Dịch tay chân miệng hiện nay đang diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Biến chứng tay chân miệng ở trẻ bao gồm thở yếu, khóc khan, da nổi bông, lạnh tứ chi, mạch nhanh, huyết áp cao.
Các biến chứng tay chân miệng nguy hiểm
Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh của bệnh tay chân miệng bao gồm: Viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy, với những biểu hiện:
- Giật mình, co giật từng cơn ngắn 1 – 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
- Bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược.
- Rung giật nhãn cầu.
- Tăng trương lực cơ.
- Yếu, liệt chi.
- Liệt dây thần kinh sọ não.
- Hôn mê thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Biến chứng hô hấp
- Khó thở: Thở nhanh, nông, khò khè, hơi thở rít thanh quản, không đều, rút lõm lồng ngực.
- Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, phổi nhiều ran ẩm, nổi khí quản có lẫn máu.
Biến chứng tim mạch
- Mạch đập nhanh (trên 150 lần/phút).
- Thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây).
- Rối loạn vận mạch, da tím tái, đổ mồ hôi, tay chân lạnh ngắt.
- Ở giai đoạn đầu, huyết áp tăng cao. Giai đoạn sau, không đo được mạch và huyết áp.

Dấu hiệu cho thấy tay chân miệng có nguy cơ biến chứng
Để ngăn chặn kịp thời những biến chứng nguy hiểm trên đây, cha mẹ nên chú ý nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Trẻ sốt cao trên 39 độ và khó hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường là paracetamol.
- Nôn ói nhiều.
- Tăng đường huyết.
- Thở rít, thở khó.
- Tăng tổn thương trên da
- Trẻ quấy khóc liên tục, ngủ không yên. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn sớm của tình trạng nhiễm độc thần kinh.
- Trẻ thường xuyên giật mình ngay cả khi ngủ.
Trong số các biến chứng của tay chân miệng, đáng kể nhất chính là nguy cơ tử vong mà nó gây ra. Vì thế, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện khi có những dấu hiệu này. Việc thăm khám kịp thời sẽ giúp cha mẹ biết được tình trạng bệnh của con mình và được bác sĩ chỉ định điều trị với phác đồ phù hợp.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách theo khuyến cáo của bác sĩ
Bệnh tay chân miệng hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính là chăm sóc và điều trị triệu chứng. Với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng và tuân thủ cách hướng dẫn của bác sĩ.
Trong đó, một số điều cha mẹ cần chú ý khi chăm sóc trẻ như:
- Cách ly trẻ khỏi nơi đông người, tạm dừng cho trẻ đến trường.
- Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách, đúng liều lượng khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, bù điện giải bằng oresol,..
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cho ăn các loại thức ăn loãng, nguội, mát, kiêng thức ăn cay, nóng,… Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C như thịt, tôm, cá, trứng, sữa và các loại rau có màu xanh sẫm, củ quả màu vàng đỏ. Thực phẩm nhiều kẽm giúp tăng đề kháng và vết thương chóng lành.
- Giữ vệ sinh cho trẻ đúng cách: vệ sinh răng miệng, tắm cho trẻ trong phòng kín gió bằng nước ấm, các đồ dùng sinh hoạt của trẻ phải được khử khuẩn thường xuyên,…
- Tuyệt đối không cho trẻ cào, cấu các mụn nước trên cơ thể tránh bội nhiễm.

Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Ở nước ta, mùa hè là lúc thời tiết nóng ẩm, rất thuận lợi cho virus gây bệnh tay chân miệng phát triển và lây lan. Vì thế, trong thời điểm này, các bậc cha mẹ nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách:
- Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh sạch sẽ vật dụng của trẻ bằng chất tẩy rửa thông thường.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với trẻ.
- Nếu trẻ bị chân tay miệng, hãy tránh để trẻ tiếp xúc với nơi đông người, đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài và hướng dẫn trẻ che miệng khi ho hay hắt hơi.
Phụ huynh không nên chủ quan với triệu chứng bệnh tay chân miệng như sốt bất thường, triệu chứng về thần kinh, kèm theo các dấu hiệu ngoài da, niêm mạc. Hãy đưa trẻ đi thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng, tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe bé.
Leave a reply