Bệnh trĩ ở bà bầu là tình trạng thường gặp phải, đặc biệt là giai đoạn mang thai 3 tháng cuối. Bị trĩ khi mang thai khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, dễ bị stress, ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất.
Trĩ khi mang thai là gì?
Trĩ khi mang thai là tình trạng tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng bị sưng lên do liên tục chịu áp lực hoặc dây thần kinh của hậu môn bị chèn ép quá nhiều. Trĩ có thể gây đau rát, ngứa hoặc chảy máu khi đại tiện. Trong quá trình mang thai, phụ nữ thường xuyên bị táo bón, kèm theo áp lực từ thai nhi trong tử cung, tạo sức ép lên vùng hậu môn gây ra trĩ. Thai phụ bị trĩ sẽ rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe thai kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai
- Áp lực từ tử cung: Khi thai nhi phát triển mỗi ngày, tử cung của người mẹ cũng sẽ lớn dần lên. Điều này tạo ra áp lực lên vùng xương chậu, các tĩnh mạnh gần hậu môn và trực tràng, gây sưng đau, khó chịu.
- Sự gia tăng hormone progesterone: Đây cũng chính là một trong các yếu tố dẫn đến mắc bệnh trĩ khi mang thai. Hormone này làm tăng nguy cơ giãn thành tĩnh mạch khiến chúng dễ bị sưng hơn và dẫn đến bệnh trĩ.
- Tăng thể tích máu: Việc tăng thể tích máu làm mở rộng tĩnh mạch cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh trĩ khi mang thai.
- Táo bón khi mang thai: Phụ nữ mang thai thường xuyên gặp phải các vấn đề về tiêu hóa đặc biệt là táo bón. Việc táo bón kéo dài khiến mẹ bầu rặn nhiều khi đi đại tiện, đây là một trong các yếu tố dễ dẫn đến bệnh trĩ.
Dấu hiệu bị trĩ khi mang thai
Các dấu hiệu bệnh trĩ ở thai phụ cũng giống như ở người không có thai. Các biểu hiện gồm đại tiện chảy máu, ngứa hậu môn, khó chịu đau rát vùng hậu môn hoặc búi trĩ sa ra ngoài hậu môn.
- Chảy máu khi đi đại tiện: Khi đại tiện sẽ thấy máu tươi đi kèm, máu không lẫn vào phân mà chảy ra cùng với phân. Bệnh ở cấp độ 1, máu ít và không xuất hiện nhiều, làm người bệnh chủ quan không đi khám bệnh. Đến khi tình trạng nặng hơn, máu sẽ chảy ra ồ ạt, gây đau đớn nhiều hơn.
- Ngứa rát vùng hậu môn: Dấu hiệu ngứa rát sẽ ngày càng gia tăng và rõ rệt nếu bệnh đã phát triển tới cấp độ 2, 3 và 4.
- Cảm giác đại tiện chưa hết: Bà bầu sẽ thường xuyên có cảm giác đi đại tiện chưa hết, cảm thấy nặng và đau rát hậu môn do trĩ.
- Đau sưng vùng quanh hậu môn: Bệnh trĩ là tình trạng giãn tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn gây ứ máu và tạo cấu trúc dạng búi. Nếu mắc bệnh trĩ, hậu môn sẽ thường bị sưng sau khi đại tiện.
- Sa búi trĩ: Triệu chứng này có thể là do trĩ nội hay trĩ ngoại, tùy theo mức độ nặng mà kích thước của sa búi trĩ lớn hay nhỏ. Nếu bũi trĩ càng to và quanh rìa hậu môn càng nhiều, chứng tỏ bà bầu bị trĩ nặng, cần được chữa trị sớm.
Bà bầu bị trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ trong giai đoạn thai kỳ thường không gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu quá nhiều.
- Gây mệt mỏi, stress cho bà bầu: Các biểu hiện của bệnh trĩ có thể khiến bà bầu rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến tâm trạng của bà bầu, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, khi có triệu chứng nghi bệnh trĩ, bà bầu nên đi điều trị sớm để mẹ và bé đều khỏe.
- Biến chứng: Trĩ không được điều trị đúng cách từ giai đoạn đầu có thể diễn tiến nặng, gây nên các vấn đề như búi trĩ sa nghẹt hoặc gây tắc mạch, viêm loét và nhiễm trùng. Đây là các biến chứng nặng và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị bệnh trị khi mang thai
Thông thường bệnh trĩ sẽ tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, bị trĩ khi mang thai thường gây ngứa và đau, khiến bà bầu cảm thấy rất khó chịu, thậm chí nếu không chăm sóc đúng cách có thể khiến bà bầu bị sa búi trĩ. Để đề phòng biến chứng này có thể áp dụng các cách sau:
- Ngâm vùng trực tràng trong nước ấm nhiều lần trong ngày.
- Sử dụng túi nước đá chườm vào vùng bị trĩ sẽ làm giảm sưng và giúp giảm đau.
- Giữ hậu môn sạch sẽ và khô ráo: Hãy thử sử dụng khăn ẩm hoặc khăn lau trẻ em để nhẹ nhàng làm sạch khu vực sau khi đi đại điện thay vì dùng giấy vệ sinh khô.
- Giữ cho vùng hậu môn được khô thoáng sau khi tắm hoặc đi tiêu vì độ ẩm quá mức có thể gây kích ứng.
- Sử dụng baking soda (ướt hoặc khô) vào khu vực bị trĩ để giảm ngứa.
- Có thể sử dụng thuốc để giảm triệu chứng của bệnh, tuy nhiên nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, không nên tự ý mua thuốc về dùng.

Phòng ngừa bệnh trĩ khi mang thai
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm nhiều chất xơ vào mỗi bữa ăn để tránh táo bón. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau quả.
- Bà bầu không nên ăn nhiều muối và nhiều đường, không sử dụng các loại thức ăn, đồ uống có chất kích thích.
- Giữ tâm lý thoải mái vì nếu thường xuyên bị căng thẳng sẽ dễ bị viêm đại tràng. Tránh bị táo bón và viêm đại tràng là hai việc nên làm để phòng ngừa bệnh trĩ khi mang thai.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Xây dựng và duy trì thói quen vận động, tập thể dục nhẹ nhàng một cách thường xuyên và đều đặn để thúc đẩy tuần hoàn máu cũng như tăng cường độ dẻo dai cho các cơ vùng kín.
- Tránh rặn khi đi vệ sinh và không ngồi quá lâu để giảm áp lực lên hậu môn. Nên tập thói quen đi đại tiện đều đặn vào một khung giờ nhất định trong ngày.
- Nếu công việc buộc phải ngồi nhiều, cần tránh ngồi quá lâu, thay vào đó, nên đứng dậy và đi lại sau khoảng 30 phút làm việc để giảm áp lực lên hậu môn.
- Khi nằm nên nằm nghiêng một bên, tốt nhất là nằm nghiêng về phía bên trái, tránh nằm ngửa hoặc nằm sấp, sẽ giúp giảm máu ứ tại vùng chậu và hậu môn.
Để tận hưởng trọn vẹn thai kì, tránh nguy cơ bị bệnh trĩ khi mang thai, bà bầu nên có các chế độ ăn uống khoa học, bổ sung chất xơ cùng kết hợp chế độ vận động nhẹ nhàng. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ bệnh trĩ, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn điều trị nhanh chóng. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi, phụ nữ muốn sinh con, nên điều trị dứt điểm bệnh trĩ trước khi mang thai.
Leave a reply