Trong quá trình mang thai người phụ nữ cần rất nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bản thân trước mắt và lâu dài. Trong số các chất dinh dưỡng này có một nguyên tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đó chính là sắt.
Vai trò của sắt quan trọng như thế nào?
Trong thời gian thai kỳ vai trò của sắt rất quan trọng. Cơ thể người mẹ cần cung cấp gấp 2 lần lượng sắt bình thường để tạo máu nhiều hơn, cung cấp nhu cầu oxy cho cả mẹ và thai nhi. Thiếu máu do thiếu sắt có thể làm bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, chuột rút, kém tập trung và có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi như:
- Đối với thai nhi: Có nguy cơ thai nhẹ cân, sinh non, các vấn đề về bánh nhau…
- Đối với mẹ: Không đủ máu trong quá trình sinh đẻ, nếu mất máu nhiều phải truyền máu, kéo dài thời gian nằm viện, giảm sản xuất sữa, nếu thiếu máu kéo dài có thể dẫn tới suy tim. Từ đó có thể thấy vai trò của sắt quan trọng với phụ nữ trong thời gian thai kỳ như thế nào.
Mỗi ngày mẹ bầu cần nạp bao nhiêu sắt?
Trước mang thai, một người phụ nữ cần 15mg sắt mỗi ngày. Đây là một lượng vi chất không nhỏ và nhiều người thường không đáp ứng đủ lượng sắt cho cơ thể như khuyến nghị.
Khi mang thai, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi, khoảng 30mg/ngày. Nếu không cung cấp đủ, mẹ bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.

Cách bổ sung sắt cho bà bầu
Nguồn thực phẩm giàu chất sắt
Thực phẩm chính là nguồn sắt dồi dào và đa dạng. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm sau:
- Thịt đỏ, tim, gan, thịt gia cầm.
- Cá, nghêu, hàu.
- Lòng đỏ trứng.
- Các loại đậu, ngũ cốc.
- Các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô và trái cây khô.
Thông thường, sắt có nguồn gốc từ động vật sẽ được hấp thu tốt hơn so với sắt có nguồn gốc từ thực vật. Trung bình, một người bình thường có thể hấp thụ được 10 – 15% sắt từ động vật nhưng chỉ hấp thụ 5 – 10% sắt từ thực vật.
Như vậy, muốn đủ sắt thì phải ăn một lượng sắt gấp 10 lần nhu cầu khuyến cáo (vì cơ thể chỉ hấp thu trung bình 10%), ăn dạng sắt dễ hoà tan trong cả động vật và thực vật, kèm theo phải ăn đủ chất đạm, không ăn quá nhiều thức ăn giàu sắt, photpho.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên lưu ý bổ sung thêm folate, acid folic, vitamin B-12… do các chất này cũng tham gia vào quá trình tạo máu.
Bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai
Thuốc bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai có thể sử dụng bởi hai dạng: sắt vô cơ và sắt hữu cơ. Trong hai dạng này, sắt hữu cơ sẽ có ưu điểm vượt trội hơn so với sắt vô cơ vì sắt hữu cơ có khả năng hấp thu vào cơ thể tốt hơn và ít gây nên tình trạng táo bón cho người sử dụng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể sử dụng viên sắt đơn thuần được sản xuất ở dạng hoá trị hai như gluconat, sắt succinat, sắt oxalat…

Nguyên tắc khi dùng thuốc bổ sung sắt
- Để đạt hiệu quả tổng hợp sắt tốt nhất nên sử dụng kèm vitamin C.
- Uống sắt lúc đói, ngày 3 lần, tốt nhất là cách 30 phút trước bữa ăn sáng, trưa và tối.
- Tuyệt đối không dùng sắt cùng lúc với canxi. Sắt và canxi thường kỵ nhau, vì thế mẹ bầu tuyệt đối không uống cùng lúc. Khuyến cáo được các chuyên gia y tế đưa ra: 3 tháng giữa của thai kỳ là thời điểm lý tưởng để bổ sung sắt cho bà bầu, 3 tháng cuối sẽ thích hợp để uống bổ sung canxi.
- Tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể khi uống sắt mà mẹ bầu có thể thay đổi thời điểm uống bổ sắt sao cho phù hợp.
- Khi uống viên bổ sung sắt cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón. Đặc biệt chỉ uống thuốc bằng nước đun sôi để nguội, tránh sử dụng trà hay cà phê vì sẽ làm giảm sự hấp thụ sắt.
Bổ sung sắt cho bà bầu khi mang thai là điều quan trọng mà các mẹ cần quan tâm. Tuy nhiên, mẹ bầu chú ý bổ sung nên bổ sung theo chỉ định của các bác sĩ. Tránh dư thừa sẽ làm nặng cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt tới khả năng ăn uống cũng như sức khỏe của mẹ và thai nhi.