Xẹp nhĩ là một trong những bệnh về thính giác gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của người mắc. Bệnh do nhiều yếu tố gây nên như viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm nhiễm đường hô hấp,… Xẹp màng nhĩ thường có thể hồi phục và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, nắm rõ các thông tin liên quan và cách điều trị xẹp nhĩ là điều rất cần thiết.
Xẹp nhĩ là gì?
Xẹp nhĩ là hiện tượng màng nhĩ xẹp vào trong hòm tai làm cho khoảng trống của hòm tai bị thu hẹp. Nếu xẹp nhĩ chỉ xảy ra ở một phần màng nhĩ thì được gọi là xẹp nhĩ khu trú. Xẹp nhĩ nếu để kéo dài thì sẽ gây ra viêm tai dính rất nguy hiểm.
Nguyên nhân gây xẹp nhĩ
Xẹp nhĩ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là:
- Chức năng thông khí của hòm tai bị suy giảm do rối loạn chức năng của vòi nhĩ, gây áp lực trong hòm nhĩ âm tính. Do áp lực âm tính nên màng nhĩ luôn bị kéo căng vào trong. Quá trình này làm cho các sợi của màng nhĩ yếu đi, giảm độ đàn hồi.
- Thay đổi cấu trúc hòm nhĩ có thể làm giảm sức căng của màng nhĩ.
- Viêm tai giữa.
- Nhiễm trùng do dị ứng, các bệnh về đường hô hấp dẫn đến mất cân bằng áp suất không khí ở cả hai tai. Khi ống vòi nhĩ không hoạt động bình thường, nó làm suy giảm khả năng co giãn màng nhĩ.
- Tiền sử thủng màng nhĩ.
- Bệnh tăng tiết dịch nhầy.
- Viêm nhiễm đường thở.
- Xương chũm kém phát triển.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Quá trình xẹp nhĩ do nhiều yếu tố gây ra như:
- Yếu tố thông khí của hòm tai: Rối loạn chức năng vòi đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh
- Yếu tố cơ địa: Bệnh tăng quánh nhày, yếu tố dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp, xương chũm kém phát triển.
- Yếu tố viêm nhiễm: Viêm xuất hiện trong tai giữa làm tiêu lớp sợi ở màng căng và tăng áp lực âm ở hòm tai.

Phân loại xẹp nhĩ
Phân loại được xẹp nhĩ dựa trên vị trí xẹp nhĩ xuất hiện. Xẹp nhĩ xuất hiện ở màng chùng và xẹp nhĩ xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ đều được chia thành 4 cấp độ khác nhau:
Cấp độ của xẹp nhĩ xuất hiện ở phần màng chùng
- Cấp độ 1: Kích cỡ của túi co kéo còn nhỏ, chưa có hiện tượng dính đáy túi vào xương búa.
- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, đáy túi co kéo đã túi tiếp xúc với cổ xương búa.
- Cấp độ 3: Vị trí túi co kéo đã ăn sâu vào phía thượng nhĩ và bắt đầu có tổn thương xương.
- Cấp độ 4: Túi co kéo ăn mòn tường thượng nhĩ và tổn thương xương búa.
Xẹp nhĩ xảy ra ở toàn bộ màng nhĩ
- Cấp độ 1: Màng nhĩ bị ép vào trong, gờ vành tai không lộ rõ. Đối với cấp độ này do không có triệu chứng cơ năng nên không cần điều trị.
- Cấp độ 2: Màng nhĩ lõm sâu chạm xuống xương đê, hoặc dính vào xương đe. Thông thường lớp sợi màng nhĩ sẽ bị mất đi và áp lực âm trong hòm nhĩ có thể tiêu huỷ mô sợi của màng nhĩ và chuỗi xương con.
- Cấp độ 3: Màng nhĩ mới chỉ chạm vào ụ nhô mà chưa dính vào ụ nhô. Đối với những trường hợp này việc đặt ống thông khí có thể đưa phần dính vào ụ nhô trở về bình thường được lựa chọn để thực hiện.
- Cấp độ 4: Màng nhĩ đã dính vào ụ nhô và chui sâu vào trong hòm nhĩ. Phẫu thuật là bắt buộc đối với những bệnh nhân có xẹp nhĩ ở giai đoạn này.
Triệu chứng của xẹp nhĩ
Các triệu chứng của xẹp nhĩ như sau:
- Thính giác bị bóp nghẹt hoặc mất một phần thính giác (giảm thính lực, nghe kém).
- Cảm giác đầy tai.
- Ù tai không liên tục.
- Nghe kém xuất hiện nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
- Đau tai.
- Tiếng vang trong tai.
Xẹp nhĩ có nguy hiểm không?
Xẹp nhĩ có thể gây ra các triệu chứng nhỏ nếu nó phát triển chậm hoặc chỉ liên quan đến một phần của màng nhĩ. Nếu tình trạng phát triển nhanh chóng hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ màng nhĩ, các triệu chứng có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác, gây ra hiện tượng ù tai, nghe kém, đau từng cơn và viêm tai dính. Nặng hơn là gây áp lực âm bên trong tai giữa có thể dẫn đến các vấn đề khác bao gồm: teo các thành xương của tai giữa, ăn mòn xương con, thường là ngành xuống của xương đe, có thể mất thính lực vĩnh viễn, Cholesteatoma,…
Như vậy, tuy không nguy hiểm nhưng bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt người bệnh.
Chẩn đoán bệnh xẹp nhĩ tai
- Khám tai.
- Nội soi tai mũi họng là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán xẹp nhĩ: phát hiện sự thay đổi màu sắc, độ rung động, sự dính của màng nhĩ với các thành phần bên trong hòm tai.
- Đo thính lực, nhĩ lượng: đánh giá tổn thương về sức nghe và chức năng vòi nhĩ.
- CT – Scan xương thái dương khi cần thiết để xác định rõ tổn thương và là bản đồ cho phẫu thuật sau này.
Biện pháp điều trị bệnh xẹp nhĩ tai
Mục tiêu của điều trị xẹp nhĩ là phục hồi lại hòm nhĩ thất về kích thước bình thường. Đồng thời khôi phục chức năng bình thường của các chuỗi xương con. Do đó, các phương pháp điều trị xẹp nhĩ như sau:
- Phương pháp bơm hơi vào vòi nhĩ nếu phát hiện sớm tình trạng bệnh. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này rất ít được sử dụng.
- Phương pháp thông khí.
- Phẫu thuật cải thiện màng nhĩ: Túi co kéo được lấy ra và đặt một miếng vá để bù đắp phần màng nhĩ bị thiếu.
Cụ thể:
- Đối với trường hợp xẹp nhĩ cấp độ 1, cấp độ 2: Người bệnh được khám và lên lịch tái khám định kỳ. Nếu cần, sẽ kết hợp điều trị nguyên nhân và đặt ống thông khí.
- Trong trường hợp xẹp nhĩ toàn bộ cấp độ 3 và cấp độ 4: Thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi chỉnh hình hòm nhĩ, tái tạo xương con, phục hồi thính giác là chỉ định được ưu tiên.
- Các trường hợp xẹp nhĩ khu trú cấp độ 3 và cấp độ 4: Phẫu thuật nội soi mở thượng nhĩ.

Biện pháp phòng tránh xẹp nhĩ
Cách phòng ngừa các nguy cơ giúp tai bạn khỏe:
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn.
- Giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh, cảm cúm, tiêm phòng đầy đủ.
- Chữa trị dứt điểm các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, các bệnh về tai mũi họng,…
- Sau khi tắm và bơi lội nên dùng khăn hoặc tăm bông thấm hết nước bên trong tai.
- Vệ sinh tai bằng tăm bông thấm nước muối sinh lý hoặc oxy già mỗi ngày.
Xẹp nhĩ kéo dài nếu không được điều trị sẽ gây ra viêm tai dính nguy hiểm. Ngay khi có những biểu hiện của bệnh, bạn nên đến trung tâm y tế để được bác sĩ khám và điều trị sớm.
Leave a reply