở trẻ sinh non hiện nay là điều trị bằng laser quang đông. Kỹ thuật điều trị bằng laser giúp loại bỏ vùng võng mạc không mạch máu ở ngoại vi, giảm tỷ lệ nếp gấp võng mạc và bong võng mạc. Trước khi tiến hành kỹ thuật laser quang đông, trẻ cần được điều trị ổn định các bệnh đang mắc như viêm phổi, suy hô hấp, thiếu máu,…; cho trẻ nhịn ăn trước điều trị 3-4 giờ; đồng tử được giãn tốt bằng Mydrin-P.

Cách phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, thai phụ cần lưu ý chăm sóc bản thân thật tốt để tránh sinh non và thăm khám thai sản định kỳ. Một số biện pháp dưới đây sẽ hỗ trợ thai phụ phòng ngừa sinh non hiệu quả:
- Không nên có thai quá sớm <18 tuổi, hoặc quá trễ >35 tuổi.
- Tìm nguyên nhân và điều trị nếu thai phụ từng có tiền sử sinh non.
- Uống đủ nước để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu tử cung.
- Không nhịn tiểu, thai phụ vệ sinh thật kỹ sau khi đi vệ sinh để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
- Vệ sinh răng miệng, điều trị các bệnh nha chu.
- Hạn chế tư thế nằm ngửa, có thể nằm nghiêng sang trái hoặc nghiêng sang phải.
- Cân bằng thời gian biểu giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh công việc nặng nhọc, công việc nguy hiểm, hoặc môi trường độc hại.
- Theo dõi chặt chẽ để phát hiện những cơn gò tử cung bất thường, đi khám và điều trị dự phòng sinh non kịp thời.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ sau này. Do đó, mẹ cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt hạn chế nguy cơ sinh non, và tiêm phòng đầy đủ những loại vắc xin cần thiết trước mang thai để không chỉ bảo vệ trẻ trước bệnh ROP, mà còn nhiều căn bệnh khác có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ.